Xếp loại sinh viên tốt nghiệp, vì sao có sự trái ngược?

Một thực tế trái ngược được ghi nhận ở các trường ĐH hiện nay là tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp của sinh viên. Trong khi có những trường tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm trên 80% thì có nơi chỉ 5 - 6%. Đặc biệt, có những đơn vị trong một số năm học không có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Chênh lệch đáng kể

Tại đợt trao bằng tốt nghiệp mới nhất của ĐH Kinh tế TP.HCM vào tháng 3 vừa qua, toàn trường có tổng số 4.934 sinh viên (SV) tốt nghiệp thì có tới 2.906 SV đạt loại giỏi, 107 SV loại xuất sắc, chiếm tỷ lệ 61,06%. Trước đó, vào tháng 3.2023, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của trường là 48,1%, (2.057 giỏi, 46 xuất sắc trên tổng số 4.372 SV) và chỉ có 42 SV tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 9,6%. Đợt trao bằng tháng 6.2023 tỷ lệ giỏi và xuất sắc cũng chiếm 41,88% (1.090 giỏi, 99 xuất sắc trên tổng số 2.839 SV). Nếu so sánh với đợt tốt nghiệp tháng 6.2015 của trường, trong số 2.584 tân cử nhân thì loại xuất sắc chỉ có 2 SV (0,08%), giỏi có 631 SV (24,42%), chưa bằng một nửa hiện tại.

Đáng chú ý, tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, trong số hơn 1.000 tân cử nhân đợt 1 năm 2024 hệ chính quy có tới 34,4% SV tốt nghiệp loại xuất sắc, 48,2% SV tốt nghiệp loại giỏi, tổng xuất sắc và giỏi chiếm tới 82,6%. Tỷ lệ khá và trung bình chỉ chiếm 17,4%.

Tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp của sinh viên có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường và khối ngành. NGỌC DƯƠNG

Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của Trường ĐH Hoa Sen đợt tháng 2 vừa qua chiếm gần 50% trong khi vào tháng 8.2022 chỉ hơn 30%. Còn tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM tỷ lệ này tại đợt tốt nghiệp tháng 12.2023 ở các ngành quản trị kinh doanh marketing, kinh doanh quốc tế... là 40,3%.

Trong khi đó, theo số liệu được cung cấp từ Ban Đào tạo ĐH, tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp chung của toàn hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 cho thấy chỉ có 1,5% xuất sắc; 28,6% giỏi; 56,7% khá và 13,2% trung bình. Như vậy, trong gần 15.000 SV tốt nghiệp trong toàn hệ thống, tỷ lệ giỏi và xuất sắc chiếm 30,1%.

Nhiều trường ĐH khác cũng ghi nhận số SV tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc không cao, trên dưới 20%. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm ngoái tỷ lệ SV tốt nghiệp xuất sắc chiếm 0,28% và loại giỏi 22,34%.

Trong 3 đợt trao bằng tốt nghiệp năm 2023 của Trường ĐH Sài Gòn, trong tổng số 3.564 SV có 666 SV tốt nghiệp giỏi và xuất sắc (chiếm trên 18,6%). Tương tự, số SV tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng khá thấp. Trong đợt tốt nghiệp tháng 7.2023 có 2.025 SV được trao bằng thì 219 SV loại giỏi và xuất sắc (chiếm khoảng 10,8%).

Trong nhiều năm liền SV tốt nghiệp loại khá và trung bình tại Trường ĐH Luật TP.HCM luôn chiếm trên 80%. Cụ thể, đợt trao bằng tháng 8.2023, trong tổng 1.482 SV hệ chính quy, chỉ có 6 SV xuất sắc và 258 SV giỏi. Số SV trung bình và khá chiếm đa số với trên 82%, trong khi lượng SV giỏi và xuất sắc chỉ chiếm chưa tới 18%. Đợt trao bằng tháng 10.2022, trường này cũng chỉ ghi nhận 0,39% SV xuất sắc và 15,66% SV giỏi. Năm 2021, tỷ lệ SV xuất sắc ở mức thấp hơn với 0,17% và giỏi 12,02%.

Trong nhiều đợt trao bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tỷ lệ SV xếp loại từ giỏi trở lên chỉ chiếm trên 10%. Đợt tốt nghiệp tháng 5 năm nay, trường trao bằng cho 3.088 SV nhưng chỉ có 1 SV xuất sắc và 203 SV giỏi (chiếm 6,6%). Trước đó, trong đợt trao bằng hồi tháng 11.2023 cho 3.577 SV, chỉ có 421 người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc (chiếm tỷ lệ 11,7%). Đợt tháng 5.2023, trong số gần 2.300 SV được trao bằng chỉ có 267 SV loại giỏi và xuất sắc (đạt tỷ lệ 11,6%). Trước đó, tháng 10.2022, trong hơn 3.100 SV tốt nghiệp trường này chỉ 1 em xếp loại xuất sắc và 374 em loại giỏi (chiếm 12%).

Sinh viên trong giờ thực hành. HÀ ÁNH

Nhiều ngành không có SV xuất sắc

Trong đợt trao bằng tháng 9 năm ngoái của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trong số hơn 800 SV nhận bằng, tỷ lệ giỏi và xuất sắc chỉ hơn 5%. SV xếp loại khá cũng chỉ chiếm chưa tới 36% toàn đợt. Cũng tại trường này, đợt trao bằng tháng 4.2023, trong số hơn 1.200 tân kỹ sư và kiến trúc sư chỉ có 7 SV tốt nghiệp xuất sắc và 69 SV giỏi (hơn 6% toàn đợt).

Đặc biệt, có những đợt tốt nghiệp không có SV xếp loại xuất sắc. Chẳng hạn, trong đợt trao bằng tháng 10 năm ngoái, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) có 132 SV tốt nghiệp ngành y khoa và 55 SV ngành dược học, không có SV loại xuất sắc. Trong tổng 187 SV tốt nghiệp, chỉ 10,7% loại giỏi. Trong đó, ngành y khoa trên 6% và dược học chiếm gần 22%.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm học 2020 - 2021 cũng không có SV tốt nghiệp loại xuất sắc, tỷ lệ giỏi cũng chỉ chiếm 6,91%. Năm học 2021 - 2022, trường này cũng không có SV xuất sắc, loại giỏi chiếm 11,84%. Đến năm học 2022 - 2023, trường có SV tốt nghiệp xuất sắc nhưng chỉ chiếm 0,06% và giỏi 14,36%.

Đầu vào chất lượng, đầu ra sẽ giỏi ?

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng có một số lý do khiến cho số lượng SV tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc tại trường ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Lý do thứ hai, theo ông Hùng, thế hệ SV thời nay nhiều em xây dựng được mục tiêu, kế hoạch và lộ trình học tập rất tốt. "Môi trường học ĐH năng động, có cố vấn học tập để theo sát hỗ trợ các em thực hiện được mục tiêu. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo ĐH của trường được kiểm định trong nước và quốc tế cũng là một yếu tố khiến cho chất lượng đào tạo tăng lên", ông Hùng chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, ở ĐH Quốc gia TP.HCM, tỷ lệ SV giỏi, xuất sắc không cao dù điểm chuẩn đầu vào ở mức cao. Tỷ lệ chọi tuyển sinh ĐH chính quy đầu vào năm 2023 của ĐH này là 1/3,71. Mức điểm trung bình trúng tuyển ĐH chính quy (chưa tính điểm ưu tiên và không nhân hệ số) năm 2023 ở mức thấp nhất là 21,93 điểm và cao nhất là 28,14 điểm. Thế nhưng kết quả xếp loại tốt nghiệp của SV như trên phân tích, lại không cao.

Cũng là một trường có đầu vào cao nhưng tỷ lệ SV tốt nghiệp giỏi và xuất sắc của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong khoảng 25 - 30%. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho rằng: "Xếp loại SV tốt nghiệp là kết quả quá trình đào tạo kết hợp với đầu vào. Một kết quả xếp loại bình thường thì tỷ lệ người học ở mức khá chiếm số đông mới là bình thường, 2 khoảng trên và dưới mức này phải thấp hơn". Do đó, thạc sĩ Quốc cho hay: "Nếu có sự khác biệt quá lớn về tỷ lệ này thì có thể từ đầu vào, quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra có chỗ không khớp. Trường cần thực hiện rà soát lại chương trình đào tạo, tìm được nguyên nhân để điều chỉnh cho phù hợp".

Đánh giá chung về xếp loại tốt nghiệp bậc ĐH, tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng kết quả của một trường ĐH phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, trường đó đào tạo lĩnh vực nào, ngành nào. Bởi nhìn chung, các trường và ngành đào tạo về kinh tế, kinh doanh quản lý thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn các ngành học công nghệ kỹ thuật. Khi việc học nhẹ hơn thì kết quả học tập sẽ cao hơn. (còn tiếp) 

Giảm SV xếp hạng trung bình

Ở một số trường, tỷ lệ SV xuất sắc và giỏi tăng không nhiều nhưng loại trung bình giảm rất nhiều. Chẳng hạn, khóa 2017 - 2021 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có 0,36% SV loại xuất sắc, 12,04% SV loại giỏi thì khóa 2018 - 2022 tỷ lệ này là 1,25% và 28,05%, đến khóa 2019 - 2023 là 1,78% và 36,76%. Song, tỷ lệ tốt nghiệp loại trung bình qua các năm giảm từ 12,55% (2021) xuống 2,01% (2022) và chỉ còn 1,19% năm 2023.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong lễ tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng 8.2023, trong số 1.482 tân cử nhân thì có 6 SV xuất sắc, 258 đạt loại giỏi, 1.155 đạt loại khá và chỉ 63 SV đạt loại trung bình.

Theo Mỹ Quyên - Hà Ánh/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Dù học phí đào tạo bác sĩ ở Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong các khối ngành, lương ban đầu được xem khá thấp nhưng ngành y vẫn luôn thu hút người học.
Bộ Y tế từng thống kê, sau dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế ghi nhận gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng lớn nhân viên y tế nghỉ việc là thu nhập quá thấp so với mức sống.
Vài năm gần đây, hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc để chuyển qua bệnh viện tư.
Hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản như ngành sư phạm.
Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.Tin liên quan
Hiện nay ngày càng nhiều thí sinh vừa đỗ ĐH đã đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh theo quy định. Tỷ lệ này ngày càng tăng qua từng năm, có trường tới 50 - 70%.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.