Cẩn trọng trước "rừng" thông tin đánh giá ngành học

Không ít học sinh cảm thấy hoang mang trước “rừng” thông tin hướng nghiệp, đánh giá ngành học trên các nền tảng mạng xã hội.

Chọn ngành, trường là việc hệ trọng, học sinh cần tham khảo nhiều nguồn và có thể đến các trường đại học để “mục sở thị”. Ảnh: INT

Các chuyên gia tuyển sinh khuyến cáo thí sinh phải biết chọn thông tin.

Đủ kiểu đánh giá

Là học sinh lớp 12 Trường THPT quận Bình Thạnh, TPHCM chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh đại học năm 2024, Nguyễn Đỗ Quyên thường xuyên lên các hội, nhóm mạng xã hội với các thông tin review (đánh giá) ngành học. Gần đây, Quyên gặp 2 bài đăng trên một diễn đàn Facebook mang tên “Review tất tần tật về ưu - nhược ngành học” trên một nhóm với hơn 1,7 triệu thành viên. Theo đó, bài viết tổng hợp gần 40 comment (bình luận), mỗi bình luận nói về một ngành với ưu, khuyết điểm được tóm gọn trong 3 - 4 câu. Hai bài này có tổng lượt thích hơn 15 nghìn với hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.

Với ngành Kế toán, bài này cho biết, ưu điểm là “không thích sáng tạo, giao tiếp nhiều, đi theo khuôn mẫu, học gì ra làm đó, không lo không có việc…”. Nhược điểm của ngành được cho là “dễ vào tù, lương thấp, việc nhiều, dễ cọc, kế toán thì không sáng tạo mà các bác thuế sáng tạo đủ loại công văn không rõ ràng, hỗ trợ gì…”.

Ngành Việt Nam học lại được chỉ ra ưu điểm “cái gì cũng biết, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, tâm lý, chính trị, tôn giáo…” nhưng nhược điểm là “chả biết cái gì đủ sâu, chả doanh nghiệp nào ngu mà nhận lao động biết nửa vời kiểu này”. Hay ngành Quản trị kinh doanh được review dễ liên tưởng sau này ra làm sếp, ra trường là có việc luôn – shipper (chuyển hàng hóa).

“Khi đọc các bài review thấy khá lôi cuốn, hài hước và dễ hiểu, nhưng đọc xong em mông lung quá, không biết chọn ngành nào. Vì ngành nào cũng thấy có vấn đề”, Đỗ Quyên chia sẻ.

Tương tự như Quyên, nhiều học sinh THPT hiện thích thú với trào lưu review ngành học trên nền tảng mạng xã hội. Theo khảo sát, trên nhiều diễn đàn dành cho học sinh, sinh viên xuất hiện dày đặc bài viết mang tính định hướng nghề nghiệp. Các bài viết này thường ngắn gọn, do một cá nhân đưa lên với nội dung: Học ngành A này tốt hay không; Ngành B học ở trường nào tốt nhất… Dưới mỗi bài viết là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bình luận trái chiều. Trong đó, không ít bình luận mang tính đả kích ngành nghề hoặc một trường đại học nào đó.

Ngoài Facebook, các bài review trên nền tảng TikTok được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, quan tâm. Chỉ cần gõ từ khóa “review ngành học” hay “xu hướng ngành nghề năm 2024”, có thể tìm được hàng trăm video “tư vấn tuyển sinh”. Không chỉ liệt kê danh sách những ngành “ra trường có việc làm ngay”, nhiều TikToker còn tư vấn công thức, quy trình để học sinh định hướng chọn nghề thành công. Đặc biệt, những video trào lưu tư vấn “ngành học vô dụng”, vốn xuất hiện hơn một năm nay, vẫn tràn lan trên TikTok khiến nhiều học sinh hoang mang, rối bời khi chọn ngành nghề.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Gạn đục khơi trong

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương - Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng, review ngành học trên mạng là xu hướng tất yếu, song hành cùng với phát triển của Internet và truyền thông xã hội. Với những bạn trẻ thế hệ G, sự tiếp cận sớm với công nghệ, tự tin thể hiện quan điểm cá nhân, việc này là điều đáng khen ngợi. “Nó giúp mang đến góc nhìn đa chiều, đa dạng về các vấn đề xã hội, trong đó có chọn trường, ngành cho học sinh”, ông Nguyễn Trần Ngọc Phương nói.

Ông Phương cho rằng, mạng xã hội có những hiệu quả nhất định, nên đây cũng có thể là nơi để bạn trẻ tra cứu thông tin về ngành, trường. Tuy nhiên, học sinh không quá lạm dụng kênh thông tin này. Chọn ngành, trường là việc hệ trọng, do đó cần tham khảo ý kiến của những người hiểu, chứng kiến được sự thay đổi, phát triển của mình (cha mẹ, gia đình, thầy cô); tham khảo các kênh chính thống. Nếu thấy cần thiết, học sinh cũng có thể đến các trường đại học để “mục sở thị”.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) cũng đồng tình quan điểm trên khi cho rằng, học sinh hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn thông tin nhanh chóng. Song, theo quan sát cá nhân, bà Kim Phụng cho rằng, nhiều bài, video review ngành học không đảm bảo tính chuẩn xác về mặt thông tin, những luận điểm đưa ra không có căn cứ khoa học. Việc xác nhận một ngành tốt hay dở, hữu dụng hay vô dụng đều dựa theo quan điểm cá nhân, không có cơ sở, dữ liệu minh chứng.

Theo ThS Phụng, muốn tham khảo thông tin, đánh giá, nhận định về ngành học, thí sinh có thể tìm đến các cổng thông tin điện tử, fanpage chính thức của các trường đại học; trung tâm tuyển sinh, quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên ở mỗi trường; các chương trình tư vấn tuyển sinh của trường đại học tại trường THPT hoặc trên nền tảng mạng xã hội; các thông tin tuyển sinh trên báo đài chính thống.

Tại đây, thí sinh được tìm hiểu tổng quan chương trình đào tạo, kỹ năng, điểm nổi bật, tố chất để theo được ngành học, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp… của từng ngành, chuyên ngành. Từ đó, học sinh có thể xây dựng nền tảng về tổng quan ngành, tố chất phù hợp với ngành, chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, các trường đại học có nhiều hình thức đồng hành cùng học sinh THPT. Chẳng hạn, Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức buổi tham quan cơ sở vật chất của trường và tọa đàm liên quan đến ngành nghề mà học sinh quan tâm.

Theo ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương (HUTECH), các nền tảng mạng xã hội luôn có công cụ kiểm duyệt nội dung xấu, độc hại, mang tính công kích, đả phá… nên ai review không đúng, đi ngược tiêu chuẩn cộng đồng, có thể bị xóa kênh vĩnh viễn.

Mặt khác, nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng quy định những cư xử chuẩn mực nhất trên không gian này. Do đó, bạn trẻ làm “reviewer” nên chú ý các quy định về pháp luật và quy tắc ứng xử trên mạng để tránh rơi vào sự việc đáng tiếc như một số trường hợp vừa qua.

Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa, đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, và Thành phố Đà Nẵng, đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI, theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và dự phòng các tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh cũng như xử lý những tình huống bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới.
Ngày 3/5, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5, thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Riêng thí sinh tự do sẽ đăng ký trực tiếp.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường học phối hợp với cơ quan công an triển khai cấp thẻ căn cước công dân cho học sinh trong độ tuổi tham gia các kỳ thi sắp tới.
Chiều 28/4, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội xảy ra lỗi hệ thống khiến hơn 6.500 thí sinh không thể hoàn thành bài thi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề