Bỏ quy định chương trình chất lượng cao: Đã có cái mới thay thế

Dù quy định về bỏ chương trình chất lượng cao của Bộ GD-ĐT có hiệu lực vào cuối năm 2023 nhưng nhiều trường ĐH đã có kế hoạch về chương trình mới thay thế. Thậm chí, một số trường đã kịp thời chuyển đổi chương trình này ngay từ khóa tuyển sinh 2023 với các tên gọi khác.

Dừng tuyển sinh chất lượng cao từ năm 2023

Từ năm 2023, một số trường ĐH tại TP.HCM bắt đầu dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao (CLC), thay vào đó là các chương trình khác. Chẳng hạn, năm nay Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh chương trình tiếng Anh bán phần, chương trình tiếng Anh toàn phần (thay vì CLC như năm trước) trên nền tảng một chương trình chuẩn.

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho biết từ cuối năm 2022 trường đã quyết định dùng tên gọi "chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh" thay cho CLC để thể hiện đúng tinh thần quốc tế hóa của trường. Hiện nhà trường có 20 ngành được phê duyệt dạy bằng tiếng Anh ở tất cả các khoa để triển khai từ khóa tuyển sinh năm 2023.

Sinh viên tham gia chương trình cần có IELTS 6.0 ngay từ đầu vào để theo học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh (ngoại trừ học phần chính trị và giáo dục thể chất). Khi tốt nghiệp, sinh viên có chuẩn đầu ra cao hơn từ các học phần nâng cao, tăng cường nghiên cứu khoa học, triển khai đề tài áp dụng thực tiễn… "Trường đã tuyển dụng giảng viên người nước ngoài làm việc toàn thời gian tại trường để thực hiện việc chuyển đổi này", ông Thắng nói thêm.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng mới từ năm học 2023 - 2024. Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên trường này, cho biết trường đã cấu trúc lại các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo CLC chuyển thành chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Trong số 14 ngành, hiện 7 ngành có song song hai chương trình.

Thạc sĩ Tiến cho biết cả hai chương trình mới này đều có những tiêu chuẩn nâng cao so với các chương trình trước đây. Cụ thể, cấu trúc chương trình đào tạo mới có nội dung đề cương giảng dạy theo định hướng nghiên cứu gắn liền thực tiễn, phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại, giúp người học hoàn thiện các kỹ năng phát triển bản thân. Ngoài ra, sĩ số lớp học chương trình chuẩn tiếng Việt tối đa 60 sinh viên và chương trình chuẩn tiếng Anh 40 sinh viên…

Học phí cao hơn vẫn thu hút người học

Trong khi đó, một số trường ĐH hiện vẫn áp dụng chương trình CLC hết khóa tuyển sinh năm nay và dự kiến chuyển đổi từ khóa tuyển sinh năm 2024.

Chương trình CLC ở các trường có mức học phí gấp khoảng 1,5 - 2 lần chương trình đại trà, nhưng điểm chuẩn nhiều ngành vẫn tương đương nhau giữa hai chương trình. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trước quy định dừng chương trình CLC của Bộ GD-ĐT, trường đang làm đề án chuyển đổi sang chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. "Hiện điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng cho tất cả ngành học theo định hướng mới. Nhưng trong tương lai, trường chỉ hướng đào tạo theo một chuẩn chung quốc tế để người học có đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế", ông Hạ cho hay. Cũng theo vị Phó hiệu trưởng này, chương trình chuẩn quốc tế vẫn sẽ tiệm cận với chương trình CLC nhưng hướng đến chuẩn đầu ra cao hơn.

Theo đánh giá của nhiều trường ĐH, chương trình đào tạo CLC ngày càng có sự thay đổi về chất khi không chỉ cung cấp dịch vụ học tập tốt hơn, mà còn tăng mạnh về điểm chuẩn đầu vào. Dù chương trình CLC ở các trường có mức học phí gấp khoảng 1,5 - 2 lần chương trình đại trà, nhưng điểm chuẩn nhiều ngành vẫn tương đương nhau giữa hai chương trình.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết học phí chương trình giảng dạy tiếng Anh trường được định mức thu theo tinh thần tự chủ cho các ngành đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Theo lộ trình cũ của chương trình CLC, học phí chương trình giảng dạy tiếng Anh năm 2023 sẽ là 80 triệu đồng/năm. Học phí chương trình chất lượng cao năm nay của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ở mức 60 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thu 40 triệu đồng/năm…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết thực tế những năm gần đây quá trình tuyển sinh đầu vào của chương trình CLC có mức độ cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí cao hơn chương trình đại trà ở một số ngành. Điều này thể hiện thông qua điểm chuẩn và xuất phát từ tâm lý của phụ huynh khi lựa chọn một chương trình học tốt hơn. Ông Nhân cho biết từ năm 2020 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn một số ngành CLC của trường cao hơn đại trà như công nghệ kỹ thuật môi trường.

Theo Hà Ánh/ TNO

Tin cùng chuyên mục

Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 toàn TP Hồ Chí Minh có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có 74.581 thí sinh THPT, 9.465 thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều đặc biệt là có đến 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C khi (cùng tổng điểm), trong đó, 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Cả nước có gần 11.000 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất. So với năm 2023, số điểm 10 năm nay giảm nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mức điểm cao nhất theo khối thi truyền thống khối C cao nhất với 29,75 điểm, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7. Mời bạn đọc vào đây để xem kết quả
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề