Các trường đại học tuyển sinh thế nào?

Hôm qua, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đại diện các trường đại học (ĐH) khẳng định những thay đổi của kì thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến tuyển sinh. Vì hiện nay các trường đều đa dạng hóa các phương thức xét tuyển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết từ năm 2025, trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức, nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành, trường. Ông Triệu thông tin thêm dự kiến sẽ chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và kết quả kì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp với một số tiêu chí khác mà trường ĐH Kinh tế Quốc dân đang sử dụng như chứng chỉ ngoại ngữ.

Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Nghiêm Huê

PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương cho rằng, 6 phương thức xét tuyển hiện nay của trường đã tương thích với sự biến động, thay đổi cần thiết của chương trình giáo dục phổ thông. Từ năm 2025 phương thức tuyển sinh của trường không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi tổ hợp xét tuyển.

Đại diện trường ĐH Nha Trang cho biết, trường định hướng xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn bắt buộc của kì thi tốt nghiệp THPT cộng thêm 1 - 2 môn trong số các môn lựa chọn để phù hợp với ngành đào tạo cụ thể. Trong đó, các môn lựa chọn trường cân nhắc dựa trên thực tế số học sinh được theo học trong chương trình học bậc THPT trước đó.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội mong muốn sắp tới các trường y dược sẽ có một kì thi riêng hoặc một bộ công cụ đánh giá chung để tuyển sinh. Điều này sẽ có lợi cho người học khi các trường khối ngành sức khỏe cùng lọc ảo, nên có thể luân chuyển từ trường nọ sang trường kia, thi riêng sẽ không làm được điều đó vì thước đo đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được, theo GS Tú, trường ĐH Y Hà Nội sẽ sử dụng ngân hàng đề của các tổ chức đủ tin cậy của hệ thống để tuyển sinh ở một số ngành có tỉ lệ cạnh tranh cao như Y khoa, Răng Hàm Mặt. Các ngành khác có thể sử dụng các phương thức như hiện nay.

Trường chủ yếu xét học bạ không ảnh hưởng

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng phương án thi tốt nghiệp 2+2 sẽ phá vỡ tổ hợp xét tuyển truyền thống. Kì thi đánh giá tư duy sẽ dần dần trở thành nòng cốt trong tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội. ĐH này sẽ sử dụng một số tổ hợp từ kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh một số ngành phục vụ kinh tế địa phương như Kĩ thuật Hóa học, Kĩ thuật cơ khí nếu kì thi vẫn được tổ chức ở cấp quốc gia và nghiêm túc. Ông Điền cho rằng sau năm 2024, các trường top trên sẽ tập trung sử dụng kết quả các kì thi riêng đáng tin cậy, còn các trường sử dụng học bạ thì không ảnh hưởng.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc thi cử phải đảm bảo chất lượng, mục tiêu, giảm sự tốn kém không giảm chất lượng. GS Minh ủng hộ thi 2 + 2 dựa trên những dữ liệu mà ông có được.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS Lê Huy Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng phương án 2 + 2 đảm bảo nguyên tắc cân bằng trong lựa chọn của học sinh thuộc về Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như định hướng về Khoa học Kỹ thuật Công nghệ.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Quốc hội cho rằng chương trình thay đổi thì thi cử phải thay đổi cả về nội dung và hình thức. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm đưa ra kế hoạch tổng thể để đáp ứng các điều kiện như mục tiêu của giáo dục, mục tiêu để tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH hay kết hợp cả hai.

Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.
Ở phương án tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường đang tính toán lại tổ hợp môn để thuận lợi cho thí sinh.
Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thi theo cấu trúc dạng đề trắc nghiệm mới. Cùng với đó là số lượng môn thi giảm nên thí sinh, các trường THPT, trường ĐH rất mong có hướng dẫn sớm từ Bộ GD&ĐT.
Năm 2025, nhà trường dự kiến tăng 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024 và tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành như Y học cổ truyền, Điều dưỡng và Dược học
Từ năm 2025, một số môn học mới xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT. Trường đại học (ĐH) điều chỉnh số lượng tổ hợp tuyển sinh sẽ tác động tới việc thí sinh lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn trong tổng số 4 môn thi. Từ năm 2025, số tổ hợp giảm, song những tổ hợp chính vẫn tồn tại, nên không ảnh hưởng quá lớn tới thí sinh và các trường ĐH xét tuyển.
Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 và phương hướng từ năm 2025” vào ngày 6/10/2024, tại Trường ĐH An Giang.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.