Vì sao trường ĐH không vì lợi nhuận chưa phát triển ở Việt Nam ?

Văn hóa quyên góp, hiến tặng tài chính vào giáo dục tồn tại từ lâu ở các nước phát triển. Phần lớn những trường ĐH nhận được hàng tỉ USD là những trường danh tiếng và hoạt động không vì lợi nhuận.

Tại VN, có hay không trường ĐH hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận (KVLN)?

Vì sao trường ĐH không vì lợi nhuận chưa phát triển ở Việt Nam ?

Sinh viên Trường ĐH Fulbright VN trong lễ tốt nghiệp

Thế nào là không vì lợi nhuận?

Năm 2012, lần đầu tiên mô hình "ĐH KVLN" được xác lập trong luật Giáo dục ĐH, sau đó được cụ thể hóa trong Nghị định 141 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2012 và Điều lệ trường ĐH năm 2014. Năm 2018, luật Giáo dục ĐH sửa đổi mới quy định cổ đông của trường ĐH KVLN phải cam kết hoàn toàn không hưởng lợi tức và phải được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục ĐH.

Cần nói thêm, trước đây khi chưa có luật Giáo dục ĐH 2012, VN hay sử dụng cụm từ "phi lợi nhuận", được dịch từ "non-profit" của nước ngoài. Tuy nhiên, do cụm từ này dễ bị hiểu lầm là trường "không có lợi nhuận", nên khi đi vào luật, VN sử dụng cụm từ "KVLN".

Theo thạc sĩ Châu Dương Quang (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), một nhà nghiên cứu về giáo dục ĐH tư thục, cụm từ "KVLN" chính xác hơn, vì trường vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận cao, nhưng tất cả lợi nhuận sẽ không được chia cho ai mà để tái đầu tư.

Ban đầu, luật Giáo dục ĐH 2012 định nghĩa "cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động KVLN là cơ sở giáo dục ĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH; các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ".

Tuy nhiên, luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 điều chỉnh thành "Cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động KVLN là cơ sở giáo dục ĐH mà nhà đầu tư cam kết hoạt động KVLN, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục ĐH; hoạt động KVLN, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH".

Trước khi luật Giáo dục ĐH 2012 được ban hành, có một số trường ĐH tư thục công bố với xã hội là trường mình hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận (tức KVLN) nhưng thực chất chưa được công nhận, chưa có quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục ĐH và cổ đông vẫn được chia cổ tức giá trị lớn.

Năm 2018, tại một văn bản đồng ý với Bộ GD-ĐT về việc hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập, chủ trương cho phép thành lập của 13 trường ĐH do quá thời hạn theo quy định (từ năm 2004 - 2013), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lúc bấy giờ đã yêu cầu trường hợp dự án đầu tư xây dựng trường ĐH đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành, có cam kết hoạt động KVLN và được UBND tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục triển khai, giao Bộ GD-ĐT xem xét, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy những trường ĐH tư thục muốn được thành lập phải cam kết hoạt động KVLN.

Vì sao trường ĐH không vì lợi nhuận chưa phát triển ở Việt Nam ?

Vì sao trường ĐH không vì lợi nhuận chưa phát triển ở Việt Nam ?

Theo chuyên gia, hiện nay Trường VinUni (phía trên) hay Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM hoạt động theo mô hình KVLN được vì chủ đầu tư đều là chủ tập đoàn bất động sản, có quỹ đất và có vốn. VINUNI- FACEBOOK NHÀ TRƯỜNG

Ưu đãi đất đai và thuế chưa rõ ràng

Trong thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án thành lập trường ĐH KVLN đang phải trầy trật với thủ tục đất đai mặc dù Nghị định 141 (năm 2013) hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH 2012 đã nêu: "Chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động KVLN gồm có ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước theo quy định của pháp luật".

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 cũng ghi rõ: "Thực hiện xã hội hóa giáo dục ĐH, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ĐH tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động KVLN; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục ĐH; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục ĐH, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên".

Ông Đỗ Quốc Anh, nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay có lẽ vẫn là vấn đề đất đai và vốn đầu tư. Ông Quốc Anh thông tin: "Khi muốn thành lập trường ĐH phải có 5 ha đất và 1.000 tỉ đồng. Hiện Trường VinUni hay Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM đã thành lập và đi vào hoạt động được vì chủ đầu tư đều là chủ tập đoàn bất động sản, có quỹ đất và có vốn. Những chủ đầu tư khác có vốn nhưng chưa chắc đã có đất "sạch" để xây trường vì việc tự giải tỏa đền bù đất cực kỳ khó".

Theo ông Quốc Anh, đầu tư để mở trường ĐH KVLN thì không phải chỉ ở vấn đề tiền và đất, mà phải thực sự có tâm huyết với giáo dục. "Tâm huyết ấy phải được kích thích bằng việc được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai. Nhà nước có thể dành ra một khu đất để các trường KVLN thuê, đất này phải là đất "sạch", không cần phải đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, trường KVLN không thể phát triển nhanh như trường lợi nhuận nên phải giảm vốn đầu tư ban đầu, thay vì 1.000 tỉ đồng thì chỉ cần 500 tỉ đồng. Các tập đoàn lớn nếu có tâm huyết làm giáo dục phi lợi nhuận thì phải được miễn giảm thuế. Có như vậy mô hình KVLN mới phát triển, đóng góp cho xã hội", ông Quốc Anh nhận định.

Không chỉ khó khăn về đất mà các ưu đãi về thuế nêu trong luật Giáo dục ĐH hay các nghị định hướng dẫn cũng chưa rõ ràng.

Thạc sĩ Châu Dương Quang chia sẻ: "Có lẽ Mỹ là một trong những nước có những quy định cụ thể nhất về vấn đề này. Cục Thuế Liên bang chỉ công nhận một ĐH là KVLN khi ĐH đó được cấp cơ chế miễn thuế. Và một trong những căn cứ quan trọng để quyết định cơ chế miễn thuế cho một ĐH tư thục là nguyên tắc không xung đột lợi ích. Cục thuế sẽ đánh giá các báo cáo tài chính, bảng lương của nhóm quản lý cấp cao, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của trường để xem xét liệu có xung đột lợi ích hay không".

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, cho rằng ở các nước có mô hình ĐH KVLN thành công, ưu đãi này được quy định rất chi tiết trong luật Thuế còn ở VN luật Thuế vẫn chưa đề cập. "Ở ta, đất cho giáo dục khó khăn, các nhà đầu tư phải ứng tiền di dời, đền bù giải tỏa, sau đó xây dựng trường thì số tiền không phải là 1.000 tỉ nữa mà gấp nhiều lần thế, chưa kể mất cả chục năm. Nhà đầu tư yếu vốn thì dù có tâm huyết với giáo dục và không nghĩ đến lợi nhuận cũng phải tính toán. Sau này nếu mô hình ĐH KVLN phát triển theo hướng kêu gọi đóng góp của mọi tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... thì luật Thuế phải có quy định rõ ràng để thu hút", ông Cảnh cho hay. (còn tiếp)

Những trường ĐH hoạt động KVLN

Thạc sĩ Châu Dương Quang nhận định: "Tính đến thời điểm này, trường ĐH tư thục KVLN được thành lập và đi vào hoạt động sau khi có quy định từ luật giáo dục ĐH 2012 đến luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018, hiện có VinUni và Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM. Bên cạnh đó, Trường ĐH Fulbright VN cũng được hình thành và hoạt động ban đầu dựa chủ yếu vào khoản tiền tài trợ từ Mỹ, và ngay từ đầu đã được cấp phép hoạt động theo mô hình trường ĐH KVLN.

Mới đây, ngày 29.3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Tâm Anh hoạt động KVLN đặt tại Long An do hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh làm chủ đầu tư. Trường này được triển khai xây dựng năm 2024 và dự kiến bắt đầu tuyển sinh vào năm 2026.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Vài năm gần đây, hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc để chuyển qua bệnh viện tư.
Hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản như ngành sư phạm.
Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.Tin liên quan
Hiện nay ngày càng nhiều thí sinh vừa đỗ ĐH đã đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh theo quy định. Tỷ lệ này ngày càng tăng qua từng năm, có trường tới 50 - 70%.
Ngày càng nhiều học sinh ôn luyện các bài thi như SAT, đánh giá năng lực ngay từ bậc THCS để "chắc suất" vào ĐH tốp đầu, trong bối cảnh nhiều trường chọn dùng kết quả này để tuyển sinh trong các năm qua.
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm định vị vị trí pháp lý và các điều kiện phát triển nhà giáo.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.