Sinh viên được học cùng lúc hai trường

Với quy chế đào tạo tín chỉ, sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội để học tập thêm các kiến thức khác ngoài ngành học chính. Cụ thể sinh viên được học cùng lúc hai trường.

Với việc trao đổi công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường đại học (ĐH), người học trường này có thể đăng ký theo học một năm hoặc thêm ngành thứ 2 ở trường khác.

Sinh viên được học cùng lúc hai trường

Sinh viên trúng tuyển nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Dự kiến sinh viên trường này có thể trao đổi học tập một số học phần tại trường khác. ĐÀO NGỌC THẠCH

Học 2 ngành tại 2 trường khác nhau

Theo quy định đào tạo song ngành bậc ĐH chính quy do ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành, 2 ngành này sẽ gồm ngành thứ nhất người học trúng tuyển nhập học và ngành thứ 2 đăng ký học tại trường khác. Theo quy định, ở ngành thứ 2 sinh viên (SV) cần học tối thiểu 30 tín chỉ và tối đa 80 tín chỉ ngoài các khối lượng kiến thức trùng nhau được công nhận tương đương giữa 2 ngành.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết năm 2021 là khóa đầu tiên trường áp dụng quy định mới này. Trường đã thí điểm cho SV trường khác chọn một trong 5 ngành để học ngành thứ 2 gồm: quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, báo chí, quản trị du lịch và lữ hành, tâm lý học. Trong năm đầu tiên triển khai, có khoảng 30 SV trường khác đang theo học ngành 2. “Năm 2022, ngoài 5 ngành đã triển khai, trường dự kiến mở rộng thêm một số ngành người học có nhu cầu như: Nhật Bản học, ngôn ngữ Trung Quốc…”, tiến sĩ Hạ thông tin.

Trường ĐH Kinh tế - Luật hiện cũng đang có 3 ngành được triển khai theo hình thức song ngành dành cho người học tại ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh và luật kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết hiện chương trình này đang có 14 SV của 5 trường theo học gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và nhân văn, Bách khoa, Quốc tế và Khoa học tự nhiên.

Để theo học ngành thứ 2 ở trường khác, ĐH Quốc gia TP.HCM có quy định chung về đầu vào. Cụ thể là người học đã hoàn thành năm thứ nhất với tối thiểu 25 tín chỉ tích lũy được, có điểm trung bình từ 7,0 trở lên và không bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên. Ngoài ra, các trường có thể bổ sung thêm điều kiện riêng tùy theo đặc thù ngành học. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có thêm quy định riêng cho 2 ngành ngôn ngữ Anh và quan hệ quốc tế. Người học cần đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào để theo học chương trình chính thức.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, việc cho phép học 2 ngành ở 2 trường sẽ là điều kiện để SV có năng lực học tập và điều kiện tài chính có thể tham gia học tập để mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, để việc học hiệu quả, người học cần có cách chọn lựa ngành học thứ 2 dựa trên định hướng nghề nghiệp, sở thích bản thân và phân tích được mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa 2 ngành học.

Tích lũy tín chỉ ở trường khác

Trong khi đó, SV trường này có cơ hội học tập tại trường ĐH khác thông qua hình thức trao đổi học tập.

Thông tư 08 về Quy chế đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2021 có một điểm rất mới về việc trao đổi SV và công nhận tín chỉ của nhau với tối đa 25% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Quy định trao đổi này cho phép người học của trường này được học một số học phần tại trường khác và ngược lại. Từ điểm mới của quy chế này, các trường ĐH xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai hoạt động trao đổi người học trong nước.

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết hiện trường đã triển khai hình thức trao đổi và công nhận tín chỉ với Trường ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Kiên Giang. Thời gian tới, trường tiếp tục ký thỏa thuận hợp tới với Trường ĐH Tây nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “SV giữa 2 trường có thể đăng ký học tập các học phần tại trường đối tác và ngược lại. Học phần trao đổi được thống nhất để công nhận lẫn nhau giữa 2 trường, việc học trao đổi này không quá một năm theo quy chế”, ông Phương cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết trường này dự kiến triển khai hình thức trao đổi học tập, linh hoạt trong công nhận tín chỉ thời gian tới. Trong đó, trước mắt triển khai với các ngành sư phạm và ở những môn chung phù hợp chương trình đào tạo giữa 2 trường tham gia trao đổi.

Ông Trung nói: “Học phần trao đổi được công nhận có số lượng tín chỉ, nội dung học và chuẩn đầu ra tương đương nhau. Khi đó, SV trường này có thể đăng ký học một số học phần tại trường khác và ngược lại. Hình thức học tập này giúp người học trải nghiệm 2 môi trường học ĐH khác nhau và chỉ nhận 1 bằng tốt nghiệp ĐH tại nơi mình trúng tuyển và nhập học”.

Nhận xét thêm về hình thức mới này, tiến sĩ Tô Văn Phương cũng nói: “Trước nay các trường ĐH chỉ chú trọng việc trao đổi người học với trường ĐH nước ngoài. Với quy định mới này, việc trao đổi người học giữa các trường trong nước sẽ mở rộng hơn. Ngoài tiện ích về khoảng cách địa lý khi đăng ký học tại trường gần nhà, người học còn có lợi thế trong việc trải nghiệm thêm môi trường học tập ở trường khác. Đồng thời có cơ hội lựa chọn theo học những học phần trường đối tác có thế mạnh hơn trong đào tạo”.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau.
PGS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - cho hay phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí.
Hàng loạt trường đại học sau các đợt xét tuyển bổ sung đến nay vẫn còn thiếu cả ngàn chỉ tiêu. Nhiều trường quyết định khép lại mùa tuyển sinh 2024 do cạn nguồn tuyển.
Năm 2025, hình thức tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đáng chú ý, các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi và cho phép thí sinh lựa chọn môn thi.
Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi khi thí sinh chỉ thi 4 môn bắt buộc thay vì 6 môn như hiện nay. Chính vì vậy, việc tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với thực tế.
ĐH Mở TP.HCM thông báo tuyển sinh đại học chính quy bổ sung năm 2024 cho 6 ngành học với 150 chỉ tiêu.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.