Vì sao học phí y dược có ngành trên 70 triệu đồng/năm ?

Các trường ĐH đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe đã công bố học phí năm học 2022 - 2023. Trong đó, mức thu khối ngành đào tạo bác sĩ không ngừng tăng ở các trường. Nhiều ngành y dược nhóm trường công lập ngang ngửa khối trường tư thục.

Các trường ĐH công lập xác định học phí (HP) dựa vào Nghị định (NĐ) 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Theo NĐ này, khối ngành khoa học sức khỏe được chia thành 2 nhóm: y dược và các ngành khối sức khỏe khác. HP khối ngành này được tính theo các mức khác nhau tùy theo từng loại hình trường. Chẳng hạn năm học 2023 - 2024, nhóm các trường ĐH công lập chưa tự chủ có mức thu 20,9 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Nhóm thứ 2 gồm các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, HP từ 41,8 - 55,2 triệu đồng/năm. Nhóm thứ 3 áp dụng cho các trường công lập tự chủ hoàn toàn cả chi thường xuyên và chi đầu tư, mức thu từ 52,2 - 69 triệu đồng/năm.

Nhìn vào HP dự kiến áp dụng cho năm học 2023 - 2024 các trường ĐH công bố, hầu hết đều bám sát mức trần của NĐ 81. Chẳng hạn, Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) và Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng cùng công bố mức thu dự kiến năm tới từ 20,9 - 27,6 triệu đồng/năm. Năm trước đó, HP các trường này từ 18,5 - 24,5 triệu đồng/năm tùy ngành.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang soạn thảo lấy ý kiến trước khi công bố mức thu HP áp dụng cho năm học tới đây. Theo đó, nhóm ngành y khoa, răng - hàm - mặt và dược học dự kiến không vượt quá 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại dự kiến không vượt quá 41,8 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức HP tối đa theo trần quy định của Chính phủ cho nhóm trường tự chủ chi thường xuyên.

Cũng thuộc nhóm thứ 2 nhưng có đơn vị áp dụng mức thu thấp hơn từ vài trăm đến 1,8 triệu đồng tùy ngành so với trần quy định, như Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cụ thể, HP các ngành y khoa, dược, răng - hàm - mặt và y học cổ truyền dự kiến 55 triệu đồng/năm, ngành điều dưỡng 40 triệu đồng/năm.

Chưa công bố HP năm học mới nhưng năm 2022 Trường ĐH Trà Vinh thu học phí ngành răng - hàm - mặt 48 triệu đồng/năm, y khoa 45 triệu đồng, bác sĩ y học dự phòng 41,3 và các ngành còn lại 33 - 39 triệu đồng/năm.

Nhiều trường ĐH đã công bố HP năm học 2023-2024. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật

Trường ĐH Y dược Cần Thơ cũng đã công bố HP dự kiến trong đề án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, mức HP bình quân tối đa chương trình đại trà năm nay ở mức 37,6 triệu đồng. Như vậy, so với mức HP bình quân tối đa 24,6 triệu đồng của năm 2022, năm nay mức bình quân tăng lên 13 triệu đồng.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược Cần Thơ, trường hiện chưa chính thức thông qua mức HP của năm học 2022 - 2023. Con số 37,6 triệu đồng/năm trong đề án tuyển sinh là mức HP bình quân của tất cả các ngành thuộc chương trình đại trà, còn HP cụ thể có ngành cao hơn và có ngành thấp hơn mức này.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Phương, năm ngoái trường đã công bố mức tăng HP trong đó cao nhất trên 44 triệu đồng/năm với các ngành y khoa, răng - hàm - mặt và dược học. Tuy nhiên, sau khi thu, trường đã hoàn lại cho sinh viên theo Nghị quyết chính phủ trên tinh thần chia sẻ với người học.

Học phí nhóm trường tư thục có nơi hơn 100 triệu đồng/năm

HP các ngành khoa học sức khỏe ở nhóm trường tư thục khá cao.

Theo công bố trên website, Trường ĐH Tân Tạo công bố HP bình quân mỗi năm ngành y khoa lên tới 150 triệu đồng. Trong khi đó, 2 ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học chỉ ở mức 40 triệu đồng/năm. Sinh viên trúng tuyển năm nay vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đóng 180 triệu đồng/năm cho các ngành y khoa, răng - hàm - mặt; các ngành còn lại từ 55 - 90 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Phan Châu Trinh đã công bố quyết định giữ nguyên HP các ngành như năm 2022. Theo đó, y khoa thu 80 triệu đồng/năm, răng - hàm - mặt 85 triệu đồng/năm, các ngành còn lại từ 24 - 26 triệu đồng/năm. Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến HP ngành răng - hàm - mặt ở mức 85 - 98 triệu đồng/học kỳ. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngành dược học 18 - 20 triệu đồng/học kỳ...

"Trường thuộc nhóm tự chủ hoàn toàn nhưng HP năm nay có thể được xác định thấp hơn nhiều so với mức trần tối đa NĐ 81. Bởi bên cạnh NĐ, trường còn căn cứ trên chi phí đào tạo thực tế của trường", PGS Phương thông tin thêm.

 

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề