Năm học mới: Đa số các trường ĐH ngoài công lập đều tăng học phí

Không nằm trong quy định bắt buộc phải dừng tăng học phí như trường ĐH công lập, hiện nay các trường ĐH ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí theo Nghị định 81.

Năm 2021, Trường ĐH Võ Trường Toản có mức HP ngành thấp nhất 10 triệu đồng/năm và ngành cao nhất là y khoa 60 triệu đồng/năm. Năm 2022, ngành thấp nhất 10,5 triệu đồng/năm, còn y khoa 61,5 triệu đồng/năm. Đến năm 2023, các ngành thấp nhất gồm kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh ở mức 11,5 triệu đồng/năm và y khoa cao nhất là 65 triệu đồng/năm.

Tân sinh viên nhập học và đóng học phí tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. MỸ QUYÊN

Như vậy, trường này có tăng HP theo từng năm nhưng mức tăng khá thấp ở năm 2022 (cao nhất 5%) và tăng cao hơn một chút ở năm 2023 (cao nhất 9,5%).

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, mức tăng cũng không đáng kể: từ 1,2 triệu đồng/tín chỉ năm 2022 tăng thành 1,23 triệu đồng/tín chỉ năm 2023. Năm học 2023 - 2024, Trường ĐH FPT thu HP mỗi học kỳ là 28,7 triệu đồng, trong khi năm học 2022 - 2023 HP là 27,3 triệu đồng/học kỳ, tăng 5%.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn năm 2022 tăng 10% so với 2021 nhưng năm nay tăng tới 14% so với năm 2022.

Cụ thể, năm 2022 ngành cao nhất là 19,49 triệu đồng/học kỳ thì năm 2023 là 21,5 triệu đồng/học kỳ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Như trường đã công bố trước đó, năm học 2023 - 2024 HP 1 tín chỉ là 1,3 triệu đồng, tính ra bình quân mỗi học kỳ khoảng 13 - 15 triệu đồng (mỗi năm có 3 học kỳ). Riêng ngành dược có HP khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ (đơn giá 1,5 triệu đồng/tín chỉ). So với năm học trước thì mức này có điều chỉnh tăng khoảng 3 - 5%.

Đối với Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, mức điều chỉnh năm nay cũng không vượt quá 6% so với năm 2022. Cụ thể, sinh viên (SV) khóa mới phải đóng khoảng 18 - 20 triệu đồng/học kỳ và một năm có 4 học kỳ.

Theo quy định tại Nghị định 81, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được phép tăng HP hằng năm không quá 15%. MỸ QUYÊN

Học phí đã bao gồm các khoản

Theo quy định tại Nghị định 81, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được phép tăng HP hằng năm không quá 15%. Trước tình hình kinh tế khó khăn, đầu tháng 8, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 81 theo hướng không tăng HP năm học 2023 - 2024 ở tất cả các cấp học. Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ bản dự thảo này, tuy nhiên các điều chỉnh chủ yếu dành cho trường ĐH công lập, trường ngoài công lập vẫn được tự chủ về việc xác định HP như quy định tại Nghị định 81.

Giữ mức học phí như năm học trước

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết năm 2023 HP không tăng so với năm 2022, với 70 - 86 triệu đồng/năm tùy ngành học. "Mức HP này đã bao gồm giáo trình, tài khoản thư viện, tài khoản photocopy tài liệu tại các cơ sở đào tạo của trường", bà Hương chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế miền Đông, cho hay trong 3 năm học gần đây HP ngành thấp nhất là 15 triệu đồng/năm và ngành cao nhất là 40 triệu đồng/năm. "Chúng tôi cố gắng giữ ổn định để chia sẻ gánh nặng tài chính với người học", ông Huy nói.

Tương tự, thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho hay năm 2023 trường giữ nguyên mức HP như năm 2022 cho tất cả các ngành, SV không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào khác ngoài bảo hiểm y tế và thẻ từ. "Riêng ngành y và răng hàm mặt còn giảm 30 triệu đồng/SV, y học cổ truyền giảm 10 triệu đồng so với năm học trước. Đó là chưa kể quỹ học bổng của doanh nghiệp hỗ trợ tất cả tân SV, thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng/SV", bà Quyên cho biết.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thông tin năm học 2023 trường giữ nguyên mức HP so với năm 2022 nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí học tập trong điều kiện tình hình kinh tế tài chính khó khăn như hiện nay.

"Mặc dù được phép tăng tối đa 15% nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xác định HP năm sau có thể điều chỉnh so với năm trước nhưng không vượt quá 7%/năm. Sở dĩ trường vẫn điều chỉnh ở mức dưới 7% là để đảm bảo cho việc đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, dịch vụ hỗ trợ SV… Mức HP mà trường thu năm 2023 dành cho tân SV đã bao gồm các hoạt động, các em không phải đóng thêm các khoản khác", thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chính sách điều chỉnh HP hằng năm của trường ở mức không vượt quá 6% là để tái đầu tư vào phục vụ các hạng mục học tập, đào tạo cho SV. "HP trên đã bao gồm 7 cấp độ tiếng Anh. Ngoài ra, trường sẽ có chính sách học bổng để hỗ trợ người học từ đầu vào đến đang học tập tại trường như học bổng dành cho các bạn giỏi tiếng Anh, tài năng…", thạc sĩ Bích cho hay. 

Theo Mỹ Quyên/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 toàn TP Hồ Chí Minh có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có 74.581 thí sinh THPT, 9.465 thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều đặc biệt là có đến 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C khi (cùng tổng điểm), trong đó, 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Cả nước có gần 11.000 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất. So với năm 2023, số điểm 10 năm nay giảm nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mức điểm cao nhất theo khối thi truyền thống khối C cao nhất với 29,75 điểm, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7. Mời bạn đọc vào đây để xem kết quả
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề