Dự kiến những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 6 với một số thay đổi nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi và quyền lợi của thí sinh.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết theo dự kiến, thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 ban hành sớm hơn 2 tháng so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhà trường trong công tác chuẩn bị. Sau khi ban hành thông tư, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có lịch thi cụ thể, chi tiết.

Dự kiến thi vào tuần cuối tháng 6

Trước đó, tại các hội nghị về công tác thi, sở GD-ĐT nhiều địa phương đề xuất trực tiếp với Bộ GD-ĐT nên giữ thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào tuần cuối cùng của tháng 6 như năm 2023, sẽ thuận lợi để các địa phương sắp xếp thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp... Ý kiến này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đồng tình, ghi nhận.

Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến góp ý đưa trở lại nội dung quy định “cấm mang vào phòng thi” một số vật dụng. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đối với bài thi tổ hợp, TS chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với TS tự do). TS được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; TS là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thời gian thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến vào cuối tháng 6. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bổ sung chứng chỉ được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho năm 2024) đã bổ sung quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi, thay vì để tại văn bản hướng dẫn tổ chức thi như trước đây.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương, bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học.

Thêm vào đó, dự thảo cũng bổ sung chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi để xét tốt nghiệp THPT với môn ngoại ngữ. Cụ thể, với môn tiếng Anh, năm 2023 chỉ có các chứng chỉ được công nhận gồm: TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm).

Năm 2024, ngoài các chứng chỉ trên, môn tiếng Anh còn bổ sung thêm: B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN bậc 3. Trong đó, với chứng chỉ TOEIC, TS cần đạt kỹ năng nghe từ 275 - 399 điểm, kỹ năng đọc từ 275 - 384, kỹ năng nói từ 120 - 159, kỹ năng viết từ 120 - 149 điểm.

Kỳ thi năm nay dự kiến cũng giữ nguyên các quy định: "TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như TS không được miễn thi".

Điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ ra một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi năm 2023 như vẫn còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; vẫn còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra chậm, muộn tại một số địa phương; vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc tổ chức đăng ký của TS tự do; một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…

Do vậy, với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD-ĐT đã rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Từ công tác ra đề đến tổ chức kiểm tra học kỳ, đặc biệt với khối lớp 12, các trường THPT đều quan tâm tiếp cận Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Kỹ sư trí tuệ nhân tạo được xem là nghề mới nổi, với cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn. Trong những năm gần đây, các trường ĐH đang tăng tốc đào tạo nhân lực lĩnh vực này.
Tỉnh Bình Phước sẽ có cơ sở giáo dục đại học đầu tiên vào năm 2025, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và các khu vực lân cận
Từ bất cập lựa chọn môn học tổ hợp theo định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10, chuyên gia giáo dục kiến nghị cần linh hoạt cho học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu xét tuyển của các trường ĐH.
Hai ĐHQG đang tiến hành tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới
Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo vào chiều 9/12/2024, tại khu đất NC2.2, Khu Viện Nghiên cứu 2, Phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.