Chính thức bắt đầu tư vấn “Tiếp bước trường thi” 28 tỉnh thành

Thiết kế vi mạch và những ngành học hướng đến phát triển bền vừng, xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường như hạn hán, sạt lở, sói mòn, ngập úng đô thị… bất ngờ nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh.

Đại diện các trường ĐH cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của thí sinh

Ngày 25-1, chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ 2024 chủ đề “Tiếp bước trường thi” chính thức được Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Vĩnh Long, mở màn cho chuỗi tư vấn “xuyên” 28 tỉnh thành từ đồng bằng sông Cửu Long qua Tây Nguyên đến miền Trung và được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình các tỉnh thành này.

Ngành thiết kế vi mạch được học sinh quan tâm

Tại Vĩnh Long, học sinh được tư vấn, giải đáp thông tin bởi đại điện các trường như: ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM; Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Trường ĐH Nam Cần Thơ; Trường ĐH Cần Thơ…

Là nữ nhưng học sinh Trần Thị Huyền Trâm (tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ niềm quan tâm đặc biệt đến ngành thiết kế vi mạch nên đặt câu hỏi về định hướng đào tạo ngành này. ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, ngành thiết kế vi mạch đang nhận được sự chú ý rất đông đảo và được nhiều trường ĐH đang quan tâm. Sự thu hút này xuất phát từ những căn cứ rất rõ ràng. Thực tế, đây là một lĩnh vực đã tồn tại trong một số ngành khác tại các trường ĐH. Đơn cử, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trước đây ngành kỹ thuật điện tử viễn thông và một số ngành kỹ thuật có các học phần về thiết kế vi mạch. Trước nhu cầu thực tế, nhà trường tách thiết kế vi mạch thành một chuyên ngành mới của ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, đào tạo theo hướng ứng dụng.

Nhiều câu hỏi của học sinh còn dành tập trung cho nhóm ngành về tài nguyên môi trường với mong muốn theo đuổi lĩnh vực có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững. Thông tin đến thí sinh, TS. Trần Ký (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) chia sẻ, hạn hán, ngập úng đô thị, xói mòn, sạt lở… là một số vấn đề “nóng” liên quan đến môi trường hiện nay. Để tham gia giải quyết những vấn đề trên, trường có đào tạo những ngành học nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn cho xã hội. Trong 19 ngành đào tạo tại trường hiện nay, phải kể đến 4 ngành đặc thù, nổi bật.

Thứ nhất, ngành quản lý tổng hợp tài nguyên nước trang bị cho người học kiến thức về điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặn, nước ngầm, chất lượng nước; kiến thức về luật, chính sách để từ đó có khả năng lập kế hoạch, đưa ra giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên nước hiệu quả đáp ứng điều kiện phát triển bền vững. Thứ hai, ngành biến đổi - khí hậu trang bị kiến thức về đánh giá tác động biến đổi khí hậu tới các ngành kinh tế ở cấp độ địa phương, cấp độ quốc gia và lập kế hoạch xây dựng những kịch bản về biển đổi khí hậu, nước biển dâng; đưa ra các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thứ ba, ngành khí tượng và khí hậu học, được ví như “bác sĩ bắt mạch ông trời”, trang bị kiến thức về khoa học trái đất, kiến thức về dự báo quan trắc, phân tích số liệu khí tượng, khí hậu… Thứ tư, ngành khí tượng thủy văn trang bị kiến thức nghiên cứu về nguyên lý dòng chảy, các quá trình lũ xâm nhập mặn, hiện tượng bồi lắng, tính toán về điều tiết dòng chảy… từ đó đưa ra giải pháp hợp lý để quản lý, phát triển bền vững.

“Tốt nghiệp các ngành này, người học sẽ được làm việc tại những công ty tư vấn, ban quản lý, liên đoàn điều tra nước, mạch nước ngầm, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước…” - TS. Trần Ký nói.

Xét kết quả thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển

Những phương thức xét tuyển sớm trong đó có phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm nay tiếp tục nhận được sự chú ý của học sinh. TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) thông tin, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng được mở rộng qua các năm. Hiện gần 100 trường ĐH sử dụng kết quả thi này để xét tuyển, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Qua phân tích dữ liệu tuyển sinh và đào tạo nhiều năm qua tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS. Nhân cho biết, có nhiều thí sinh trúng tuyển kết quả thi đánh giá năng lực nhưng không trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc cũng có những em trúng tuyển phướng thức xét kết quả thi đánh giá năng lực nhưng không trúng tuyển học bạ. Điều đặc biệt là kết quả học tập của những sinh viên vào trường bằng kết quả thi đánh giá năng lực thường “nhỉnh” hơn phương thức khác. Chính vì vậy, với độ phủ rất lớn của kỳ thi, thí sinh có thể xem đây là một phương thức xét tuyển quan trọng nhằm thử sức và gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Học sinh cần có chiến lược rõ ràng

ThS. Nguyễn Hứa Duy Khang (Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ) khuyên học sinh, gần đây, có quan điểm cho rằng đậu ĐH rất dễ; thậm chí rất khó để rớt ĐH. Tuy nhiên, quan điểm này khá chủ quan. Để đảm bảo hiệu quả xét tuyển; đảm bảo cho học sinh trúng tuyển đúng ngành, trường mong muốn thì có nhiều yếu tố, trong đó, bản thân các em cần một chiến lược phù hợp, rõ ràng. Tại đó, các em định hình được ngành, trường mong muốn theo học; tìm hiểu các phương thức xét tuyển liên quan; lợi thế và sự phù hợp bản thân... Hiện các trường ĐH xét tuyển nhiều phương thức, trong đó, phổ biến là phương thức xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra còn các phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, kỳ thi riêng… Thí sinh cần nắm bắt chính xác, đầy đủ thông tin khi lựa chọn đăng ký.

Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình

Đồng tình, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cũng cho rằng, xét tuyển nhiều phương thức trong đó có xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng là một cách giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và giảm bớt áp lực mùa thi. Bởi ở phương thức này, các em có thể tham gia xét tuyển sớm, biết được khả năng của mình đến đâu để chuẩn bị các phương thức xét tiếp theo. “Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hiện đã nhận hồ sơ đăng ký các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM… Thí sinh có thể đăng ký trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu điện” - ThS. Nguyên chia sẻ.

Cùng học luật nhưng thời gian đào tạo khác nhau

Học sinh Nguyễn Phú Mỹ (tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ phân vân giữa ngành quản trị luật và ngành luật, mong muốn được phân biệt sự khác nhau giữa hai ngành này để chọn đăng ký. TS. Phan Phương Nam (Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM) giải đáp, ngành luật là một ngành thế mạnh được đào tạo tại Trường ĐH Luật TP.HCM và được đào tạo đơn ngành. Còn quản trị luật là ngành đào tạo mới những năm gần đây nhưng rất được quan tâm. Lý do là người học ngành này có thể cùng lúc có tới 2 bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, thời gian học quản trị luật tới 5 năm so với 4 năm ở ngành luật. Và ngành luật đào tạo từ 121-124 tín chỉ, còn quản trị luật số tín chỉ cao hơn; vì trong ngành quản trị luật, người học được cung cấp cả kiến thức về quản trị, kiến thức luật. Trong khi đó, ngành luật chỉ hàm chứa kiến thức về luật.

Trong khuôn khổ chương trình, ThS. Nguyễn Chí Thắng (Trưởng khoa Cơ bản, Trường ĐH Nam Cần Thơ) cũng chia sẻ với thí sinh các căn cứ để lựa chọn ngành nghề. ThS. Thắng đồng thời cho biết, 44 ngành được đào tạo tại trường trong năm nay thuộc các nhóm khoa học sức khỏe, kỹ thuật công nghệ, dịch vụ… sẽ được tuyển sinh thông qua 3 phương thức: Xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trường có kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên.

Theo Mê Tâm/ GDO

Tin cùng chuyên mục

Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa bắt đầu nhưng thời điểm này, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển ĐH tại nhiều trường, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.
Theo các nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT, hiện nay là thời điểm quan trọng để học sinh xác định các thông tin, cách làm cụ thể cho quá trình đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ. Hiện tại là thời điểm học sinh hoàn thành chương trình học THPT, chuẩn bị hành trang cần thiết, đầy đủ về mặt kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện để tham gia kỳ thi THPT diễn ra vào tháng 6-2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề