Vừa qua, trường Bách Khoa - trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn trình độ đại học thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Trường dự kiến tuyển sinh và đào tạo trong năm 2024.
Thiết kế vi mạch bán dẫn là chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của công nghệ, điện tử viễn thông và tự động hóa; được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: điện tử tiêu dùng, viễn thông, ô tô, y tế, năng lượng.
Ngoài ra, ngành học này còn được ứng dụng vào trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, internet vạn vật (Internet of Things - IoT) và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.
TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường Bách Khoa chia sẻ, để chuẩn bị cho chương trình đào tạo này, trường Bách Khoa đã ký kết hợp tác với trường Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University), Đài Loan để liên kết đào tạo song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn.
TS. Lương Vinh Quốc Danh, Trưởng khoa Điện tử-Viễn thông, trường Bách Khoa cho biết, theo thống kê của cộng đồng vi mạch Việt Nam, vào năm 2010, số lượng nguồn nhân lực ngành thiết kế vi mạch chỉ có khoảng 300 kỹ sư. Đến năm 2021, số lượng kỹ sư tăng lên khoảng 5.000 người. Trong khi đó, nhu cầu thực tế đang cao hơn gấp 10 lần số lượng kỹ sư hiện tại.
Trong năm 2023, số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch tại Việt Nam ngày càng tăng, nhiều công ty lớn trên thế giới như Amkor Technology (Hoa Kỳ), Hanmi Semiconductor (Hàn Quốc), Infineon Technologies AG (Đức) đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
Ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là một xu hướng phát triển tất yếu của nền công nghiệp điện tử, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Đây là cơ hội để nước nhà phát triển, trở thành trung tâm công nghệ và điện tử của thế giới. Chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn được dự đoán sẽ thu hút số lượng lớn sinh viên theo học trong tương lai.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và định hướng hữu ích từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến xoay quanh môn học trong chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trong quá trình học tập và nghiên cứu, chuẩn đầu ra của chuyên ngành.
Qua đó, tổ soạn thảo sẽ ghi nhận, bổ sung và tham mưu với Ban Giám hiệu tăng cường các học phần cần thiết để hoàn thiện chương trình đào tạo, định hướng phát triển ngành và trường Bách Khoa có thể bắt đầu tuyển sinh trong năm 2024.
Việt Sử (Theo CTU)