Vì sao liên thông lên ĐH chính quy còn đóng cửa với người tốt nghiệp trung cấp?

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật đều cho phép người học trung cấp đã học, thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định Bộ GD-ĐT được xét tuyển ĐH và liên thông lên ĐH, nhưng đối tượng này vẫn không được tiếp nhận tại nhiều trường ĐH.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, cho biết trong thời gian qua, khi tư vấn cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp tại trường, ông vẫn định hướng chọn con đường học trung cấp xong liên thông lên ĐH bằng hình thức vừa làm vừa học hoặc học từ xa. Lý do là vì liên thông lên ĐH chính quy cho đối tượng này vẫn còn chưa rõ ràng, nhiều trường yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Học sinh trung cấp trong tiết học văn hóa. H.T

Tương tự, tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho hay việc liên thông ĐH chính quy của học sinh tốt nghiệp trung cấp của trường gặp nhiều khó khăn. "Nhiều trường không tuyển sinh liên thông cho đối tượng không có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, các em tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nếu chỉ học khối lượng kiến thức văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định gồm 4 môn, thì không thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Muốn có bằng tốt nghiệp THPT, các em phải học 7 môn chương trình giáo dục thường xuyên".

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phúc, việc trường liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để cho các em học văn hóa gặp rất nhiều khó khăn do học sinh phải đến trung tâm và tuân thủ về chương trình học, thời gian bên đó. "Các em vừa phải đến trung tâm học văn hóa, vừa phải đến trường học nghề, đi lại rất bất tiện. Đồng thời, các em vốn đã không hứng thú học các môn văn hóa, nay phải học tới 7 môn dẫn đến chán nản, bỏ học".

Thật vậy, hiện nay nhiều trường ĐH thông báo tuyển sinh liên thông với điều kiện đầu vào là phải tốt nghiệp THPT. Điều này đồng nghĩa những thí sinh có bằng trung cấp, CĐ đồng thời phải có bằng tốt nghiệp THPT mới được đăng ký. Còn những thí sinh đã có bằng trung cấp, CĐ, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT (4 môn) lại không thuộc đối tượng tuyển sinh, mặc dù Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH.

Chẳng hạn, trong thông báo tuyển sinh liên thông trình độ chính quy năm 2023 của Trường ĐH Cần Thơ, đối tượng tuyển sinh là: người đã tốt nghiệp trình độ CĐ liên thông lên trình độ ĐH hình thức chính quy (người tốt nghiệp CĐ nghề không thuộc đối tượng này); người đã tốt nghiệp trình độ ĐH, học liên thông để nhận thêm một bằng tốt nghiệp ĐH hình thức chính quy. Không có đối tượng tốt nghiệp trung cấp.

Phương thức xét tuyển cho thí sinh tốt nghiệp CĐ là dựa vào kết quả học tập THPT (xét học bạ). Hồ sơ đăng ký bắt buộc phải có bản photo học bạ THPT hoặc bảng kết quả học tập THPT, bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp THPT.

Còn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tuyển sinh liên thông dành cho người tốt nghiệp trung cấp, CĐ nhưng yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và hồ sơ xét tuyển phải có bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp THPT, bản sao hợp lệ học bạ THPT.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì chỉ tuyển sinh liên thông với thí sinh đã tốt nghiệp CĐ.

Học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nếu chỉ học khối lượng kiến thức văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định gồm 4 môn, thì không thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Muốn có bằng tốt nghiệp THPT, các em phải học 7 môn chương trình giáo dục thường xuyên.. H.T

Không tuyển sẽ thiệt thòi cho người học

Lý giải về điều này, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng người có bằng trung cấp không phải là đối tượng liên thông tại trường do chuyên ngành học ở trung cấp khi liên thông lên ĐH không tương đương, việc xét miễn học phần tương đương rất khó. "Bên cạnh đó, các trường được tự chủ tuyển sinh nên việc xác định đối tượng liên thông là do các trường, có thể điều kiện thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT sẽ thuận lợi hơn khi học ĐH", thạc sĩ Khang cho hay.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, lại nhìn nhận: "Quy định về đào tạo liên thông cho phép học sinh tốt nghiệp trung cấp đã học và thi đủ khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định (4 môn-NV), được liên thông lên ĐH. Nếu các trường ĐH không cho đối tượng này liên thông là chưa làm đúng với quy chế".

Theo tiến sĩ Duy, do ngày nay không còn phân biệt ĐH hệ chính quy với hệ vừa làm vừa học, và do thí sinh liên thông đa số đang đi làm, nên Trường ĐH Đà Lạt chỉ tuyển sinh liên thông hệ vừa học vừa làm và có tuyển sinh người tốt nghiệp trung cấp đã hoàn thành đủ khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định.

Đại diện một trường ĐH khác cho hay, nếu liên thông ĐH mà không tuyển đối tượng đã tốt nghiệp THCS có bằng trung cấp là thiệt thòi cho các em. "Dù số lượng nhiều hay ít, miễn là các em có nhu cầu thì các trường ĐH nên tạo điều kiện để các em có thể học lên ĐH, do đây là quyền lợi chính đáng của các em", vị này nhận định.

Để góp phần tháo gỡ vướng mắc này, theo thạc sĩ Trần Phương, Bộ GD-ĐT nên tạo điều kiện cho người học bằng cách có văn bản công nhận bằng trung cấp tương đương với bằng tốt nghiệp THPT.

"Cụ thể, người học trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT thì bằng tốt nghiệp trung cấp được sử dụng thay cho bằng tốt nghiệp THPT để liên thông lên ĐH. Có như vậy, các trường ĐH mới 'mở cửa' cho đối tượng này. Lúc đó, người học xong THCS nếu muốn rẽ sang hướng học nghề sẽ an tâm hơn vì cơ hội học ĐH vẫn rộng mở trong tương lai", thạc sĩ Trần Phương nói.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề