Xét tuyển bổ sung đại học, lèo tèo lượng thí sinh đăng ký

Hàng loạt trường đại học sau các đợt xét tuyển bổ sung đến nay vẫn còn thiếu cả ngàn chỉ tiêu. Nhiều trường quyết định khép lại mùa tuyển sinh 2024 do cạn nguồn tuyển.

Xét tuyển bổ sung đại học, lèo tèo lượng thí sinh đăng ký

Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM - Ảnh: BÍCH NGỌC

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, hơn 100 trường đại học trên cả nước đã công bố tiếp tục xét tuyển bổ sung với tổng số hơn 28.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, phần lớn các trường cho biết tình hình xét tuyển bổ sung đang rất èo uột.

Chỉ vài chục thí sinh đăng ký

Cách đây hơn ba tuần, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung đại học chính quy năm 2024 tại phân hiệu Quảng Ngãi với 205 chỉ tiêu cho 6 ngành. Nhà trường xét tuyển theo hai phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (17 điểm) và xét học bạ lớp 12 (19 điểm).

Nhưng đến ngày 13-9, chỉ có khoảng 30 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung.

Tương tự, TS Mai Hải Châu, phó giám đốc Trường đại học Lâm nghiệp (phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai), cho biết: "Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, trường thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành với 200 chỉ tiêu, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50 thí sinh đăng ký, đạt khoảng 30%".

Trường đại học Mở TP.HCM cũng thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đại học chính quy 6 ngành do trường cấp bằng (150 chỉ tiêu) và 13 ngành chương trình liên kết quốc tế do đối tác cấp bằng. Đến nay, trường cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Các trường đại học tư thục ở TP.HCM đều cho biết tình hình xét tuyển bổ sung rất khó khăn, phần lớn đều chưa đạt được chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.

Theo ThS Trương Thị Ngọc Bích, giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, trường thông báo xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu tất cả các ngành đến hết ngày 15-9. Tuy nhiên, đến nay lượng hồ sơ nộp chỉ khoảng 30%.

"Tình hình xét tuyển bổ sung năm nay ở trường hiện vẫn chưa đủ chỉ tiêu, chúng tôi theo dõi đến hết đợt xét tuyển", bà Bích nói.

Trường đại học Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung khoảng 1.500 chỉ tiêu cho 63 ngành học theo ba phương thức.

"Kết thúc xét tuyển bổ sung, nhà trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ. Đến nay, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Tình hình xét tuyển năm nay khó hơn mọi năm" - TS Trần Ái Cầm, hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Cạn nguồn tuyển

Trường đại học Văn Lang năm nay cũng dành 1.500 chỉ tiêu cho đợt xét bổ sung. Đến ngày 10-9, trường nhận được 2.700 hồ sơ.

"Tính đến nay có gần 1.000 thí sinh xét tuyển bổ sung trúng tuyển đến nhập học. Theo nhận định của chúng tôi, đến thời điểm này đã cạn nguồn tuyển. Thí sinh trúng tuyển nếu có mong muốn nhập học vào ngành, trường mình yêu thích thì cũng đã quyết định xong, các em không học vì bất kỳ lý do nào đó cũng không tiếp tục đăng ký.

Tóm lại, đến thời điểm này không còn nguồn để tuyển bổ sung, Trường đại học Văn Lang cũng ngưng không nhận thêm hồ sơ bổ sung nữa" - TS Võ Văn Tuấn, phó hiệu trưởng thường trực nhà trường, cho biết.

Theo TS Lê Xuân Trường, phó hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, kết thúc thời gian xét tuyển bổ sung, nhà trường tuyển được khoảng 95% chỉ tiêu.

Đồng thời, ông cũng nhận định với việc các trường đại học đều tuyển sinh theo nhiều phương thức xét tuyển và lọc ảo hiện nay thì những thí sinh thật sự muốn vào đại học khó rơi rớt khỏi hệ thống tuyển sinh các trường. Do vậy, nguồn tuyển bổ sung không còn nhiều.

"Hiện học sinh đang có nhiều hướng đi sau THPT để lựa chọn. Đặc biệt, trong bối cảnh học phí cao và có nhiều lựa chọn, nhiều thí sinh sẽ cân nhắc giữa việc chọn học đại học, cao đẳng, học nghề hay đi xuất khẩu lao động.

Hơn nữa, những ngành tuyển bổ sung phần lớn là những ngành không hấp dẫn. Điều này lý giải cho việc thí sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển bổ sung hoặc thậm chí trúng tuyển nhưng từ chối nhập học", ông Trường nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho rằng cả nước có hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Do đó, về lý thuyết, nguồn tuyển bổ sung của các trường đại học vẫn còn vì trên thực tế nhiều thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1.

"Tuy nhiên, rất có thể vì các em không thích học các ngành không phù hợp với mình nên không đăng ký xét tuyển bổ sung nữa. Bên cạnh đó, phân hiệu các trường đại học ở tỉnh nhiều năm nay luôn khó tuyển, việc này có lẽ do các em không thích học tại các cơ sở đào tạo ở tỉnh hoặc một phần các em chọn con đường khác", ông Nhân nhận định.

Cũng theo ông Nhân, dù phân hiệu Quảng Ngãi vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nhưng nhà trường quyết định không xét tuyển bổ sung nữa.

Số trường xét tuyển bổ sung không nhiều

Sau đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, các trường còn chỉ tiêu có thể tiếp tục xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo đến tháng 12-2024.

Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của các trường cần thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của trường (nếu trường xét tuyển bổ sung).

Tuy nhiên, số trường tiếp tục xét tuyển bổ sung sẽ không nhiều.

Hơn 551.000 thí sinh xác nhận nhập học

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời hạn xác nhận nhập học đại học đợt 1, đã có 551.497 thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỉ lệ 81,87% so với số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống. Tỉ lệ nhập học năm nay cao hơn năm ngoái (80,34%).

Năm 2024, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 733.000 thí sinh, trong đó có 673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống đợt 1. Như vậy có khoảng 122.107 thí sinh không xác nhận nhập học, chiếm 18,13% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Theo Trần Huỳnh/ Tuổi Trẻ

 

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay, mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Nhưng từ năm 2025, để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới và định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH đang xây dựng tổ hợp xét tuyển theo hướng mới.
Kết thúc xét tuyển đợt 1 (ngày 27/8), nhiều trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung. Nhóm ngành sư phạm dù điểm chuẩn ở mức tốp đầu nhưng vẫn phải xét tuyển bổ sung và điểm chuẩn xét tuyển bổ sung vẫn ở mức rất cao.
Hiện vẫn còn trường đại học xét tuyển bổ sung. Đây gần như là cơ hội cuối cùng dành cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2024.
Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau.
PGS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - cho hay phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí.
Năm 2025, hình thức tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đáng chú ý, các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi và cho phép thí sinh lựa chọn môn thi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.