Dự thảo Luật việc làm mới: không còn giới hạn giờ làm thêm của học sinh sinh viên

Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Dự thảo Luật việc làm mới: không còn giới hạn giờ làm thêm của học sinh sinh viên

Việc sửa đổi Luật Việc làm sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề - Ảnh: VGP/LS

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Đào Ngọc Dung: việc sửa đổi luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

Bỏ giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên

Theo dự thảo trên, đề xuất quy định mới về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy.

Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự luật này được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.

Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.

Trước đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 6 - 7 đã đề xuất quy định sinh viên đang học được làm việc nhưng không quá 24 giờ/tuần, nới 4 giờ so với dự thảo luật được lấy ý kiến hồi tháng 3.

Dự thảo Luật việc làm mới: không còn giới hạn giờ làm thêm của học sinh sinh viên

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình. Ảnh quochoi.vn

Nhiều góp ý mới về chính sách BHXH bảo vệ quyền lợi người lao động

Tại buổi góp ý dự thảo, vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được các đại biểu quan tâm

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng hiện tình trạng DN nợ BHXH, BHYT, BHTN diễn ra khá phổ biến, dẫn đến nhiều NLĐ chốt chậm hoặc không chốt được sổ BHXH để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) đúng thời gian quy định. Từ đó, không ít NLĐ có tham gia BHTN phải chịu thiệt thòi khi nghỉ việc, mất việc nhưng không được hưởng TCTN, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Trong khi tại khoản 2 Điều 86 dự thảo Luật Việc làm đề xuất "trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN cho NLĐ khi chấm dứt quan hệ lao động thì NLĐ được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ BHTN thuộc trách nhiệm đóng BHTN của mình nhưng NSDLĐ chưa đóng cho cơ quan BHXH để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHTN. Khi cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN của NSDLĐ thì hoàn trả lại tiền mà NLĐ đã đóng".

Theo ông Hiền, ban soạn thảo cần xem xét kỹ tác động của đề xuất trên bởi nếu thực hiện NLĐ sẽ càng khó khăn và thiệt thòi quyền lợi. "Cần bỏ đề xuất này hoặc bổ sung thêm điều khoản sử dụng nguồn kết dư của Quỹ BHTN để hỗ trợ đóng cho NLĐ bị nợ, sau đó cơ quan BHXH sẽ thu lại của NSDLĐ hoàn trả vào quỹ" - ông Hiền kiến nghị.

Ngoài ra, cần tăng mức hưởng BHTN từ 60% (mức bình quân tiền lương đóng 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc) lên 75% (mức bình quân tiền lương đóng cả quá trình); gia hạn thời gian đăng ký hưởng TCTN từ 3 tháng lên 6 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc để NLĐ có thêm thời gian chờ DN khắc phục nợ, chốt sổ BHXH hay đưa ra lựa chọn phù hợp (hưởng, không hưởng TCTN để tham gia học nghề, tìm việc làm…). Đồng thời, ông Hiền cũng đề xuất cần bổ sung thêm các chế tài mạnh, kịp thời, có tính răn đe cao trong xử lý NSDLĐ có hành vi nợ đóng, trốn đóng BHTN.

Cũng theo quy định tại dự thảo Luật Việc làm mới, thời gian đóng BHTN trên 144 tháng của NLĐ thuộc một trong các trường hợp không được bảo lưu. Liên quan quy định này, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết thời gian qua, dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có giải thích quy định theo hướng chính sách mang tính sẻ chia, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận từ phía NLĐ và cả NSDLĐ.

Thực tế, có nhiều trường hợp NLĐ (không được bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng) sau khi hưởng xong TCTN quay lại thị trường lao động nhưng công việc không ổn định, lâm vào cảnh thất nghiệp thì không được hưởng chế độ. "Điều này không khuyến khích NLĐ tham gia BHTN lâu dài, cần có hướng xử lý phù hợp để vừa bảo đảm quyền lợi cho NLĐ vừa bảo đảm việc thực hiện chính sách" - bà Trúc đề xuất.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, kiến nghị cần nghiên cứu, cân nhắc về đề xuất NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái quy định; NLĐ bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không được hưởng TCTN. Theo bà Trân, đề xuất này khiến quyền lợi của NLĐ bị thu hẹp hơn so với quy định của Luật Việc làm hiện hành.

Hơn nữa, hằng tháng NLĐ đều phải đóng BHTN nhưng không được hưởng TCTN là chưa bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng. NSDLĐ cũng có thể lợi dụng quy định này để gây khó dễ, chèn ép NLĐ trong quá trình làm việc. Mặt khác, trong trường hợp NLĐ bị NSDLĐ sa thải trái pháp luật, quyền lợi BHTN của họ sẽ giải quyết thế nào để bảo đảm lợi ích cho NLĐ thì dự thảo cũng chưa đề cập đến. 

T.Xuân (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Ngành công nghệ thông tin (IT) có nhu cầu tuyển dụng lớn đang mở ra cơ hội việc làm.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng đối với logistics, mang lại nhiều tiềm năng và lợi ích lớn cho lĩnh vực này.
Quy mô vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Trong quý cuối cùng của năm 2024, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như nhân viên bán hàng, tiếp thị, phát triển sản phẩm, kỹ sư công nghệ... đối với sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH. Đặc biệt, có một lĩnh vực luôn có mức lương cao vượt trội so với các ngành nghề khác.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mở rộng ra thị trường quốc tế luôn “khát” nhân lực giỏi ngoại ngữ.
Để giải quyết nghịch lý tình trạng thiếu giáo viên mà không sử dụng hết biên chế được giao trong khi sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, có những giải pháp đã được đặt ra.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.