Điểm khác biệt lớn nhất của thông tư mới này là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.
Quyền chọn sách giáo khoa sẽ được trả lại cho các nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như thời gian qua. T.M
Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Thông tư 27 quy định, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Người tham gia biên soạn sách giáo khoa không nằm trong hội đồng chọn sách
Thông tư cũng quy định rõ: "Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt); cha mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng".
Do thông tư mới giao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở GD-ĐT nên phòng GD-ĐT có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; báo cáo sở GD-ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý lựa chọn.
Sở GD-ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; rà soát báo cáo của các phòng GD-ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn; tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
UBND cấp tỉnh thay vì trực tiếp thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho cả tỉnh như quy định cũ thì ở quy định mới chỉ còn nhiệm vụ quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn (do sở GD-ĐT trình).
4 năm, 3 lần thay đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa
Theo Thông tư số 01 Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30.1.2020, quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi trường thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa dưới sự điều hành của hiệu trưởng.
Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Thông tư này áp dụng duy nhất cho năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện "thay sách".
Đến ngày 26.8.2020, Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về chọn sách giáo khoa. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa thay vì giao cho mỗi nhà trường như Thông tư 01.
Lý giải việc quy định về quyền lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục chỉ được thực hiện cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021, khi ấy đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, từ ngày 1.7.2020, luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành với quy định: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn" (điểm c khoản 1 điều 32). Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5.2020 để các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn tổ chức in ấn, phát hành… kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9.2020.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa đánh giá: quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Có đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại có lợi ích nhóm hoặc tình trạng "đi đêm" trong quá trình chọn SGK...
Trước những bất cập sau 3 năm học lựa chọn SGK theo Thông tư 25, Bộ GD-ĐT đã phải xây dựng và ban hành thông tư mới về quy định chọn sách giáo khoa, trong đó điểm mới đáng chú ý nhất là quyền lựa chọn sách giáo khoa được trả lại về các nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25.
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên