Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Trầy trật tuyển sinh vẫn không đủ người học

Việc tuyển sinh, đào tạo nhân lực nhóm ngành này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức...

Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong phòng thí nghiệm.

Nhóm ngành khoa học cơ bản không chỉ giữ vai trò trọng yếu trong phát triển các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mà còn gián tiếp tạo ra những thay đổi có tính dẫn dắt và thúc đẩy giá trị của quốc gia. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn hiện nay là việc tuyển sinh, đào tạo nhân lực nhóm ngành này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Tỷ lệ tuyển sinh thấp

Kết thúc mùa tuyển sinh 2022, thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội là 4 lĩnh vực tỷ lệ tuyển sinh đầu vào đại học thấp nhất. Đáng nói, đây là năm thứ 3 liên tiếp, 4 nhóm ngành học này có tỷ lệ thấp nhất trong 23 lĩnh vực đào tạo mà các trường tuyển sinh.

Thực trạng trên còn minh chứng rõ nét bằng con số tuyển sinh tại các nhóm ngành khoa học cơ bản ứng dụng như: Hóa học, Kỹ thuật địa chất, Vật lý, Công nghệ sinh học, Hải dương học, Khí tượng và khí hậu học, Tài nguyên và môi trường nước… ở trường đại học là vô cùng thấp, chỉ đạt 30 - 65%/tổng chỉ tiêu từng ngành.

Ở Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường TPHCM, nhóm ngành thuộc truyền thống và thế mạnh như: Địa chất học (49 chỉ tiêu), Thủy văn học (49 chỉ tiêu), Kỹ thuật trắc địa - bản đồ (99 chỉ tiêu), Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo (49 chỉ tiêu) nhưng vẫn không thể tuyển đủ. Tương tự, Trường ĐH Nha Trang nhóm ngành khoa học cơ bản như: Kỹ thuật hóa học (30 chỉ tiêu), Kỹ thuật môi trường (50 chỉ tiêu), Công nghệ sinh học (60 chỉ tiêu) dù xét tuyển bổ sung 2 đợt nhưng vẫn trong cảnh thiếu người học.

Nhìn nhận việc tuyển sinh nhóm ngành học cơ bản đang đối diện quá nhiều thách thức, đại diện của Phòng Đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt cho biết, đây là tình cảnh chung của phần lớn các trường bởi sự quay lưng từ người học với nhóm ngành này. Tại Trường Đại học Đà Lạt, năm 2022, một số ngành đặc thù của trường như Công nghệ sau thu hoạch, Sinh học, Vật lý, Công nghệ kỹ thuật môi trường hay Việt Nam học có số thí sinh trúng tuyển và nhập học không cao.

TS Trịnh Văn Định, Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận: 5 năm qua (2017 - 2021), tỷ lệ xét tuyển vào các ngành khoa học cơ bản của trường có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, ngành Triết học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Việt Nam học có chỉ tiêu từ 70 - 90/ngành thì đến năm 2021 - 2022 giảm xuống còn 50 - 60/ngành.

Nguyên nhân gây khó khăn trong xét tuyển và đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành này, theo TS Định, do nền kinh tế thay đổi dẫn đến nhu cầu ngành nghề thay đổi, ngành học không hấp dẫn, thu hút người học ở tên gọi.

“Tỷ lệ nhập học/trúng tuyển của các ngành này rất thấp và không ổn định qua mỗi năm. Điều đáng lo, qua các mùa tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên đăng ký ngành khoa học cơ bản không phải là lựa chọn thứ nhất, dẫn đến ngay từ đầu sự gắn bó và cam kết học tập không cao.

Thống kê từ phòng đào tạo cho thấy, sinh viên đăng ký nguyện vọng 1 chỉ tuyển được 20 - 30% chỉ tiêu, số còn lại phải tuyển nguyện vọng 2. Điều này là thách thức lớn vì để đào tạo ngành khoa học cơ bản, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển thành chuyên gia”, TS Định nói.

Sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tham gia thuyết trình.

Tên gọi và thu nhập không hấp dẫn

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận, khoa học ứng dụng có vai trò quan trọng và cần thiết cho sự phát triển, tiên phong quan trọng của nhân loại. Tuy nhiên, khoa học ứng dụng không thể đứng riêng mà phải dựa vào khoa học cơ bản trong mỗi bước phát triển. Khoa học cơ bản đóng góp cho văn hóa, tạo khả năng phát hiện có tầm quan trọng to lớn về kinh tế và thực tiễn. Khoa học cơ bản là động lực cho sự phát triển và kích thích ngành công nghiệp, có tác động hai chiều với giáo dục và đào tạo.

“Thực tế, các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân thường có xu hướng thiên về khoa học ứng dụng nhằm mang lại giá trị thực tế. Trong khi đó, trường đại học coi trọng cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng để có thể cung cấp ra xã hội nguồn lực đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Tuy vậy, thực trạng tuyển dụng và đào tạo nhân lực nhóm ngành này hiện rất quan ngại khi người học ngày càng không có hứng thú theo đuổi.

Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), tỷ lệ sinh viên ngành khoa học cơ bản nhập học và tốt nghiệp giai đoạn 2014 - 2018 chỉ đạt 60%. Bên cạnh số lượng, chất lượng người học cũng là thách thức lớn với các trường nhằm cân đối nhân lực ngành nghề cho sự phát triển chung của xã hội”, PGS.TS Hồng Minh nói.

Khó khăn của công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực nhóm ngành khoa học cơ bản theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh đến từ 4 nguyên nhân chính gồm: Tính chất khó khăn của nghiên cứu khoa học cơ bản; Sức hút đối với xã hội và người học trong bối cảnh các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút được thí sinh có chất lượng tốt trong các kỳ tuyển sinh; Vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản chủ yếu là trong đơn vị hành chính, sự nghiệp nên mức thu nhập thấp. Đặc biệt, cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành chủ yếu nằm ở khu vực công nên lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và khẳng định cũng là rào cản không nhỏ.

Đồng quan điểm, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, cho rằng, học sinh không chọn học những ngành khoa học cơ bản vì tên gọi và thu nhập không hấp dẫn. Mặt khác trong bối cảnh công nghệ phủ sóng mọi mặt của đời sống, việc tìm kiếm một ngành học đón đầu xu thế, đáp ứng tiêu chí năng động, nhẹ nhàng và thu nhập cao là điều có thể hiểu nơi các bạn trẻ hiện nay.

“Từ kinh nghiệm bản thân cũng như nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất chính là việc chúng ta thiếu chính sách ưu đãi, thu hút cho nhân lực nhóm ngành này. Thiếu hụt thông tin, nhận thức trong xã hội về vai trò của khoa học cơ bản, danh mục tuyển dụng của các cơ quan… cũng tác động tới cơ hội việc làm. Từ đó dẫn đến tâm lý sợ và tránh né theo học nhóm ngành khoa học cơ bản”, TS Phương nói.

Theo Anh Tú/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn là gì? Điểm sàn và điểm chuẩn có gì khác nhau? nếu chỉ đạt điểm sàn, có chắc sẽ đậu đại học?... là những câu hỏi mà nhiều thí sinh đang thắc mắc trong giai đoạn cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH – CĐ năm 2024.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, từ hôm nay 18/7 cho đến 17h ngày 30/7, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Mỗi thí sinh có 13 ngày để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống của Bộ.
Nội dung này được đại diện các trường đại học nêu ra tại Chương trình Tư vấn xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM – VTV9 và Trang tin điện tử tuyensinhhuongnghiep.vn thực hiện.
Đây là quan tâm của nhiều học sinh tỉnh Tiền Giang trong chương trình tư vấn, xét tuyển ĐH-CĐ 2024 “Cùng bạn quyết định tương lai” diễn ra tại tỉnh Tiền Giang. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Đài phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Trang thông tin tuyensinhhuongnghiep.vn thực hiện với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Với nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh muốn trúng tuyển vào đại học không khó. Tuy nhiên các em phải nắm được nguyên tắc chọn nguyện vọng và ngành học phù hợp.
Đây là lưu ý của các chuyên gia trong chương trình tư vấn, xét tuyển ĐH-CĐ 2024 “Cùng bạn quyết định tương lai” diễn ra tại tỉnh Đồng Nai mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Trang thông tin tuyensinhhuongnghiep.vn thực hiện với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề