Giải pháp nào cho thí sinh tự do xét tuyển đại học?

Trong số 15.100 thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người là thí sinh tự do. Tuy nhiên, trong các văn bản liên quan của Bộ GD-ĐT không có nội dung nào đề cập đến đối tượng này.

Giải pháp nào cho thí sinh tự do xét tuyển đại học?

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Kỳ thi này tổ chức cho cả thí sinh tự do nếu đăng ký đúng thời hạn theo quy định. ĐÀO NGỌC THẠCH

Đối mặt nguy cơ “trắng tay” sau 2 năm ôn thi lại

N.T.T là cựu học sinh Trường THPT Cần Giuộc, tỉnh Long An, tốt nghiệp THPT năm 2018. Ước mơ của T. là đỗ y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nên từ 2 năm nay T. quyết tâm ôn thi lại để ước mơ thành hiện thực. Năm ngoái T. thi được 26 điểm, nên em càng hy vọng năm nay mình sẽ thực sự “chạm” được vào ước mơ.

Do sống tại TP.HCM nên T. đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại TP.HCM. Đợt 1, T. không thể dự thi do nơi ở thực hiện giãn cách. Đợt 2, khi biết tin TP.HCM không tổ chức thi, T. đã xin dự thi tại quê nhà. Nhưng sau đó, tỉnh Long An cũng không tổ chức thi đợt 2. Vì thế, T. chỉ còn trông chờ cơ hội xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM bằng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tuy nhiên, thông báo điều chỉnh phương án tuyển sinh ngày 10.8 của Trường ĐH Y Dược TP.HCM lại chỉ dành cho thí sinh (TS) thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021. T. cho biết dường như rơi vào trạng thái trầm cảm, tự nhốt mình trong phòng và khóc rất nhiều, tối không ngủ được. “Em tự vấn lại bản thân xem mình đã làm gì sai! Tại sao mình đã rất cố gắng nhưng tất cả lại trở nên không có ý nghĩa gì?”, T. chia sẻ.

Câu chuyện của T. chỉ là một trong số rất nhiều chia sẻ của những “TS tự do” (là khái niệm Bộ GD-ĐT dùng để gọi những TS tuy đã tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có nguyện vọng tiếp tục dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả thi làm căn cứ xét tuyển ĐH).

Do khu vực phía nam có hơn chục ngàn TS không thể dự cả 2 kỳ thi, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã điều chỉnh phương án tuyển sinh, thêm phương án xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, phương án điều chỉnh này lại không dành cho TS tự do.

Sẽ đảm bảo quyền lợi thí sinh

Theo Bộ GD-ĐT, trong số hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, có gần 40.000 TS tự do (3,91%). Trong số 15.100 TS chưa được thi cả 2 đợt, Bộ GD-ĐT chưa thống kê được bao nhiêu TS tự do. “Ở Hưng Yên, trong khoảng 100 TS không dự thi đợt 2, có nhiều TS tự do là bộ đội nghĩa vụ. Các TS phải làm nhiệm vụ chống dịch nên không thể dự thi”, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hưng Yên, nói.

Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho biết trong số 193 TS của Hà Nội chưa thi tốt nghiệp THPT 2021, cũng có TS tự do. Do đó, trước thông báo mới đây của ĐH Quốc gia Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ lập danh sách TS có nhu cầu dự kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó gồm cả TS tự do, đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội sắp xếp cho các TS diện này được tham gia đợt thi 15 - 16.9.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay Cục Quản lý chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT đang lên danh sách những TS đã đăng ký, đủ điều kiện nhưng chưa dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, mà không phân biệt là TS đang học lớp 12 hay TS tự do. Sau khi có danh sách này, Vụ Giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT sẽ gửi cho các ĐH Quốc gia để sắp xếp việc cho các TS này dự thi.

Liên quan việc điều chỉnh phương án tuyển sinh của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Bộ GD-ĐT cho biết đã có văn bản đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho TS tự do trong việc dự tuyển vào trường. Trường này đã cho biết cần họp hội đồng tuyển sinh để quyết định.

ĐH Quốc gia Hà Nội: Chỉ tổ chức thi cho TS diện đặc cách tốt nghiệp

Sau khi Bộ GD-ĐT có công văn kể trên, PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ĐH này sẽ không phân biệt TS tự do hay TS vừa học xong lớp 12, việc xếp lịch thi cho các em sẽ căn cứ vào danh sách của Bộ GD-ĐT gửi cho ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, ngày 16.8, trong một thông báo, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chỉ đề cập việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh diện được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo giải thích của GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, vì các công văn của Bộ GD-ĐT về các nội dung liên quan chỉ đề cập đối tượng TS diện được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, nên thông báo của trung tâm chỉ dành cho đối tượng này.

Cũng theo GS Thảo, trung tâm sẵn sàng tạo điều kiện cho TS tự do đã đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 nhưng chưa thi được do dịch Covid-19. Nhưng trung tâm không có cách nào nhận diện được đối tượng này nếu không được Bộ GD-ĐT hoặc các sở GD-ĐT hỗ trợ.

Theo Quý Hiên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề