4 cô sinh viên khởi nghiệp: quà tặng cho phái mạnh

Từ một buổi cà phê "tìm việc vì nghèo", Nguyễn Hạnh Dung, Nguyễn Phan Hiền Linh, Nguyễn Hà Uyên và Hà Diệu Anh (cùng 20 tuổi), là sinh viên năm 3 ngành quản trị marketing chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đã mở ra một thương hiệu quà tặng riêng cho các bạn nam.

Ý tưởng thú vị

Tháng 4.2024, trong một buổi đi chơi, 4 cô gái lúc đó học năm 2, đang thất nghiệp đùa rằng: "Dạo này nghèo quá, tụi mình phải kiếm gì làm thôi". Chợt họ nghĩ đến đặc điểm chung: khéo tay và thích làm đồ handmade. Vì vậy, cả nhóm quyết định làm những hộp quà xinh xắn dành riêng cho các bạn nam.

4 cô sinh viên khởi nghiệp: quà tặng cho phái mạnh

Từ trái qua: Hà Uyên - Diệu Anh - Hiền Linh - Hạnh Dung bên các hộp quà tặng dành riêng cho phái mạnh. ẢNH: NVCC

Khi được hỏi về lý do, các bạn cho biết ý tưởng này xuất phát từ dịp Boy's Day 6.4 - một ngày lễ đặc biệt dành cho các bạn trai. Vào ngày này, các bạn nữ thường đau đầu vì không biết nên tặng gì cho "phe đầu đinh". Bốn cô gái bèn làm một số hộp quà với hình dáng giống các môn thể thao mà các bạn nam thường chơi. Chẳng hạn như: Rô-llection (dành cho các bạn thích bóng rổ), Cơ-llection (cho những bạn chơi bi da), và Sóc-llection (cho các bạn mê bóng đá). Mỗi hộp quà đều được thiết kế cẩn thận và tỉ mỉ, bên trong có thú bông "hot trend" và bánh kẹo đủ làm các anh chàng thích mê.

Bộ sưu tập này được đặt tên là "Redflag", ám chỉ góc nhìn hóm hỉnh của các bạn nữ về những đặc điểm riêng của các bạn nam chơi các môn thể thao khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng, các bạn nữ vẫn rất yêu mến và trân trọng cá tính riêng của họ.

Ngay khi vừa ra mắt, hộp quà làm từ bìa cứng và giấy này được đông đảo sinh viên các trường đón nhận. Họ cho rằng những món quà này rất độc lạ, chất lượng, chưa từng có trên thị trường nên đặt hàng rất đông.

Hà Uyên tâm tình có nhiều đơn các bạn tự tay đi giao hàng. Trong đó, có một số bạn nữ ở xa cũng đặt hàng tặng cho người yêu đang học hay làm việc tại Hà Nội. Những lần giao hàng đặc biệt này, không chỉ đóng vai trò là "shipper", các cô gái còn thay mặt các bạn nữ đưa quà cho người thương.

"Mỗi lần giao xong, tụi mình đều trốn vào một góc để xem biểu cảm của các bạn nam khi mở quà sẽ như thế nào. Lần nào tụi mình cũng thấy vui, hạnh phúc khi nhìn các bạn nam cười tủm tỉm, tỏ vẻ yêu thích món quà. Đó là động lực quý giá giúp tụi mình tiếp tục phát triển", Uyên kể.

Lần khởi nghiệp đầu tiên

Lần đầu khởi nghiệp của các cô gái gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là việc cân bằng và quản lý thời gian. Ban đầu, trước khi khởi nghiệp, cả nhóm hứa với nhau rằng dù có bận rộn thế nào cũng sẽ đặt việc học lên hàng đầu.

4 cô sinh viên khởi nghiệp: quà tặng cho phái mạnh

Món quà tặng độc đáo được đông đảo sinh viên các trường đón nhận. ẢNH: NVCC

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu mở bán, các cô gái bị quá tải với thời gian biểu dày đặc: sáng làm hộp cho khách, chiều đi học, tối về lại đóng đơn đến tận khuya. Mặc dù khá vất vả, cả nhóm luôn động viên nhau, cùng nhau sắp xếp lại lịch trình cho hợp lý và quản lý lượng đơn hàng chặt chẽ hơn.

"Bọn mình luôn ở cạnh và giúp đỡ lẫn nhau. Khi một thành viên bận việc thì các thành viên còn lại đều sẵn sàng hỗ trợ. Dần dần, bọn mình đã quy trình hóa cách thức hoạt động và cân đối lượng đơn dựa trên thời gian làm việc của cả 4 thành viên", Hiền Linh kể.

Không chỉ vậy, công việc mới mẻ này giúp các cô gái trong nhóm thấu hiểu nhau hơn. Trước đó, dù cùng sống ở Hà Nội, có rất nhiều bạn chung, nhưng mãi tới năm 2023, 4 bạn mới quen biết nhau. Trong một buổi cà phê ngẫu hứng do tan học sớm, các bạn làm quen, sau đó lập một nhóm chat để chia sẻ. Sau đó, họ đăng ký học chung môn cùng nhau, ngồi cạnh nhau khi đến trường nên dần thân từ lúc nào không hay.

"Khi 4 đứa khởi nghiệp nhiều người trêu rằng "Bạn bè dính đến tiền là dễ nghỉ chơi lắm" nên dù thân, luôn thoải mái với nhau thì 4 cô gái vẫn rất nghiêm túc trong công việc và có trách nhiệm với những gì nhóm làm. "Trộm vía" sau 5 tháng khởi nghiệp đến giờ 4 đứa vẫn thương nhau", Diệu Anh nói.

Cả nhóm cho rằng dự án này không chỉ là một kỷ niệm đẹp trong quãng đời sinh viên mà còn là một bài học kinh nghiệm quý giá cho tương lai. Khi bắt tay vào làm, 4 cô gái mới hiểu được các bạn trẻ khởi nghiệp đã tài giỏi và nỗ lực thế nào.

Hạnh Dung chia sẻ: "Ban đầu, nhóm chỉ dự định bán trong thời gian ngắn để trải nghiệm, nhưng khi thấy sản phẩm được ủng hộ nhiệt tình, bọn mình đã cố gắng cân bằng việc học và duy trì bán các hộp quà handmade xinh xắn này. Nhờ vậy, tụi mình có dịp thử thách bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn và vận dụng những kiến thức đã học để trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới".

Cả nhóm mong rằng các bạn trẻ hãy mạnh dạn dám nghĩ, dám thử những điều mà mình đam mê và kiên trì theo đuổi đến tận cùng. Khởi đầu từ một cơ duyên tình cờ, nhưng trải nghiệm ấy đã giúp 4 thành viên gắn kết, học hỏi và được công nhận nhiều hơn. "Mọi người đừng ngại khi bắt đầu mà gặp phải khó khăn, vì ai rồi cũng phải bắt đầu từ đâu đó", Dung nói.

Sắp tới, nhóm sẽ sử dụng "doanh nghiệp nhỏ" này làm đề tài cho bài tập nhóm trong môn quản trị marketing. "Khi nghe tụi mình chia sẻ, thầy phụ trách khen ngợi và động viên cả nhóm rất nhiều", Dung kể.

Theo Phương Vy/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ R&D To Start-Up 2024 đã chính thức quay lại với tên gọi mới: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo công nghệ.
Vào trung tuần tháng 7/2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam – VietNipa tổ chức thành công chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Khởi nghiệp không dễ dàng và có thể đối diện thất bại. Vậy người trẻ có nên bước vào thương trường?
Bên cạnh không ít người trẻ khởi nghiệp thành công thì cũng có khá nhiều trường hợp thất bại. Đâu là những lý do khiến nhiều người phải sớm rời khỏi thương trường?
Khao khát tự lập, tích lũy kinh nghiệm và chinh phục thử thách, nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường
Chị Hồ Thị Hương (34 tuổi, người đồng bào Tà Ôi, trú tại xã Trung Sơn, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), là một trong những thanh niên tiêu biểu trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.