Học phí đại học rục rịch tăng

Sau 2 năm không điều chỉnh theo lộ trình của Chính phủ vì dịch COVID-19, năm học 2023 - 2024 tới, các trường đại học (ĐH) đồng loạt tăng học phí. Đây là một trong những áp lực đối với thí sinh trong việc lựa chọn trường học.

Học viện Tài chính dự kiến học phí năm học 2023 - 2024 đối với chương trình chuẩn từ 22 - 24 triệu đồng/sinh viên/năm học; chương trình chất lượng cao từ 48 - 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 10%. Mức học phí dự kiến này của Học viện Tài chính tăng 10-20% so với hiện tại.

Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần quan tâm đến vấn đề học phí của trường muốn học. Ảnh: Mạnh Thắng

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến điều chỉnh học phí chương trình chuẩn từ hơn 440 nghìn đồng/tín chỉ lên hơn 500 nghìn đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới; chương trình chất lượng cao, học phí là 1,5 triệu đồng/tín chỉ, tăng 200 nghìn đồng/tín chỉ so với hiện hành. Trường ĐH FPT tăng học phí chính khóa từ 27,3 triệu đồng/học kỳ/sinh viên lên 28,7 triệu đồng/học kỳ/sinh viên.

Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 đối với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học/sinh viên, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng, học phí là 40 triệu đồng/năm học/sinh viên, tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái.

Trường ĐH Điện lực dự kiến năm học tới tăng học phí 14% so với năm học này, từ hơn 14 triệu đồng/năm đối với sinh viên khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng/năm với khối Kỹ thuật lên tương đương gần 16 đồng và 18 triệu đồng.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng cho biết học phí năm học mới sẽ được điều chỉnh theo quy định. Còn PGS. TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ nhà trường chưa quyết định học phí đào tạo năm tới.

An toàn tài chính học ĐH

Dù đã được “báo trước” để chuẩn bị nhưng nhiều chuyên gia lo ngại vấn đề học phí là một trong những rào cản đối với thí sinh có năng lực nhưng hoàn cảnh khó khăn đến với ngành Y dược. TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí đang loại ra khỏi ngành Y những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế. Ông Khuyến khẳng định khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học.

Theo ông Khuyến, khó có thể so sánh mức học phí của ĐH trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. “Tôi cho rằng cách làm muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí và muốn tăng chi phí thì tăng học phí là một lối tư duy chưa chuẩn. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại với những ngành đặc thù, liên quan đến nhân lực chăm sóc sức khỏe toàn xã hội như ngành Y, Dược”, TS Lê Viết Khuyến nói.

TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay bên cạnh năng lực, sở thích còn phải đặc biệt chú ý đến an toàn tài chính trong suốt thời gian học ĐH. “Để có thể yên tâm trong thời gian học ĐH, thí sinh cần đọc kỹ thông tin học phí được các trường thông báo tại Đề án tuyển sinh. Trong đó, ngoài mức học phí đóng cho năm học hiện tại, cần tìm hiểu lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo của trường như thế nào, từ đó tính toán điều kiện kinh tế để lựa chọn”, TS Đào Tùng cho hay.

Theo Nghiêm Huê/TPO

Tin cùng chuyên mục

Theo Điểm m khoản 4 Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng sau.
Ghi nhận thực tế từ các năm qua khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương cho thấy, một số địa phương bố trí lực lượng theo kiểu cho có, đủ số lượng; cơ sở in sao đề thi “phiên phiến”, không đảm bảo biệt lập với khu vực xung quanh.
GS Scott Fritzen được bổ nhiệm làm chủ tịch của Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Người tiền nhiệm là bà Đàm Bích Thủy sẽ nghỉ hưu khi năm học 2022-2023 kết thúc.
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Bộ GD-ĐT làm nhiệm vụ vận chuyển đề thi khi đi máy bay.
Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp 2023.
Kế hoạch chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại các địa phương đều tính đến tình huống bất thường có thể xảy ra để chủ động xử lý.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tra cứu điếm thi