Không chờ công bố môn thi 10, phụ huynh tìm giải pháp an toàn cho con

Theo thông lệ, khoảng 3 tháng nữa, Hà Nội mới công bố số môn thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, để chủ động phương án học tập của con sau cấp THCS, nhiều phụ huynh đã tính toán giải pháp an toàn với phương châm "Không nhất thiết phải vào lớp 10 công lập".

Chọn trường tùy sức học

Năm học 2023 – 2024, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội là 61%, 39% học sinh theo học tại các loại hình trường còn lại gồm: công lập tự chủ, hiệp quản, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường nghề.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2023 - 2024

Để giảm áp lực cho con trong kỳ thi chuyển cấp, nhiều phụ huynh đã thay đổi quan điểm, rằng không nhất thiết phải vào lớp 10 công lập; từ đó chủ động tìm hiểu, tính toán thêm các phương án để con có nhiều lựa chọn hơn.

Con trai có học lực giỏi từ lớp 6 đến lớp 8; các bài khảo sát kỳ 1 lớp 9 đều đạt điểm rất tốt nhưng chị Mai Thị Bích Liên, quận Cầu Giấy vẫn tìm hiểu chương trình đào tạo, quy trình nộp hồ sơ vào một số trường tư thục tại Hà Nội. Chị cho hay, các trường này mở hồ sơ tuyển sinh lúc nào, chị sẽ đến mua để nộp sẵn cho yên tâm.

“Con có sức học tốt nên tôi sẽ chọn các trường tự thục có chọn lọc đầu vào thông qua hồ sơ hoặc kiểm tra đánh giá năng lực cho con thử sức. Dẫu sao, các trường khối tư thục cũng dễ thở hơn các trường tốp 1 khối công lập”, chị Bích Liên chia sẻ.

Đã và đang tìm hiểu mô hình đào tạo của các trường nghề, chị Mai Khánh Phương, một phụ huynh tại quận Hà Đông cho biết, sở dĩ chị quan tâm đến các trường nghề hơn vì chị từng có kinh nghiệm "xương máu" từ con của cô bạn thân.

Tại kỳ thi lớp 10 năm trước, con của bạn chị đã trượt tất cả các nguyện vọng trường công lập trong khi con có học lực khá. Do không chuẩn bị tinh thần, cả nhà cô bạn của chị Phương đã bị khủng hoảng nặng, con thì khóc lóc còn bố mẹ lúng túng, không biết nộp hồ sơ cho con vào trường nào. Cuối cùng, gia đình đã quyết định cho con học trường nghề cách nhà tầm 5 km và may mắn là đến nay mọi việc đều rất ổn.

Chị Phương cho hay, học cấp III, thậm chí học đại học trường nào giờ không quan trọng bằng việc học xong có tìm được cái nghề để đủ khả năng kiếm sống hay không. "Học trường nào cũng được, miễn là phù hợp với năng lực của con và con luôn nỗ lực, cố gắng. Năm tới, tôi sẽ cho con học nghề làm đẹp vì theo tôi đó là xu hướng thịnh hành hiện nay", chị Phương nói.

Liên quan đến nhiều loại hình trường sau tốt nghiệp THCS, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng đưa ra lời khuyên với thí sinh, phụ huynh là bên cạnh chiến lược học và ôn tập phù hợp, nên cân nhắc thêm các lựa chọn khác. Trên địa bàn TP có nhiều trường THPT tư thục chất lượng tốt, mức học phí không quá cao, điều kiện cơ sở vật chất khang trang. Vì vậy, các gia đình có thể nghiên cứu hướng đi này để có thêm sự lựa chọn.

Hiện, một số trường tư thục, hiệp quản đã công bố thông tin đầu tiên về công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ban tuyển sinh các trường cho biết, nhiều phụ huynh đã gọi điện hoặc đến tận nơi để tìm hiểu và xin tư vấn về phương thức tuyển sinh lớp 10 để chuẩn bị nộp hồ sơ cho con.

Tích cực đồng hành

Được biết, năm học 2024 - 2025, toàn TP Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập được dự báo là tiếp tục căng thẳng vì tỉ lệ tuyển sinh các trường không tăng. 

Cha mẹ, thầy cô luôn đồng hành cùng học sinh

Đầu tháng 10/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn về việc thực hiện công tác thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2023 - 2024. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên theo phương thức thi tuyển.

Như mọi năm, Sở sẽ báo cáo TP, xin ý kiến về phương án thi, số môn thi trên cơ sở đảm bảo thuận lợi cho học sinh. Sau khi TP thống nhất, Sở sẽ thông tin sớm đến các cơ sở đào tạo và học sinh để triển khai tổ chức thực hiện.

Số lượng môn thi tại kỳ thi vào lớp 10 được công bố vào tháng 3 hàng năm. Năm 2024, dù không còn mối lo về dịch bệnh Covid- 19 như 2 năm trước nhưng lứa học sinh lớp 9 lại có trên 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải học trực tuyến kéo dài; hơn nữa, là lứa cuối cùng học Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Một lí do khác được đưa ra là Bộ GD&ĐT vừa công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn. Vì vậy, học sinh, giáo viên, phụ huynh đều mong muốn Hà Nội chốt phương án thi 3 môn tại kỳ thi lớp 10 thay vì 4 môn để vừa giúp giảm áp lực, vừa giảm chi phí cho phụ huynh và xã hội.

Hiện tại, dù chưa biết chính xác số môn thi nhưng để đảm bảo học sinh có đầy đủ kiến thức, vững vàng bước vào kỳ thi chuyển cấp, các trường THCS trên địa bàn TP đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh lớp 9.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A11, Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Thu Thanh cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức kiểm tra khảo sát toàn khối vào mỗi tháng với 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Sau mỗi kỳ khảo sát, căn cứ vào kết quả bài làm, các lớp sẽ phân nhóm học sinh để bổ sung kiến thức và điều chỉnh phương pháp dạy, học cho phù hợp, hiệu quả.

Dù phương án thi như thế nào thì các nhà trường vẫn hoàn thành chương trình giáo dục với đầy đủ các môn học và thực hiện các đợt kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ đúng kế hoạch.

Cùng với đó, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng tích cực phối hợp phụ huynh học sinh trong việc động viên, quan tâm chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, giải trí phù hợp để các con có điều kiện học tập tốt nhất và giảm căng thẳng không cần thiết.

Năm học 2023 - 2024, Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 10 – 11/6 với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Năm học 2024 – 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nghiên cứu, xây dựng công cụ hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi lớp 10 cũng như xác nhận nhập học trực tuyến. Đặc biệt, Sở triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào 100% nhà trường nhằm hỗ trợ công tác quản lý được minh bạch, khoa học, thống nhất, công khai, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng xếp hàng như các mùa tuyển sinh trước.

Theo Nam Du/ Kinh tế & Đô thị

Tin cùng chuyên mục

Bắt đầu từ năm 2025, tất cả cơ sở giáo dục ĐH phải bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn cơ sở giáo dục ĐH theo Thông tư 01 ban hành đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong đó, rất nhiều trường ĐH có đào tạo tiến sĩ khó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn về giảng viên.
Bộ GD&ĐT công bố danh sách các đơn vị được phê duyệt, gia hạn, điều chỉnh liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách các trường đại học và các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Có thể xem nghiên cứu sinh như một phần đội ngũ cơ hữu của trường đại học (ĐH) là một ý kiến được nêu trong hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030, do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 16.9.
Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ, ĐH Quốc gia TPHCM có đề xuất cho phép được thí điểm bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) và trợ lí GS.
Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 đối với các cơ sở đào tạo. Các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đều được thanh tra, kiểm tra.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.