Kỹ năng nào doanh nghiệp coi trọng mà cử nhân tài năng tương lai xem nhẹ?

Báo cáo nghiên cứu mới đây của Trường ĐH VinUni chỉ ra một số thông tin cho thấy, có độ vênh nhận thức giữa cử nhân tài năng tương lai với nhà tuyển dụng trong việc nhận thức về những năng lực quan trọng.

Trong báo cáo, về kết quả ban đầu mà nhóm nghiên cứu của trường có được cho thấy một số thông tin thú vị về các năng lực cần có của một cử nhân tài năng nếu muốn được nhà tuyển dụng trọng dụng.\

Một đại biểu tham dự hội nghị đang thảo luận với TS Lê Mai Lan (phải) tại giờ giải lao. THANH LÂM

Doanh nghiệp cần người biết dứt điểm

Theo TS Lê Mai Lan, nhóm đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các cử nhân tài năng tương lai và các doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) để tìm câu trả lời cho vấn đề tương lai của cử nhân tài năng trong thị trường tuyển dụng. Đây là một chủ đề quan trọng mà rất tiếc là cho đến nay ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu đã được công bố, dù chúng ta có hệ thống trường THPT chuyên từ hơn 60 năm, có nhiều trường đại học (ĐH) đào tạo các lớp cử nhân tài năng từ rất nhiều năm nay.

Nhiều câu trả lời có sự tương đồng tương đối cao giữa nhóm doanh nghiệp và nhóm cử nhân tài năng tương lai. Tuy nhiên, có 4 kỹ năng mà giữa 2 bên có độ vênh, tức là cử nhân tài năng tương lai xem nhẹ, còn doanh nghiệp rất coi trọng.

"Điều đầu tiên, doanh nghiệp rất coi trọng, rất cần những người có năng lực dứt điểm. Trrường ĐH có thể đào tạo được những người tư duy tốt, nhiều ý tưởng, người luôn mở đầu các câu chuyện… Nhưng với các doanh nghiệp, họ sẽ đi thẳng vào vấn đề: kết quả đâu?

Các yếu tố khác mà sinh viên các lớp tài năng cũng xem nhẹ là khả năng thích ứng (biểu hiện đầu tiên là sự khiêm nhường, chấp nhận mình không là gì khi mà tài năng chưa được nhìn nhận); tư duy tích cực; bản lĩnh kiên cường", TS Mai Lan cho biết.

TS Mai Lan bình luận thêm: "Điều thú vị là kết quả này có được qua chính việc các sinh viên của nhóm nghiên cứu tự đi phỏng vấn, đi thu thập thông tin. Đó sẽ là một sự chiêm nghiệm rất tốt cho các em trước khi tốt nghiệp ĐH".

Nhiều sinh viên cử nhân tài năng không biết các kỹ năng cơ bản

Theo TS Mai Lan, một kết quả khác cũng rất đáng để sinh viên và các trường ĐH suy ngẫm, đó là các kỹ năng cơ bản (tối thiểu) cử nhân tương lai cần có nếu muốn xin được việc làm (chứ chưa nói đến việc được đãi ngộ như một mầm tài năng).

Các kỹ năng này gồm: kỷ luật, đúng giờ, đúng hẹn; làm việc nhóm, hợp tác hiệu quả; quản lý thời gian (làm việc với chính bản thân mình); kỹ năng tư duy (tư duy độc lập, có chính kiến); kỹ năng làm việc với máy (ứng dụng công nghệ).

TS Lê Mai Lan đang trả lời các câu hỏi trong hội nghị. THANH LÂM

"Chúng ta đang nói về nhiều điều rất to lớn, nhưng có những kỹ năng rất cơ bản như sử dụng Microsoft Office, Excel, nhiều sinh viên không biết", TS Mai Lan bày tỏ sự ngạc nhiên.

Tốp 5 năng lực tạo nên sự khác biệt vượt trội của một người sau khi tốt nghiệp ĐH (chính là các cử nhân tài năng đúng nghĩa) gồm: làm việc trong tâm thế người chủ, tư duy giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, khả năng phân tích dữ liệu, chuyển đổi số.

Còn để có một sự nghiệp tốt thì người tài cần có bản lĩnh kiên cường, xoay sở đến cùng để đạt mục tiêu; linh hoạt, nhạy bén; tự học và tự phát triển; tạo động lực cùng hoàn thành mục tiêu; biết ra đầu bài để tối ưu hệ thống và trải nghiệm số.

TS Mai Lan chia sẻ: "Câu hỏi của chúng tôi là trường ĐH có dạy cho sinh viên những điều này? Có dạy cho sinh viên quản lý thời gian, sử dụng Microsoft Office… không? Có dạy cho sinh viên biết dù anh ở vị trí nào thì anh vẫn tư duy như chính anh là người làm chủ, thực sự quan tâm, lo lắng, có trách nhiệm với công việc không? Hay là có dạy cho sinh viên kỹ năng không từ bỏ mục tiêu, không nản lòng trước thất bại không…?".

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH VinUni thực hiện nghiên cứu "Tương lai của cử nhân tài năng trong thị trường tuyển dụng" gồm 5 nhà khoa học và 10 sinh viên. Nhóm đã khảo sát 344 sinh viên của nhiều trường ĐH khác nhau, 35 doanh nghiệp lớn hàng đầu ở Việt Nam, 50 cuộc phỏng vấn sâu với sinh viên năm 3 Trường ĐH VinUni và các nhà tuyển dụng là doanh nghiệp.

Theo Quý Hiên/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Muốn thoát khỏi sự tầm thường và tiếp tục tiến lên, chúng ta cần không ngừng phá bỏ những ranh giới, bứt phá khỏi những khuôn mẫu tư duy khép kín.
Tiến sĩ Ngô Di Lân (ảnh), tác giả của hai cuốn sách Canh bạc AI và 1% mỗi ngày, cho rằng sự chênh lệch về kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể về cơ hội và sự thành công trong tương lai.
AI đã và đang hiện diện ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực trong đời sống, nhiều người trẻ cũng chủ động tiếp cận, ứng dụng AI từng ngày.
Nhiều người trẻ khởi nghiệp xác nhận, việc ứng dụng AI đã giúp việc kinh doanh thuận lợi, phát triển, đạt được nhiều thành công.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nhưng có một thực tế là nhiều người không biết để sử dụng AI thì phải bắt đầu từ đâu?
Hơn 3.000 vị trí tuyển dụng, trong đó có hơn 2.000 vị trí thực tập đã được gần 20 doanh nghiệp mang đến cho sinh viên trong tuần lễ phỏng vấn tại một trường ĐH. Ngoài ra, tại nhiều trang việc làm, hàng loạt doanh nghiệp cũng đang đăng thông tin tuyển dụng sinh viên thực tập có lương.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề