Các trường đại học tuyển sinh năm 2023 ra sao?

Nhiều trường đại học bắt đầu xây dựng phương án tuyển sinh năm 2023, tuy vậy vẫn phải vừa làm vừa chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để tránh rơi vào thế “việt vị”.

Năm 2023, đa phần các trường đại học (ĐH) trong khối công lập dự kiến giữ ổn định đề án tuyển sinh, duy trì khoảng 2-4 phương thức xét tuyển chính và không xây dựng thêm các phương thức mới theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. 

Không thay đổi quá nhiều

Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - Ảnh: P.T

Năm 2023, đa phần các trường đại học (ĐH) trong khối công lập dự kiến giữ ổn định đề án tuyển sinh, duy trì khoảng 2-4 phương thức xét tuyển chính và không xây dựng thêm các phương thức mới theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. 

Ông Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - thông tin: Năm 2023, trường tiếp tục duy trì 4 phương thức xét tuyển cho 43 ngành học là: xét điểm học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng.

Đối với phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng và xét học bạ), trường có đổi mới là nhận hồ sơ online hoàn toàn. Thí sinh chỉ cần tải bản chụp học bạ của 5 học kỳ THPT, chứng chỉ tiếng Anh (nếu có) lên phần mềm xét tuyển của trường, không phải in ra và gửi trực tiếp như những năm trước. “Tất nhiên, thí sinh tự chịu trách nhiệm về những thông tin đã đăng ký, nếu phát hiện gian lận thì kết quả xét tuyển sẽ bị hủy bỏ và xử lý theo quy chế” - ông Trần Thanh Thưởng nói.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng duy trì các phương thức cũ nhưng điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức. Trong đó dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp từ 40% của năm 2022 xuống còn khoảng 20 - 30% trong năm 2023. Phương thức xét học bạ cũng giảm còn khoảng 30 - 35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh. Đối với các ngành như công nghệ thực phẩm, marketing… sẽ có thêm tiêu chí phụ để xét tuyển. Ngược lại, sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển cho 2 phương thức là điểm đánh giá năng lực (20 - 30%) và xét tuyển thẳng kết hợp xét học bạ (10 - 15%).

Phương thức tuyển sinh của các trường trong khối ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến không có biến động. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho biết năm 2023, trường tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển riêng như năm ngoái. Theo đó, vẫn dành phần lớn chỉ tiêu (lên đến 90%) cho phương thức xét tuyển tổng hợp, bao gồm các tiêu chí về học lực (điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, kết quả học tập THPT), năng lực khác và hoạt động xã hội.

Theo ông Bùi Hoài Thắng, phương thức này có rắc rối là phụ huynh, học sinh khó tính toán được khả năng đậu là bao nhiêu vì không có điểm chuẩn cụ thể để đối sánh. Tuy vậy, đây là phương thức tuyển sinh mà các trường ĐH trên thế giới đều đã thực hiện, giúp đánh giá toàn diện năng lực người học.

Vẫn phải "ngóng" hướng dẫn của bộ 

Theo Bộ GD-ĐT, năm nay không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Tuy vậy, dự kiến không xét tuyển sớm, mà mọi phương thức được xét cùng 1 đợt. Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho hay trường đã có kế hoạch nhận hồ sơ các phương thức xét tuyển sớm từ ngày 1/3 đến 6/6/2023 và công bố kết quả vào ngày 30/6. Tuy vậy, với dự tính mới của bộ là không xét tuyển sớm thì trường vẫn chưa thể chốt được mốc công bố kết quả mà phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Còn ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - lại băn khoăn về việc bộ dự kiến xét cùng 1 đợt với tất cả phương thức. Bởi như năm 2022 thì các phương thức xét tuyển sớm đã được nhà trường công bố kết quả trước rồi mới nhập thông tin những trường hợp trúng tuyển lên hệ thống chung. Nếu năm 2023 đưa tất cả phương thức lên hệ thống chung rồi mới cho ra kết quả thì không hiểu sẽ xét như thế nào, vì thang điểm của mỗi phương thức là khác nhau. Do đó, bộ cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các trường chủ động xây dựng đề án tuyển sinh, tránh “việt vị” như năm trước. 

Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho rằng nếu dồn việc xét tuyển tất cả phương thức vào một thời điểm thì có thể gây quá tải cho các trường. Chưa kể, với những học sinh giỏi nếu nắm chắc suất trúng tuyển sớm sẽ giúp các em thoải mái tâm lý hơn, thay vì tất cả phải chờ đến “giờ G”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trí - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - nhận xét nếu không cho xét tuyển sớm thì các trường sẽ bị động hơn vì chỉ tiêu cho xét tuyển sớm chiếm khoảng 30 - 40%. Tuy vậy, trường sẽ không quá bỡ ngỡ vì năm trước các phương thức xét tuyển sớm đều phải đưa lên hệ thống chung. Với thí sinh, việc xét tuyển đồng thời các phương thức cũng có lợi vì các em không cần băn khoăn chọn phương thức nào tốt hơn mà phần mềm sẽ chọn giúp.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, cần nhất là bộ sớm công bố các mốc xét tuyển để giúp nhà trường và thí sinh chủ động. “Việc công bố sớm ở thời điểm học sinh còn đi học cũng giúp các trường THPT phổ biến thông tin tuyển sinh và hỗ trợ học sinh đầy đủ, kịp thời hơn. Đồng thời, tất cả các bước xét tuyển nên rút ngắn trong tháng Tám thay vì kéo dài đến cuối tháng Chín, đầu tháng Mười như năm trước, khiến kế hoạch đào tạo của nhiều trường bị xáo trộn” - ông Nguyễn Minh Trí góp ý. 

Nhiều trường mở thêm ngành mới

Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM dự kiến tuyển sinh mới 5 ngành đào tạo bậc ĐH, gồm: khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính, luật, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, trường cũng đang rà soát, có thể dừng một số ngành học mà hằng năm có số thí sinh đăng ký quá ít nhằm tập trung đào tạo các ngành mở mới và hiện có.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) vừa lập Khoa Y dược cổ truyền, nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa. Khoa dự kiến tuyển sinh từ năm học 2023-2024, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền.

Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) cũng dự kiến mở mới 4 ngành, gồm 2 ngành chuyên khoa 1 (dược lý và dược lâm sàng, tổ chức quản lý dược) và 2 ngành truyền thông đa phương tiện, kinh doanh quốc tế. Mỗi ngành dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu.

Theo Phương Thanh/PNO

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ; thậm chí có phụ huynh lo ngại sẽ bỏ xét tuyển đại học bằng IELTS như tuyển sinh lớp 10. Theo các chuyên gia, xu hướng chung thì sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trong năm 2024, có hơn 100 trường đại học công bố tuyển sinh bằng học bạ. Trong đó, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tuyển sinh bằng học bạ, áp dụng ở một số ngành.
Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22.3, Bộ GD-ĐT công bố một loạt văn bản quan trọng về thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có hướng dẫn tổ chức kỳ thi, lịch thi; đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ban Tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự năm 2024.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề