Tuyển sinh lớp 10: Sở GD-ĐT TP.HCM công bố thông tin mới nhất về đề thi

Sau cuộc họp hội đồng bộ môn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông báo chính thức về cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024, trong đó có điều chỉnh về đề ngữ văn.

Giáo viên hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. BẢO CHÂU

Ngày 29.2, sau khi họp hội đồng bộ môn ngữ văn bậc THCS và THPT, Sở GD-ĐT TP.HCM thống nhất với giáo viên mạng lưới các quận, huyện về định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Điều chỉnh yêu cầu về ngữ liệu trong nghị luận văn học

Thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 không thay đổi so với năm 2023 và Sở đưa ra định hướng cụ thể để học sinh ôn tập cho phần nghị luận văn học.

Cụ thể, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm) và thời gian làm bài là 120 phút.

Để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 năm nay, học sinh cần rèn luyện năng lực đọc hiểu thông qua việc lựa chọn các văn bản (báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học…) có nội phù hợp lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự… để luyện tập các kỹ năng đọc hiểu: phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…

Ở phần viết bài nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ), chuyên viên Sở GD-ĐT hướng dẫn học sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận gồm: giải thích, chứng minh, bình luận. Trong quá trình rèn luyện, học sinh cần tránh các lỗi như: thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề …) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.

Còn ở phần nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài.

- Đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa thay cho năm trước là yêu cầu thí sinh tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề. Từ đó, thí sinh chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

- Đề 2 sẽ đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Để chuẩn bị cho phần nghị luận văn học, thạc sĩ Thành lưu ý học sinh phải nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học. Rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện.

Bên cạnh đó, học sinh cần đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong sách; dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.

Học sinh lớp 9 lưu ý thông tin về tuyển sinh lớp 10 sắp tới. BẢO CHÂU

Môn toán và tiếng Anh chú trọng kỹ năng và thực tế

Với môn toán, thạc sĩ Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay, đề thi giữ nguyên cấu trúc so với những năm học trước, mức độ kiến thức: 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.

Cụ thể, đề thi môn toán gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và một câu về hình học phẳng.

- Câu 1, 2 kiểm tra kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình.

- Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình (giải các bài toán liên quan đến thực tế); trong đó sẽ có 1-2 câu ở mức nâng cao.

- Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.

Tương tự, thạc sĩ Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho biết cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh năm nay không thay đổi.

Đề thi môn tiếng Anh gồm 40 câu (0,25 điểm/câu) với thời gian làm bài thi 90 phút. Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10-15%.

Ông Lữ lưu ý đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng. Vì thế, học sinh không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp mà nên rèn luyện các dạng bài để hình thành kỹ năng, tham khảo nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng.

Theo Bích Thanh/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Phụ huynh, học sinh ở TP.HCM cần lưu ý các mốc thời gian kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo quy định của Sở GD-ĐT.
Nhiều trường học ở TP.HCM có điểm chuẩn vào lớp 10 rất cao và giữ ổn định trong nhiều năm liền. Để trúng tuyển thí sinh phải đạt 8 điểm/môn thi.
Dù Sở GD-ĐT TPHCM đã tính toán đảm bảo 70% học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp Mười công lập ở năm học 2024-2025 nhưng việc giảm hơn 6.000 chỉ tiêu so với năm trước, số lượng học sinh lớp Chín tăng hơn 5.000 em khiến việc đặt nguyện vọng trở nên căng thẳng.
Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố cho thấy hơn 50% trường giảm tổng số gần 6.000 chỉ tiêu. Trong đó, những trường tốp đầu, trường ở khu vực nội thành giảm mạnh so với năm trước.
Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 giảm gần 6.000 học sinh so với năm trước đang khiến phụ huynh học sinh lớp 9 lo lắng về một kỳ thi đầy áp lực. Trước lo âu này, lãnh đạo Sở GD-DT TP.HCM lý giải về việc giảm chỉ tiêu lớp 10.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công khai chỉ tiêu và học phí các trường THPT tư thục ở TP.HCM. Nhiều trường có học phí lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề