Hậu kiểm hồ sơ, sinh viên phải chuyển ngành vì sai thông tin

Sau khi các trường ĐH hậu kiểm hồ sơ gốc kỳ tuyển sinh năm 2021, một số sinh viên năm nhất phải chuyển ngành vì sai thông tin về đối tượng, khu vực dẫn đến không đủ điểm trúng tuyển như thông tin ban đầu.

Chuyển ngành vì sai đối tượng

Thời gian gần đây, các trường ĐH đều thông tin đến sinh viên (SV) năm nhất việc đối soát, hậu kiểm hồ sơ gốc mặc dù đã trải qua việc học trong một học kỳ. Đây là việc làm chưa có tiền lệ vì trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 khiến cho việc di chuyển khó khăn, SV cũng học trực tuyến nên đa số các trường ĐH chỉ yêu cầu SV trúng tuyển nộp hồ sơ trực tuyến. Đến nay, khi mở cửa dạy học trực tiếp, các trường sẽ làm công tác hậu kiểm hồ sơ của các SV trúng tuyển để kiểm tra lại thông tin.

Hậu kiểm hồ sơ, sinh viên phải chuyển ngành vì sai thông tin

Vì dịch Covid-19, các trường ĐH nhận hồ sơ trực tuyến thí sinh trúng tuyển năm 2021. KIM BẰNG

Ngày 19.2, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, trường chỉ có vài trăm hồ sơ nộp trực tuyến cần phải kiểm tra lại thông tin. Trong số này, có khoảng chục trường hợp bị sai đối tượng dẫn đến điểm chuẩn bị sai.

Theo tiến sĩ Nhân, trong số các trường hợp này, mặc dù ghi sai đối tượng, có điểm thấp xuống nhưng vẫn nằm trong mức điểm chuẩn của ngành học mà thí sinh đăng ký. Chỉ có 2 trường hợp SV sau khi rà soát thấp hơn điểm chuẩn của ngành học. Trường đã trao đổi, động viên 2 SV này chuyển sang ngành học khác có mức điểm chuẩn phù hợp hơn.

Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã yêu cầu SV khi trở lại trường học trực tiếp sẽ mang hồ sơ gốc để đối chiếu so với những hồ sơ đã nộp trực tuyến trước kia.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Công tác SV nhà trường, việc yêu cầu SV nộp hồ sơ gốc để đối chiếu là theo quy định nhập học của Bộ GD-ĐT. “Sai sót xảy ra nhiều nhất là ở việc khai sai đối tượng, khu vực ưu tiên. Đối với tất cả những trường hợp này, trường đã yêu cầu SV gửi hồ sơ gốc qua đường bưu điện để kiểm tra ngay từ tháng 11.2021. Trường làm rất kỹ lưỡng việc này vì nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ thí sinh này mà còn với thí sinh khác. Vào thời điểm đó, trường rà soát đến hơn 700 trường hợp và đã giải quyết hoàn tất để SV bước vào năm học mới. Khi rà soát, trường phát hiện có một số SV khai sai đối tượng, khu vực nên điểm thi sau khi kiểm tra lại không đủ để trúng tuyển ngành học đã đăng ký. Trường đã trao đổi và đề nghị các SV này chuyển sang ngành học khác phù hợp hơn với điểm thi của mình”, ông Hùng cho biết.

Yêu cầu sinh viên bổ sung hồ sơ

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đã thông báo về việc thu bổ sung hồ sơ nhập học đối với SV khóa ĐH12 (trúng tuyển năm 2021) khi trở lại học trực tiếp tại trường. Danh mục hồ sơ nhà trường yêu cầu SV phải nộp, gồm: giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (bản chính), giấy khai sinh, CMND/CCCD, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ THPT (bản sao)…

Thông báo này của trường nhận được nhiều thắc mắc của SV rằng đã trở thành SV học một học kỳ vì sao vẫn phải nộp lại hồ sơ để kiểm tra?

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết năm 2021 SV trúng tuyển nhập học theo cách hoàn toàn khác biệt so với các khóa trước đây. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, SV nộp hồ sơ trực tuyến, học trực tuyến nên khi SV trở lại học trực tiếp, trường sẽ tổ chức đón như bắt đầu năm học mới và cũng sẽ tổ chức tiếp nhận hồ sơ nhập học, thu giấy chứng nhận điểm thi THPT bản gốc, cấp lại giấy báo trúng tuyển, phát thẻ SV…

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Sơn, trường sẽ chính thức tiếp nhận hồ sơ của SV từ ngày 1.3. Khi rà soát lại hồ sơ, nếu có trường hợp nào sai sót, trường sẽ có phương án xử lý.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết trường đang tổ chức nhận hồ sơ gốc của SV để kiểm tra, đối soát lại thông tin.

Theo Đăng Nguyên/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề