Sự thật chuyện Bộ GD&ĐT cắt nồi cơm của các trường đại học

Bộ GD&ĐT khẳng định bỏ quy định chương trình đào tạo chất lượng cao do quy định không còn phù hợp với luật, thông tư hiện hành, chứ không phải hệ đào tạo chất lượng cao trong các trường đại học (ĐH) bị xóa sổ.

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014 ngày 18/7/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH. Trước đây, Thông tư 23 được ban hành căn cứ vào Luật Giáo dục ĐH năm 2012, trong đó, luật này quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng tiêu chí của chương trình, quản lý, giám sát mức thu học phí của chương trình.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018 (Luật số 34), khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không được đề cập đến nữa. Với sự ra đời của Luật số 34, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo, trong đó có thể có cả các chương trình có tên gọi là chất lượng cao, miễn là đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH quy định tại Thông tư số 17/2021 của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn về học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ,... Do vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới. Các khóa đã tuyển sinh chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23 trước thời điểm Thông tư 11 có hiệu lực thi hành (từ 1/12/2023) được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.

Thực tế cho thấy, từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 đến nay, các cơ sở giáo dục ĐH đều có chương trình đào tạo chất lượng cao. Ban đầu, điểm chuẩn các ngành học của chương trình này thường thấp hơn chương trình đại trà (hay còn gọi là chương trình chuẩn). Nhưng sau một thời gian, điểm chuẩn của hai chương trình đã tiệm cận và thậm chí đến nay, nhiều trường điểm chuẩn chương trình đào tạo chất lượng cao cao hơn chương trình đại trà. Không thể phủ nhận, chương trình đào tạo chất lượng cao là “nồi cơm” của nhiều trường ĐH. Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh và đào tạo 100% các ngành đều theo chương trình đào tạo chất lượng cao. Năm nay học phí của các ngành của trường là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các trường ĐH khác, học phí chương trình chất lượng cao cao hơn ít nhất 1,5 lần đến 2 lần chương trình đào tạo đại trà.

Vẫn tiếp tục

Các trường ĐH được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo Ảnh: Mạnh Thắng

Nhận thức được việc Bộ GD&ĐT sẽ bãi bỏ Thông tư 23, từ đầu năm nay, khi công bố đề án tuyển sinh, một số trường ĐH đã không còn tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao như Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM. Hoặc cấu trúc lại các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao chuyển thành “chương trình đào tạo bằng tiếng Việt” và “chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh và đào tạo trong năm 2023 và những năm tới tại trường.

Với sự ra đời của Luật Giáo dục ĐH 2018, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Từ nay, các trường ĐH có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” để đặt tên cho chương trình của mình mà không còn bị ràng buộc bởi những điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là, trường ĐH phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó.

Trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.

Theo Nghiêm Huê/Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 11 môn thi bắt buộc và lựa chọn, nhưng việc thi 3 hay 4 môn bắt buộc vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ngoài học phí là đương nhiên, tân sinh viên khi nhập học phải chuẩn bị tài chính để đóng rất nhiều các loại phí, trong đó có những khoản lạ hoặc những khoản mà sinh viên gia đình khó khăn sẽ rất khó xoay xở.
Gần đây báo Tiền Phong nêu thực trạng, có những trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng thế giới, đứng thứ nhất, thứ nhì Việt Nam nhưng điểm chuẩn nhiều ngành năm nay chỉ 14 điểm/tổ hợp, thí sinh chỉ cần đạt gần 5 điểm/môn thi tốt nghiệp THPT là trúng tuyển. Thực tế này đang đặt ra câu hỏi đâu là giá trị thực của một trường ĐH.
Các trường đại học (ĐH) kết thúc tuyển sinh đợt 1 năm 2023. Kết quả cho thấy khá bất ngờ. Từ đó, những vấn đề của tuyển sinh ĐH cũng bộc lộ những bất ổn.
Hai trường đại học lớn tại TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đến ngành khoa học cơ bản.
Nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành lên tới 93% so với năm học trước. Mới đây Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định 81 lùi lại 1 năm.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tra cứu điếm thi