Đưa học sinh đến học tập ở trường đại học là cách thức mới trong công tác hướng nghiệp ở bậc THCS lần đầu được triển khai tại TPHCM.
Tiết Mỹ thuật lớp 8/4, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) lần đầu diễn ra tại Không gian học thuật - Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Giảng viên đại học trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn học sinh tham quan không gian, giới thiệu về các loại hình tranh, điêu khắc và cơ hội nghề nghiệp…
Tín hiệu đáng mừng
“Học mỹ thuật không chỉ làm hoạ sĩ mà còn có thể trở thành nhà điêu khắc, nhà làm phim hoạt hình, thiết kế đồ hoạ… Điều quan trọng là các em phải xác định được đam mê để theo đuổi” - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Phó trưởng phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác sinh viên, Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM - trao đổi với học sinh lớp 8/4 khi dẫn các em đi tham quan Không gian học thuật.
Lần đầu đón những học sinh THCS đến học tập trải nghiệm tại trường, thạc sĩ Hoàng Yến đánh giá đây là “dấu hiệu đáng mừng” cho thấy sự quan tâm, đổi mới công tác hướng nghiệp bậc THCS, giúp học sinh được sớm tiếp cận với những lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến môn học, từ đó có định hướng đúng đắn ở bậc THPT…
Học sinh lớp 8/4 học Mỹ thuật tại Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM với giảng viên đứng lớp
Mê mải ngắm những bức điêu khắc tại Không gian học thuật, với Nguyễn Gia Bảo - học sinh lớp 8/4, Trường THCS Hà Huy Tập - trải nghiệm học tập tại không gian đậm đặc màu sắc hội họa không chỉ giúp tiết học trở nên thú vị mà còn hun đúc thêm ước mơ trở thành một nhà điêu khắc trong tương lai.
“Khi học Mỹ thuật, thông thường giáo viên sẽ trình chiếu powerpoint, đưa ra các hình ảnh và chúng em vẽ theo. Cách học như vậy chúng em khó hình dung vì chỉ là hình ảnh. Do đó, được học trong không gian tràn ngập sắc màu đã cho em thêm nhiều chất liệu để học tập”.
Hứng thú khi được học ở ngoài nhà trường trong không gian mới, nhóm bạn Phạm Ngọc Quỳnh Châu - lớp 8/4, Trường THCS Hà Huy Tập - lựa chọn ký hoạ lại những bức tranh hoạt hình được anh chị sinh viên vẽ. “Tiết học không còn khô khan mà thú vị, chúng em được biết thêm nhiều về bức tranh, kiến thức hội hoạ, có cảm giác như trở thành hoạ sĩ vậy…”.
Lần đầu mạnh dạn thực hiện tiết học… ở trường đại học, cô Mai Đình Minh Anh - giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Hà Huy Tập - chia sẻ, ngoài mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn học, đây còn hướng tới trang bị cho học sinh kiến thức ngành nghề liên quan đến bộ môn mỹ thuật để hướng nghiệp sớm cho học sinh.
“Hạn chế việc giảng dạy bộ môn Mỹ thuật ở trường phổ thông là cơ sở vật chất. Nhà trường có một phòng học mỹ thuật, trưng bày những tác phẩm của giáo viên, học sinh song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu chuyên sâu của bộ môn, học sinh khó hình dung được sự thú vị của môn học. Việc đưa học sinh đến học tại trường đại học sẽ giúp các em có hình dung trực quan về môn học, thích thú hơn khi học tập. Trong tiết học, các em sẽ ký hoạ nhanh về bức tranh mình ấn tượng, được lấy vào điểm thường xuyên, lại giúp việc học trở nên nhẹ nhàng…”- cô Minh Anh chia sẻ.
Cô Minh Anh hướng dẫn cho học sinh vẽ ký hoạ
Đặc biệt, theo cô Minh Anh, trong quá trình học THCS, nhiều em thể hiện năng khiếu mỹ thuật rất tốt song thường lên lớp 8, lớp 9 sẽ giảm dần để tập trung vào các môn học thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, qua chuyến học tập như thế này sẽ giữ được ngọn lửa đó cho học sinh, định hướng các em về các ngành nghề liên quan.
Cần hệ sinh thái hướng nghiệp ở bậc THCS
Chia sẻ về công tác hướng nghiệp ở bậc THCS, cô Trần Thuý An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) - bày tỏ, Chương trình GDPT 2018 đặt ra những yêu cầu cao cho bậc THCS. Việc hướng nghiệp không chỉ là phân luồng sang trường nghề sau THCS mà là hướng cho học sinh hiểu về thế mạnh của bản thân; ngành nghề nào phù hợp; cần học theo nhóm môn học nào để chọn trường THPT… Song việc hướng nghiệp cho học sinh THCS gặp nhiều khó khăn.
Cô nêu ví dụ: Mới đây, trường đưa học sinh khối 9 đi tham quan trường nghề. Sau chuyến đi, giáo viên than “nhìn cơ sở vật chất của trường đến em còn chán, nói gì học sinh”. Như vậy thì hướng nghiệp thế nào, phân luồng kiểu gì…
“Ngoài sự đổi mới của nhà trường thì công tác hướng nghiệp bậc THCS cần thêm sự giúp sức của các trường đại học, sự đổi mới chuyển mình từ phía các trường nghề”- cô An nhấn mạnh.
Khẳng định trường THCS phải đổi mới công tác hướng nghiệp thì mới giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, cô Hứa Thị Diễm Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập - cho rằng vai trò hướng nghiệp ở bậc THCS phải trang bị cho học sinh kỹ năng, kiến thức bước đầu tiếp cận với các lĩnh vực ngành, nghề… để chọn được đúng nhóm môn học ở bậc THPT.
Việc học ở trường đại học còn còn gắn với đổi mới hướng nghiệp bậc THCS
“Hiện nay phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn giữa hướng nghiệp và phân luồng, khi cho rằng hướng nghiệp là… hướng học sinh ra học nghề, học trung cấp sau THCS và chỉ những học sinh yếu, kém mới cần hướng nghiệp. Quan điểm này phần nào gây khó khăn cho nhà trường khi hướng nghiệp. Năm nay, nhà trường đẩy mạnh hướng nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế môn học để phần nào thay đổi quan điểm của phụ huynh”, cô Diễm Trâm nói.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, yêu cầu đổi mới hướng nghiệp khi thực hiện Chương trình GDPT 2028 đặt ra cho cả bậc THCS, THPT. Khi được hướng nghiệp từ sớm sẽ giúp học sinh sớm “định vị” được bản thân để chọn được đúng nhóm môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT.
“Việc trường THCS đổi mới không gian học tập ở trường đại học là mô hình rất mới mẻ, vừa mở ra không gian tiếp cận môn học, vừa giúp học sinh THCS sớm có cái nhìn về những lĩnh vực ngành nghề ở trường đại học để các em có thể tự tin định hướng nghề nghiệp khi bước lên bậc THPT”.
Theo Quốc Trung/ PNO