Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Giảng viên lỉnh kỉnh hành lý lên đường làm nhiệm vụ

Hơn 8.000 cán bộ, viên chức, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được Bộ GD&ĐT huy động làm công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Sáng 26-6, 55 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Luật TP.HCM đã xuất phát đến tỉnh Khánh Hòa để thực hiện công tác thanh tra coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thời gian từ 27-6 đến 30-6.

Nhiều giảng viên trẻ sẵn sàng hành lý lên đường
Đoàn công tác của cán bộ, giảng viên bắt đầu khởi hành đến tỉnh Khánh Hòa

Theo TS Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường, Trưởng đoàn công tác năm nay, các cán bộ, giảng viên tham gia đoàn đều đã được tập huấn đầy đủ do trường tổ chức và đạt yêu cầu đề ra theo quy định.

Để chuẩn bị tốt nhất cho các cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ, trường đã cử đoàn công tác tiến hành tiền trạm và làm việc trước với các địa phương về phương án sinh hoạt và di chuyển. Ngoài ra, mỗi cán bộ, giảng viên còn được nhà trường trang bị thêm nhu yếu phẩm, túi thuốc và vật dụng y tế cá nhân.

Bên cạnh đó, để chủ động dự phòng nguồn cán bộ cũng như phòng trước các trường hợp phát sinh, trường đã bố trí danh sách nhân sự dự phòng cho Đoàn kiểm tra gồm 18 giảng viên, chuyên viên của trường. Đồng thời, trường đã chuẩn bị 4 ô tô để đưa các cán bộ, giảng viên đến từng địa điểm thực hiện công tác.

Trước khi khởi hành, các cán bộ được tập huấn và chuẩn bị kỹ lưỡng những tài liệu liên quan đến kỳ thi. Ảnh: NTCC

Tương tự, cũng di chuyển đến tỉnh Khánh Hòa, từ sáng sớm nay, hơn 40 thầy cô là cán bộ, giảng viên, nhân viên trong đồng phục của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã có mặt đúng giờ và nghiêm túc để chuẩn bị khởi hành lên đường làm công tác thi.

Theo đó, đoàn sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại ba địa bàn bao gồm: TP Nha Trang, Thị xã Ninh Hoà và huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hoà.

PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường mong muốn thầy cô cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thích nghi với điều kiện thực tế tại địa phương để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, thầy cô còn đại diện cho thương hiệu trường xây dựng hình ảnh làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, thân thiện, cởi mở trước các em học sinh, phụ huynh, hội đồng sư phạm các trường nơi quý thầy cô công tác.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lên xe khởi hành đi làm công tác thi. Ảnh: NGUYỄN TÀI

Được biết, năm nay, Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức của 142 cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 sở GD&ĐT.

Cụ thể, tại TP.HCM, năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng Trường ĐH Y dược TP.HCM sẽ cử khoảng 500 cán bộ, giảng viên làm công tác thanh tra, kiểm tra coi thi tại 156 điểm thi của TP.HCM.

Còn tại Hà Nội, khoảng 550 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Quốc gia Hà Nội được phân công làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thi tại gần 190 điểm thi với 4.263 phòng thi.

Tương tự, 185 cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng được phân công thanh tra tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH khác cũng được phối hợp hỗ trợ công tác này tại các địa phương. Như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với 34 cán bộ, giảng viên sẽ thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trường ĐH Sài Gòn sẽ nhận nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại TP Cần Thơ….

Trước khi triển khai công tác tại các Hội đồng thi, trong tuần qua, từng cán bộ, từng đoàn của các cơ sở ĐH đều được tập huấn nghiệp vụ kỹ lưỡng về công tác thanh tra, kiểm tra thi, tuân thủ quy định của pháp luật, nắm vững quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, kết thúc tập huấn, cán bộ, giảng viên tham gia đều phải thực hiện bài kiểm tra về nghiệp vụ, nếu đạt mới được tham gia chính thức vào đoàn công tác.

Theo Phạm Anh/ PLO

Tin cùng chuyên mục

Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng trong giai đoạn từ tháng 1 đến 9/9/2022, Hội đồng Anh Việt Nam đã liên kết tổ chức thi cấp sai phép chứng chỉ tiếng Anh trên 90 nghìn chứng chỉ.
Nhiều trường THPT TPHCM ghi nhận tỉ lệ 50% học sinh lớp Mười hai có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đủ điều kiện được miễn bài thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024, trong đó Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT vừa có phản hồi về quyền lợi của thí sinh liên quan đến kết luận trên 56.000 chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) đã liên kết tổ chức không hợp lệ của thanh tra Bộ.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, 17g ngày 10/5 là hạn cuối cùng thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Các chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định, khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề