Không đào tạo từ xa ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và giáo viên là hợp lý

Dự thảo quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH quy định không đào tạo từ xa đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, giáo viên.

Ảnh minh họa/ITN.

Giải pháp bảo đảm chất lượng ngành đặc thù

Nêu quan điểm cá nhân, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nhận định: Quy định không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên là rất hợp lý. Đây là lĩnh vực mà yếu tố đầu vào đang được ngành Giáo dục hết sức chú trọng trong thời gian qua, với các quy định riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng trong xét tuyển sinh ở hình thức đào tạo chính quy.

“Thông tư 10/2017/BGDĐT không có giới hạn các ngành không được đào tạo từ xa, tuy nhiên tôi cũng chưa thấy có trường nào đào tạo từ xa các ngành thuộc 2 lĩnh vực này”. ThS Nguyễn Vinh San chia sẻ và cho rằng: Bên cạnh nhóm ngành sức khỏe và giáo viên, một số lĩnh vực, nhóm ngành, ngành yêu cầu thực hành thực tế nhiều, thực tập cần phải có người hướng dẫn cũng cần phải được xem xét có nên đưa vào danh mục đào tạo hay không. Có thể đơn cử như: Báo chí, giao thông, xây dựng, cơ khí…

Các ngành này nếu chỉ đào tạo lý thuyết, tự học và xem thực hành mô phỏng sẽ rất khó để bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Nếu chỉ giới hạn không đào tạo ở nhóm ngành sức khỏe và giáo viên thì nên quy định điều kiện cho các ngành có tính thực hành, hướng dẫn thực tế cao một cách chặt chẽ hơn để có được chất lượng trong đào tạo.

Liên quan đến vấn đề này, theo ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội, đào tạo từ xa có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những điểm cần phải có giải pháp cụ thể để đảm bảo hiệu quả chất lượng. Trong đó, đặc biệt chú ý ở những ngành đòi hỏi kỹ năng nghề, kỹ năng thực hành cao.

Do vậy, đối với những ngành này cần có những yêu cầu riêng mang tính đặc thù. Hiện nay, dự thảo đưa ra “không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên” cũng là một giải pháp để đảm bảo chất lượng đối với các ngành đặc thù.

Ảnh minh họa/ITN.

Cần thiết có quy định mới về đào tạo từ xa

Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH theo Thông tư 10. Đây cũng là hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai công tác đào tạo từ xa được bài bản, hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập.

Qua thời gian, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như những tác động của yếu tố kinh tế, xã hội khác, rất cần thiết phải cập nhật Quy chế. Do vậy, sự ra đời của một văn bản mới phù hợp hơn là hết sức cần thiết với cả cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đưa quan điểm trên, ThS Đỗ Ngọc Anh đồng thời đánh giá dự thảo Quy chế lần này có nhiều điểm cập nhật. Trong đó đáng chú ý là việc quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn các yêu cầu tối thiểu để một cơ sở giáo dục có thể thực hiện đào tạo từ xa. Điều này là cần thiết để việc đào tạo từ xa được tổ chức bài bản, hiệu quả, chất lượng.

Hiện nay, tại Trường ĐH Mở Hà Nội đang triển khai lấy ý kiến của các cán bộ quản lý, nhà khoa học, giảng viên về dự thảo. Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ có văn bản góp ý cụ thể sau khi xem xét kỹ lưỡng những tác động có thể có khi Quy chế được ban hành.

“Đối với Trường ĐH Mở Hà Nội, chúng tôi đã có nhiều năm triển khai đào tạo từ xa, điều này cũng nằm trong sứ mạng khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Nhà trường năm 1993.

Việc người dân được tiếp cận với giáo dục ĐH một cách thuận tiện, xóa bỏ những cản trở về không gian và thời gian là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển đào tạo từ xa hay bất kỳ loại hình đào tạo nào cũng cần hướng đến tính hiệu quả, đảm bảo chất lượng.

Việc một số quy định trong Quy chế này rõ ràng hơn sẽ giúp các cơ sở giáo dục tổ chức đào tạo từ xa có hiệu quả hơn. Đặc biệt, một số đơn vị chưa có đủ các điều kiện đảm bảo thì cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, đầu tư công nghệ và đội ngũ phù hợp trước khi tiến hành đào tạo từ xa, tránh việc đào tạo tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của loại hình đào tạo này.” - ThS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ

Theo Hải Bình/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 toàn TP Hồ Chí Minh có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có 74.581 thí sinh THPT, 9.465 thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều đặc biệt là có đến 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C khi (cùng tổng điểm), trong đó, 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Cả nước có gần 11.000 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất. So với năm 2023, số điểm 10 năm nay giảm nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mức điểm cao nhất theo khối thi truyền thống khối C cao nhất với 29,75 điểm, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7. Mời bạn đọc vào đây để xem kết quả
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề