Nhiều nhân sự quản lý ngành du lịch chưa có trình độ đại học

Một khảo sát tại 12 cơ sở lưu trú thuộc sở hữu nhà nước cho thấy nhiều nhân sự quản lý ngành du lịch chưa có trình độ đại học (ĐH), đặc biệt trong nhóm trưởng phó bộ phận và trưởng ca giám sát.

Các diễn giả tham dự hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. HÀ ÁNH

Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp" được tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn ngày 28.10.

Đa số nhân sự trưởng ca và giám sát có trình độ trung cấp nghề

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đường Giang, nguyên Tổng giám đốc nhân sự Tổng công ty du lịch Sài Gòn Tourist, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện khảo sát tại 12 đơn vị lưu trú thuộc sở hữu nhà nước từ 3-5 sao. 

Kết quả khảo sát về trình độ học vấn cho thấy, ban điều hành cơ sở lưu trú có 51% trình độ từ ĐH và 49% sau ĐH. Riêng với vị trí trưởng bộ phận, bên cạnh lực lượng lớn có trình độ từ ĐH thì vẫn còn 7% CĐ và 20% trung cấp nghề. Theo khảo sát, trưởng ca và giám sát có trình độ trung cấp nghề là chủ yếu. Cụ thể, 64% trình độ trung cấp nghề, 9% CĐ, 25% ĐH và 2% sau ĐH.

Từ kết quả này, ông Giang cho rằng, hiện nay trình độ lao động ngành du lịch ngày càng được tăng cao nhờ vào sự phát triển của các cơ sở đào tạo. Nhưng từ khảo sát trên cho thấy, để đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, cần thiết phải nâng cao năng lực, trình độ học vấn chuyên môn cho các nhân sự quản lý, đặc biệt trong nhóm trưởng phó bộ phận và trưởng ca giám sát.

Theo thông tin được chia sẻ tại hội thảo, Việt Nam hiện có 192 cơ sở đào tạo ngành du lịch phân bố đều trên các tiểu vùng du lịch. Trong đó, 62 trường ĐH, 10 trường CĐ chuyên ngành đào tạo du lịch, 45 trường CĐ có ngành du lịch và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, nhân lực lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, nhất là với các ngoại ngữ hiếm. Năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị cũng chưa tương xứng với yêu cầu của một ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch. "Chất lượng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục còn chưa cao, thiếu tính thực tiễn… Các doanh nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp với văn hóa và tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp", thạc sĩ Tuyết nói thêm.

Tham luận tại hội thảo, GS-TS Trương Quang Vinh, Phòng Quan hệ quốc tế, quan hệ doanh nghiệp và công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, cho rằng sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành du lịch cần được bổ sung.

Ông Vinh dẫn số liệu báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2019 cho thấy hơn 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch làm việc trước đại dịch và trong đó có hơn 860.000 lao động trực tiếp. Trong đó 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác và 20% chưa qua đào tạo.

Theo GS-TS Trương Quang Vinh, số lượng người lao động trong ngành du lịch được đào tạo khá khiêm tốn, chưa cung ứng đầy đủ cho thị trường. Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch do các cơ sở đào tạo, kể cả bậc ĐH, cung cấp cho thị trường chưa đáp được yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ năng.

Tiến sĩ Nguyễn Đường Giang chia sẻ thông tin tại hội thảo. HÀ ÁNH

Tránh tình trạng đào tạo lý thuyết suông

Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cũng chia sẻ mô hình đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ tại trường. Theo đó, trường thiết kế chương trình đào tạo theo tín chỉ trình độ CĐ với phương châm lấy sinh viên làm trung tâm. Sinh viên được phát huy tính chủ động, tự học, linh hoạt về thời gian học tập và tốt nghiệp. Trong đó, các ngành dịch vụ như hướng dẫn du lịch và quản trị khách sạn, số giờ thực hành chiếm 64-66% chương trình.

Không chỉ sinh viên, tiến sĩ An Long còn cho biết, nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngành du lịch là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, giảng viên các ngành dịch vụ đòi hỏi cần sự trải nghiệm thực tế để nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành. Do đó, việc gửi giảng viên đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước học tập kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật công nghệ mới mà doanh nghiệp đã sử dụng. Qua đó bổ sung vào chương trình giảng dạy, giúp tránh được tình trạng đào tạo lý thuyết suông.

Theo Hà Ánh/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản số 5974/BGDĐT-QLCL về tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025.
Một trường đại học (ĐH) tại TP.HCM thông báo giảng viên bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Hết năm thứ 3 chưa thực hiện, giảng viên bị đánh giá lại việc sử dụng viên chức.
Qua thống kê, tại TP.HCM, từ năm học này có gần 10 trường ĐH bắt đầu đào tạo ngành/chuyên ngành thiết kế vi mạch, chủ yếu là ở các trường công lập.
Thống kê đến 31/12/2023 của Bộ GD – ĐT, đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, sự tham gia của khối ngoài công lập ngày càng tăng, chiếm 48,7% quy mô đào tạo thạc sĩ luật của cả nước.
Với gần 370 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển thành trung tâm giáo dục và nghiên cứu chất lượng cao ở khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo mới nhất.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.