Số thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng cao. ẢNH: NHẬT THỊNH
Đặc biệt, có những trường tỷ lệ đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ chiếm tới gần 50% tổng SV trúng tuyển. PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm 2024 gần nửa số TS trúng tuyển đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên. Với chuẩn đầu ra tiếng Anh ở mức IELTS 6.0 - 6.5 điểm, gần 50% SV vừa trúng tuyển đã đạt chuẩn đầu ra. Từ năm 2021, số liệu thống kê của trường cũng cho thấy gần 50% TS trúng tuyển đều đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế với chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên hoặc tương đương.
Tăng dần theo các năm
Tình hình này cũng diễn ra với Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, kết quả thống kê trình độ ngoại ngữ của tân SV trúng tuyển năm 2024 cho thấy khoảng 30% đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường, tăng 5% so với năm 2023 và tăng 16,5% so với 2022.
Kết quả khảo sát của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho thấy số lượng SV đạt chuẩn ngoại ngữ tăng mạnh theo từng năm, đặc biệt là các chương trình đào tạo theo đề án như chương trình tiên tiến, chương trình tăng cường tiếng Anh. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê từ chương trình tiên tiến ngành khoa học máy tính và tăng cường tiếng Anh của Khoa Công nghệ thông tin, trên 38% tân SV nộp chứng chỉ IELTS để được công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tỷ lệ này tăng trên 6% so với khóa tuyển sinh năm 2023. Trong đó, khoảng 50% tân SV đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên và chứng chỉ cao nhất đạt 8.5.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) quy định điều kiện tiếng Anh đầu vào ở mức IELTS 5.0 và chuẩn đầu ra từ 6.0 - 6.5 tùy ngành. Ghi nhận từ trường ĐH này cho thấy năm nay có khoảng 30 - 40% SV vừa trúng tuyển đã đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Trong khi đó, các năm trước, tỷ lệ này khoảng 25 - 30%.
Tương tự, Trường ĐH Việt Đức yêu cầu SV đạt IELTS 5.0 hoặc tương đương trước khi bắt đầu năm học đại cương. Khi chuyển tiếp sang chuyên ngành, SV cần đạt IELTS 6.0 và trước khi đăng ký luận văn đạt trình độ từ A2 - B1 tiếng Đức tùy ngành. Thống kê từ trường ĐH này 4 năm qua cho thấy, TS trúng tuyển vào trường có chứng chỉ từ IELTS 5.0 liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể 61,5% (năm 2021); 70,7% (năm 2022); 77,3% (năm 2023) và 82,6% (năm 2024). Trong số này, SV vừa trúng tuyển vào trường có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra mức 6.0 cũng tăng mạnh từ 54% (năm 2021) lên 69,9% năm nay.
Một lớp luyện thi chứng chỉ SAT tại TP.HCM. Ngày càng nhiều học sinh, sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. ẢNH: NVCC
Nhiều yếu tố tác động
Đại diện các trường ĐH có những lý giải khác nhau trước sự chuyển biến mạnh mẽ nói trên.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển trình độ ngoại ngữ của người học qua từng năm. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng có thể do sự tác động của quy chế thi tốt nghiệp THPT cho phép TS sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời, nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh đầu vào. "Do đó, nhiều học sinh đã đầu tư học ngoại ngữ và thi chứng chỉ từ bậc THPT. Có thể nói đây là tín hiệu tích cực đến từ chính sách hợp lý của Bộ GD-ĐT góp phần phát triển khả năng ngoại ngữ của người học", tiến sĩ Minh Khang nhìn nhận.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lý giải: "Một phần do nhu cầu học tập, gia tăng số lượng TS theo học tại các chương trình đào tạo có giảng dạy bằng ngoại ngữ. Mặt khác, nhiều trường ĐH có phương thức tuyển sinh liên quan đến xét kết quả ngoại ngữ nên lượng tân SV có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra ngay khi nhập học cao".
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết một trong 5 phương thức tuyển sinh của trường có xét tuyển căn cứ trên các chứng chỉ ngoại ngữ. "Kết quả xét tuyển các năm cho thấy có sự thay đổi lớn về trình độ ngoại ngữ của TS trúng tuyển vào trường. Nếu như năm 2022, chỉ hơn 15% TS có chứng chỉ ngoại ngữ thì tỷ lệ này tăng lên hơn 23% vào năm 2024. Trong số các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS chiếm đến 70%", PGS Thụy thông tin.
Còn thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho rằng: "Có thể nói đó là kết quả trong khoảng 15 năm phụ huynh quan tâm đầu tư thời gian và tài chính cho việc học ngoại ngữ của con em mình. Kết quả thực hiện chủ trương nhà nước trong tăng cường đào tạo ngoại ngữ, triển khai các dự án đào tạo ngoại ngữ trong các trường từ mầm non đến bậc ĐH". Cũng theo thạc sĩ Tùng, trong xu thế hội nhập thế giới và làm việc xuyên quốc gia, việc học ngoại ngữ (trong đó có tiếng Anh) để giải quyết vấn đề sinh kế, cạnh tranh việc làm hiện nay và trong tương lai rất quan trọng. Vì vậy, SV ngày càng giỏi tiếng Anh và nhiều trường hợp đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ ngay khi còn học bậc phổ thông.
Gần 67.000 TS được miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Viện Khoa học giáo dục VN, Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia vừa công bố báo cáo về dạy, học ngoại ngữ tại VN đến năm 2023. Điểm trung bình kỳ thi IELTS học thuật (Academic) của người VN năm 2022 là 6.2. Trong số 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tổ chức kỳ thi (IELTS) vào năm 2022, thành tích của TS VN đứng thứ 23, cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ.
TS tham gia kỳ thi IELTS tại VN trong vòng 5 năm qua có độ tuổi ngày càng trẻ hơn, với nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy 62% học viên thi IELTS trong độ tuổi từ 16 - 22.
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), số lượng học sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ tăng hằng năm, từ 28.620 TS năm 2021, lên 35.391 TS năm 2022, đến 46.667 TS trong năm 2023, và năm 2024 là gần 67.000 TS.
Tận dụng lợi thế của chứng chỉ ngoại ngữ khi xét tuyển
Kỳ tuyển sinh năm 2025 sẽ có những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng xu hướng sử dụng kết quả chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh đầu vào ĐH dự kiến vẫn diễn ra trong thời gian tới. TS cần chủ động tận dụng lợi thế của chứng chỉ ngoại ngữ khi xét tuyển vào các ngành, trường yêu thích.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy
(Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Tăng cơ hội cho SV
SV có nhiều lợi thế khi sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm ngay khi trúng tuyển đầu vào. Điều này không chỉ giúp SV dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo nước ngoài, tham dự các lớp học giảng dạy bằng tiếng Anh hiệu quả mà còn tăng cơ hội tiếp cận với các chương trình giao lưu quốc tế…
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin -
Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Theo Hà Ánh/ Thanh niên