Giáo dục thể chất ở trường đại học: "Cưỡi ngựa xem hoa"?

Sinh viên cho rằng nội dung của học phần giáo dục thể chất, chủ yếu về kỹ năng chơi một môn thể thao, chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản, khó chuyên sâu. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do như: chương trình giảm tải cho sinh viên không chuyên, thời gian luyện tập ít…

"Học cho biết" vì không đủ thời gian đào tạo

Từng học môn bóng đá, Lưu Nhật Nam (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chỉ được tập 2 kỹ năng chính là dẫn bóng và đá bóng vào khung thành. Theo Nam, chương trình học giống như "cưỡi ngựa xem hoa". 

Với nam sinh viên biết đá bóng trước đó như Bùi Lê Hoàng Nguyên (sinh viên ngành công nghệ ô tô, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), những kỹ năng cơ bản như sút, chuyền, tâng bóng… khiến anh đôi khi mất hứng học giáo dục thể chất.

Hoạt động giáo dục thể chất chủ yếu giúp sinh viên vận động ngoài giờ học chuyên ngành ẢNH MINH HỌA: TRƯỜNG ĐH LUẬT- ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI

Còn Hồ Phương Trúc (sinh viên chuyên ngành marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM) học bóng bàn tại trường chưa đầy 2 tháng (1 buổi/tuần) nên khó luyện tập thuần thục. 

 

 

 

 

Ngoài ra, theo Nguyễn Phạm Duy (sinh viên năm 4, Trường ĐH Luật-ĐH Quốc gia Hà Nội), giảng viên giáo dục thể chất thường tạo điều kiện để sinh viên hoàn thành học phần nên không yêu cầu khắt khe vì vậy không ít bạn mang tâm lý "học cho xong".

Ở góc độ giảng viên, thạc sĩ Phùng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm giáo dục thể chất-quốc phòng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng kỹ năng các môn ở mức cơ bản để sinh viên học "cho biết", thực tế khó chuyên sâu vì không đủ thời gian đào tạo.

Hơn nữa, theo ông Quân, hoạt động giáo dục thể chất chủ yếu giúp sinh viên thư giãn sau giờ học chuyên ngành nên không đặt nặng vấn đề điểm số hay chuyên môn. Tuy vậy, hằng năm, trung tâm vẫn tiến hành tuyển chọn sinh viên có năng khiếu để bồi dưỡng thêm.

Ngược lại, học phần giáo dục thể chất sẽ đòi hỏi nhiều hơn đối với sinh viên chuyên ngành này như Mai Nhật Trường (năm 1, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Hiện tại, Trường tham gia 3 môn với cường độ luyện tập cao: điền kinh, bóng rổ và thể dục (đội hình-đội ngũ).

Bài đăng xin “review” học phần giáo dục thể chất. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

"Dở khóc dở cười" khi đăng ký môn

Nhìn chung, học phần giáo dục thể chất gồm môn bắt buộc lẫn tự chọn. Tại Trường ĐH Duy Tân, sinh viên năm 1 sẽ tham gia học phần bắt buộc gồm thể dục và điền kinh; sinh viên năm 2 chọn bóng đá, bóng chuyền, hay cầu lông… Trong khi đó, ĐH Kinh tế TP.HCM không có môn bắt buộc, mà chỉ có 9 môn tự chọn.

Tuy nhiên, việc đăng ký tín chỉ môn tự chọn cũng xảy ra chuyện "dở khóc dở cười". Nguyễn Duy Tân (sinh viên ngành quan hệ công chúng-truyền thông, Trường ĐH Văn Lang) từng gặp tình trạng "nghẽn" trang đăng ký học phần. Tới khi truy cập được, môn bóng rổ Tân dự định chọn đã hết "slot" (chỗ) vì lớp giới hạn số lượng sinh viên. "Tôi thấy bất cập khi không được học môn mình mong chờ nhất", Tân chia sẻ.

Đôi khi, môn học nhanh hết "slot" là bởi yếu tố "bao đậu" hoặc không cần vận động ngoài trời. Ví dụ, cờ vua là một trong những môn như vậy tại trường của Tân nên nhiều sinh viên đã chọn học với hy vọng "qua môn". Hay Tô Nguyễn Minh Khoa (sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH Sài Gòn) nhận thấy các sinh viên nữ thường chọn môn nhẹ nhàng như bóng bàn để phù hợp với thể lực.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chơi bóng chuyền. THỂ THAO EIC

PGS-TS Nguyễn Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm giáo dục thể chất ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: "Sinh viên bây giờ 'ngại' nắng nên có xu hướng chọn những môn trong nhà thay vì vận động ngoài trời".

Trên Facebook, những bài đánh giá môn tự chọn của học phần giáo dục thể chất luôn được sinh viên quan tâm. Chẳng hạn, tài khoản Y.G. (cựu sinh viên khối ĐH Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ: "Khỏi nói về độ 'hot' của võ vì môn này hết 'slot' từ những giây đầu tiên với xác suất 'qua môn' là 99%".

"Sinh viên cũng thường xem đánh giá về giảng viên trước khi đăng ký, khiến một số lớp có giảng viên "hot" nhanh hết slot", Hồ Phương Trúc (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ.

Các môn mới: Golf, tennis, khiêu vũ, thể thao trí tuệ 

Ngoài các môn giáo dục thể chất quen thuộc, một số trường đưa môn mới hoặc thể thao trí tuệ vào giảng dạy.

Từ năm 2022, tennis, golf và khiêu cũ là 3 môn giáo dục thể chất tự chọn của ĐH Kinh tế TP.HCM. "Sinh viên kinh tế ra trường cần có khả năng ngoại giao để xây dựng các mối quan hệ. Các bạn biết thêm kỹ năng chơi golf, tennis hay khiêu vũ sẽ bổ trợ cho công việc sau này", PGS-TS Nguyễn Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm giáo dục thể chất ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bổ sung môn thể thao trí tuệ. Nhờ vậy, Phan Thành Luân (sinh viên năm 4, ngành công nghệ thông tin) có thể chọn cờ vua để rèn luyện một số kỹ năng cần thiết cho ngành học.

Theo Như Mai/ Thanh niên

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 toàn TP Hồ Chí Minh có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có 74.581 thí sinh THPT, 9.465 thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều đặc biệt là có đến 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C khi (cùng tổng điểm), trong đó, 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Cả nước có gần 11.000 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất. So với năm 2023, số điểm 10 năm nay giảm nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mức điểm cao nhất theo khối thi truyền thống khối C cao nhất với 29,75 điểm, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7. Mời bạn đọc vào đây để xem kết quả
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề