Kỳ thi đánh giá năng lực: Những thay đổi đáng chú ý

Từ năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cùng với sự thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp, các hình thức xét tuyển ĐH cũng cần được điều chỉnh.

Được tổ chức từ năm 2018, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện đã thu hút hơn 100.000 thí sinh (TS) đến từ 1.815 trường THPT tham gia dự thi và gần 100 cơ sở giáo dục sử dụng để tuyển sinh. Chuẩn bị cho năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố định hướng tổ chức kỳ thi với những điểm mới đáng chú ý.

Kỳ thi đánh giá năng lực: Những thay đổi đáng chú ý

Tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, băn khoăn về tình trạng thí sinh chỉ tập trung chọn các môn xã hội để thi đánh giá năng lực. HÀ ÁNH

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ năm 2025 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Cụ thể, kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho TS tham dự. Đồng thời, kỳ thi sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc bài thi để phù hợp với sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018.

Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung vào phần giải quyết vấn đề. TS sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài, thay vì phải làm hết tất cả các câu hỏi của phần thi này như trước.

Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Những năm qua, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực gồm 3 phần. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ (400 điểm gồm 40 câu), đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh; phần 2 có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông, 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic, 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước; phần giải quyết vấn đề tối đa 500 điểm, là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, mỗi lĩnh vực hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử có 10 câu. Với tổng điểm tối đa bài thi 1.200, thí sinh cần giải quyết toàn bộ 120 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian làm bài 150 phút.

Nhưng theo dự thảo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025, dù vẫn gồm 3 phần nhưng riêng phần 3 giải quyết vấn đề có sự thay đổi về cấu trúc. TS được lựa chọn làm các câu hỏi thuộc 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Như vậy, so với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ trước đến nay, thì cấu trúc bài thi từ năm 2025 sẽ có sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật - nội dung mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018.

"Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung vào phần giải quyết vấn đề. TS sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài, thay vì phải làm hết tất cả các câu hỏi của phần thi này như trước", tiến sĩ Chính giải thích thêm.

Kỳ thi đánh giá năng lực: Những thay đổi đáng chú ý

Thi sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023. NGỌC DƯƠNG

Có nên cho thí sinh lựa chọn môn thi?

Trước định hướng của ĐH Quốc gia TP.HCM về sự thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025, đại diện một số trường tỏ ra băn khoăn.

Chia sẻ trong hội nghị do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 24.11 vừa qua, tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, bày tỏ sự băn khoăn khi kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có định hướng cho phép TS lựa chọn môn trong phần giải quyết vấn đề. Băn khoăn này được vị phó hiệu trưởng phân tích từ thực trạng xu hướng lựa chọn môn học để học và thi của học sinh (HS) hiện nay.

Ông Nam nói: "Chúng tôi đã khảo sát một trường THPT, trường có 7 lớp mà chỉ một lớp học môn vật lý. Chưa chắc lớp học môn vật lý này có HS chọn môn hóa hay sinh". Từ xu hướng lựa chọn nghiêng hẳn sang lĩnh vực khoa học xã hội của HS những năm gần đây, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn cho các trường ĐH đào tạo ngành đòi hỏi kiến thức nền tảng chặt chẽ hơn như kỹ thuật, công nghệ. "Đối tượng người học các lĩnh vực khoa học tự nhiên bị thu hẹp, sẽ là thách thức với các trường tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, công nghệ", ông Nam lo lắng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng mục tiêu của các trường ĐH là tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển đúng. "Muốn tuyển đủ dễ nhất là bằng học bạ THPT nhưng kết quả của học bạ THPT không đáng tin cậy. Chúng tôi có những thống kê rất đầy đủ thể hiện sự không đáng tin cậy của kết quả này", tiến sĩ Nghĩa nói và cho rằng các trường ĐH cần phải dựa vào những kết quả tin cậy hơn, ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng đến năm 2025, trong bối cảnh chương trình mới, ông Nghĩa cho rằng những kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH càng trở nên quan trọng hơn.

Các kỳ thi riêng khác có thay đổi?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết định hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức từ năm 2025 sẽ bám sát Chương trình GDPT 2018. Ngân hàng câu hỏi sẽ được kế thừa và phát triển mới, thử nghiệm đầy đủ trên các đối tượng HS để sàng lọc.

Cũng theo thạc sĩ Trung, định hướng kỳ thi sẽ gọn nhẹ, không áp lực, được tổ chức nhiều lần trong năm để HS có nhiều cơ hội dự thi và xác định năng lực của mình. HS không cần chuẩn bị gì khác ngoài việc chỉ cần học thật tốt trong chương trình THPT, không có luyện thi. Trường dự kiến tiếp tục giữ ổn định các môn và hướng tới nâng cao chất lượng đề thi theo xu hướng đánh giá năng lực ứng dụng vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Trường sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối năm 2024.

Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cùng tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính. Từ ngân hàng câu hỏi của Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm 2023 cả hai trường ĐH tổ chức kỳ thi gồm 7 môn độc lập: toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. TS làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập; môn toán thi trong 90 phút và các môn còn lại là 60 phút.

Trường ĐH Việt Đức cũng tổ chức kỳ thi riêng bằng đề thi TestAs phục vụ xét tuyển đầu vào nhiều năm nay. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết đây là hình thức kiểm tra năng lực đối với sinh viên quốc tế muốn xin học ĐH tại CHLB Đức. "Vì vậy, kỳ thi TestAs của trường vào năm 2025 không cần phải điều chỉnh nội dung đánh giá năng lực của đề thi. Tuy nhiên, các hình thức tuyển sinh khác ví dụ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay học tập THPT, thì trường đã bắt đầu điều chỉnh cách thức và các môn được sử dụng cho xét tuyển từ năm 2023. Sự điều chỉnh đó là một bước chuẩn bị cho năm 2025 khi mà khóa HS đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 sẽ xét tuyển vào ĐH", tiến sĩ Viên cho hay.

Theo Hà Ánh/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, nhiều trường đại học trên cả nước xét tuyển, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS với quy định rất khác nhau.
Đại học Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng đã nghiên cứu công thức quy đổi điểm tương đương dựa trên dữ liệu đầu vào, kết quả học tập của sinh viên khóa trước và căn cứ vào phổ điểm của các phương thức trong năm 2025...
Nhiều thí sinh hiện vẫn chưa xem được giấy báo dự thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2025. Trong khi có không ít thí sinh lúng túng khi thấy thông tin tài khoản sai, chưa biết sửa lại thế nào.
Quá nhiều tổ hợp xét tuyển, quy đổi điểm có thể thiếu công bằng… là trong những băn khoăn về quy chế tuyển sinh năm 2025 Bộ GD&ĐT vừa ban hành...
Dùng chứng chỉ tiếng Anh thay cho điểm thi tốt nghiệp, không chia chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển là những thay đổi quan trọng trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025...
Là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo trình độ đại học các chuyên ngành kỹ thuật công nghệ; đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cho thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, năm 2025 Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ dự kiến tuyển sinh 1.720 chỉ tiêu cho 24 chuyên ngành đào tạo đại học chính quy.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Thí sinh lo nguy cơ thất nghiệp vì AI, trăn trở đăng ký ngành nào cho trúng
Trước mùa tuyển sinh 2025, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng việc ngành nghề mong muốn theo học liệu có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong tương...