Các giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học là một đường lối đúng.
Đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học.
Thông tin được PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nêu tại Hội nghị thường niên năm 2023, được tổ chức sáng 22/12.
Theo ông Vũ Hải Quân, năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức thực hiện trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Hình thức này sẽ được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu.
Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Liệu "dục tốc bất đạt"?
Em Vũ Huy Tiến, vừa tốt nghiệp trường Học viện Ngoại giao cho rằng, đề xuất của Đại học Quốc gia TP.HCM phù hợp với mục tiêu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Đây là bước đi hợp với xu thế chung của thế giới và nếu sớm áp dụng thì những học sinh giỏi, xuất sắc sẽ thấy rất hợp lý.
Tiến cho rằng, nếu các bạn giỏi, xuất sắc đến 18 tuổi được cấp bằng đại học luôn, nếu các bạn chọn học tiếp để lên tiến sĩ sau đó thì cũng quá tốt.
“Em cho rằng đây là một đề xuất tốt vì chỉ cần các bạn đạt đầy đủ điều kiện của cái ngành ở trường đại học đặt ra và cả các kỹ năng của một cử nhân cần có nữa thì có thể học một số môn ngay ở phổ thông”- Tiến chia sẻ.
Cựu sinh viên này chia sẻ, 4 năm học đại học là khoảng thời gian các bạn sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Không chỉ có kiến thức học mà còn cả kĩ năng sống. Học sinh các trường chuyên, năng khiếu có có khả năng tiếp nhận kiến thức, tự học tốt sẽ có thể sớm tiếp cận với kiến thức và các môn ở hệ đại học sớm hơn so với quy định bây giờ. Như vậy, các bạn xuất sắc có thể tốt nghiệp đại học hay tiến sĩ sớm là việc phù hợp.
Trái ngược quan điểm, em Lê Vũ Anh Thư, vừa tốt nghiệp đại học tại Úc cho rằng để học sinh THPT học tín chỉ đại học không hợp lý.
Thư cho rằng, một số môn cơ bản ở Đại học chính là nền tảng, là 1 sự tổng hợp kiến thức theo cách nhìn, cách tư duy theo đúng chuyên ngành, chuyên môn. Vậy nên đối với cháu, những môn cơ bản này cũng quan trọng. Việc thời gian học đủ cho việc ngấm , hiểu và đối chiếu, áp dụng kiến thức cũng rất quan trọng. Việc học vượt này đòi hỏi việc học sinh phải phân chia đủ những thời gian trên cho bộ môn, tránh hậu quả của “dục tốc bất đạt”
Thầy Văn Dũng, giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội cho rằng, với các bạn xuất sắc (coi như là ăn chắc đỗ rồi), thì các bạn có thể học thêm các tín chỉ đại học. Còn đa số các em học sinh sẽ lựa chọn tập trung hơn vào những việc cần hiện tại như ôn thi vào đại học cho thật tốt còn cái kia trong tương lai nó vẫn sẽ có, mình cứ ưu tiên cho cái hiện tại đã.
Vì nếu không phải học sinh giỏi, xuất sắc nếu học thêm vài môn ở đại học sẽ bị quá tải khi kiến thức ở cấp 3 hiện tại cũng không phải nhẹ nhàng gì”-giáo viên này chia sẻ.
Cũng theo Thư, việc học trước các môn như thế sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho học sinh, nhưng lại dễ dẫn đến 1 số tác hại như 1. Kiến thức dễ trôi, dễ quên nhất là sau khi thi.
Thêm nữa, việc dồn thời gian học quá nhiều, dồn sức học quá nhiều dễ gây căng thẳng mệt mỏi cho học sinh. Nhất là trước mắt còn có kì thi THPT Quốc Gia và việc học phổ thông cũng căng thẳng không kém. Học là chạy đường dài, học dồn như thế dễ mất sức và sau khó vực lại được.
Thư cũng chia sẻ thêm, nhiều bạn muốn đổi ngành, đổi nghề thì sẽ rất cập rập trong các thủ tục đổi ngành.
“Em thấy ở độ tuổi này, các bạn ấy cần các chương trình hướng nghiệp. Đó không chỉ là lựa chọn nghề nghiệp, mà còn là xây dựng con đường tương lai. Các bạn ấy cần hiểu Đại học sẽ là một bước trong con đường sự nghiệp của mình ( trước khi đi làm, thăng chức, đi học thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập,…) chứ không phải là cánh cửa duy nhất trong cuộc đời”- em Thư nêu quan điểm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, giáo viên dạy Lý (Hà Nội) đánh giá đề xuất của Đại học Quốc gia TP.HCM phù hợp với mục tiêu đổi mới của Chương trình GDPT 20218.
Việc xây dựng chương trình và cho phép đăng ký học một số tín chỉ sẽ giúp học sinh sớm tiếp cận chương trình học đại học và rút ngắn thời gian theo học.
"Học sinh các trường chuyên, năng khiếu có có khả năng tiếp nhận kiến thức, tự học tốt và biết sắp xếp thời gian nên việc học trước một số tín chỉ đại học sẽ phù hợp với những em có thể đảm bảo việc học"- giáo viên này đánh giá.
Sẽ có nhiều lợi thế khi áp dụng?
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng cho rằng, đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học là một đường lối đúng.
Ông Vinh cho rằng, đây là một chủ trương tốt. Nếu như trước đây khi hoàn chỉnh chương trình học này mới vào học chương trình kia là không đúng.
"Nói các bạn học sinh xuất sắc, giỏi để áp dụng nhưng là giỏi ở 1 lĩnh vực nào đó chứ không là giỏi mọi thứ trên đời. Em thấy sự đánh giá này chưa toàn diện. Với các bạn sinh viên xuất sắc, việc được học bổng kèm khen thưởng và các lợi thế về hoạt động ( được làm dự án, câu lạc bộ) thì thiết thực hơn.
Có bạn của em học dự bị ĐH trường Monash (Úc) ngay khi tốt nghiệp lớp 12. Bạn ấy sau 1 năm học dự bị bắt đầu tuột dốc vì mệt và oải. Sau đấy bạn ấy trượt và chuyển hết trường này đến trường khác và cuối cùng 5 năm rồi vẫn học năm nhất của 1 trường nghề ở Úc"- cựu du học sinh Úc, em Lê Vũ Anh Thư chia sẻ.
“Trước đây khi báo cáo về đào tạo liên thông tôi đã từng báo cáo vấn đề này với Bộ GD&ĐT. Đây là hình thức chuyển tín chỉ, chuyển kết quả lượng học tập từ bậc này sang bậc khác mà không cần cứ phải hoàn chỉnh thi tốt nghiệp”- ông Vinh nói.
Ông Vinh giải thích đây là một chủ trương tốt vì muốn có một nền giáo dục mở là giáo dục đó phải mềm dẻo, linh hoạt nếu học các môn học ở đại học mà không vướng những điều kiện kiên quyết thì có thể tiến hành.
“Tôi đồng ý với việc nên áp dụng đề xuất này cho các trường phổ thông, các trường nghề cũng tốt vì học sinh có thể học một số tín chỉ, kĩ năng cũng như tâm thế khi vào học đại học sau này”- ông Vinh nêu quan điểm.
Thực tế, ông Vinh chỉ ra, các em học sinh tốt nghiệp cấp 3 giờ vào đại học có nhiều học sinh bỡ ngỡ không quen với cách học đại học. Nhiều cái lợi khi áp dụng vì sẽ tiết kiệm thời gian với các học sinh có học lực giỏi, xuất sắc.
Mặt khác, chủ trương này có thể áp dụng với cả các trường nghề. Như vậy, mặt lợi là tạo nguồn sẵn sàng cho các trường đại học, cao đẳng nghề sau này.
“Nên có truyền thông cho dư luận xã hội hiểu vì không phải cứ học xong cái này mới học cái kia. Nếu có đủ năng lực kiến thức thì cho học sinh có thể học ngay từ hệ THPT được. Cần tạo ra con đường học mềm dẻo, linh hoạt cho người học”- ông Vinh nêu quan điểm.
Cần nghiên cứu ban hành quy định về chương trình dự bị đại học
Ông Nguyễn Sóng Hiền, tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chưa công nhận chương trình lớp 11 và 12 như chương trình dự bị đại học ( Foundation) như các quốc gia phát triển khác. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển tiếp của học sinh phổ thông lên đại học .
Mặc dù trong luật giáo dục hiện nay quy định rõ các cấp học phải đảm bảo tính liên thông nhưng trong thực tế chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế đóng khung tách biệt với giáo dục đại học. Đây chính là một khiếm khuyết lớn đối với hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay.
Vì lý do này, những học sinh Việt Nam muốn du học ở các quốc gia phát triển ở bậc đại học buộc phải tham gia vào khóa dự bị đại học trước khi được chấp nhận vào chính khóa.
Vì vậy, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu ban hành quy định về chương trình dự bị đại học nhằm đảm bảo quyền lợi của người học và hơn hết nó đảm bảo tính liên thông ở các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân và tiếp cận gần hơn với các hệ thống giáo dục của các quốc gia phát triển.
Theo Đỗ Hợp/ Tiền phong