Không để học phí trở thành gánh nặng

Năm học 2023 - 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến tăng học phí. Thông báo này khiến thí sinh băn khoăn, áp lực khi lựa chọn trường học.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Gia Định trong giờ học tại phòng máy. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, dư luận đặt câu hỏi, tăng học phí có đồng nghĩa với tăng chất lượng đào tạo?

Rục rịch tăng

Theo thông báo của Trường ĐH Gia Định (TPHCM), năm học 2023 - 2024 dự kiến học phí tăng khoảng 8% đối với 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Marketing. ThS.LS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định cho hay, mức học phí hiện nay được áp dụng từ 12 - 14,5 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình đại trà và 25 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình tài năng. Học phí được giữ nguyên trong suốt năm học và có thể thay đổi vào năm tiếp theo nhưng không vượt quá 8%/năm.

Lý giải nguyên nhân tăng học phí đối với 3 ngành đào tạo trên, ThS.LS Trịnh Hữu Chung cho biết, nhà trường căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng để quyết định mức tăng này, nhằm bù đắp chi phí trượt giá và nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện, nhu cầu xã hội ở 3 ngành: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Marketing rất lớn. Do đó, nhà trường đưa ra những thay đổi trong chương trình đào tạo ở 3 ngành này.

Ngoài ra, tăng học phí giúp nhà trường có thêm kinh phí để mời giảng viên giỏi về giảng dạy, đưa sinh viên đi kiến tập và mua sắm thêm thiết bị. “Mức tăng trên chỉ áp dụng đối với sinh viên tuyển mới trong năm học 2023 - 2024. Đối với sinh viên các khóa trước, học phí được giữ nguyên”, ThS.LS Trịnh Hữu Chung thông tin.

Theo đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 của Trường ĐH Thương mại, học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng. Mức học phí này tùy từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp từ 3,525 - 4 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.

Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp là 2,5 triệu đồng/tháng. Đề án tuyển sinh cũng nêu rõ, mức thu học phí từng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ).

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, theo chia sẻ của PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, việc điều chỉnh học phí được nhà trường thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP với khối ngành Y Dược. Đồng thời, đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học, đặc biệt là chất lượng đầu ra.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Cân nhắc tài chính khi lựa chọn trường học

Trước thông tin nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí trong năm học tới, học sinh, phụ huynh không khỏi băn khoăn lo lắng. Nguyễn Như Bình, học sinh lớp 12, ở xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Ở nông thôn, thu nhập chính của gia đình từ mấy sào ruộng. Nếu học phí cao, em sợ bố mẹ không đủ tài chính để lo cho em ăn học ở thành phố”.

Với chị Nguyễn Thanh Trà (Nông Cống, Thanh Hóa), các trường đại học tăng học phí đồng nghĩa với gia tăng gánh nặng, áp lực tài chính lên hai vợ chồng. Chị Trà có 3 con. Cháu lớn là sinh viên năm thứ 2. Cháu thứ hai học lớp 12, dự kiến đăng ký xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Còn cháu út chuẩn bị thi vào lớp 10. “Hai vợ chồng làm phu hồ, làm được bao nhiêu tập trung lo cho các cháu ăn học nên “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Vì thế, tôi rất lo nếu học phí của trường đại học tiếp tục tăng”, chị Trà bộc bạch.

Nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với người học, các cơ sở giáo dục đại học có chương trình học bổng dành cho sinh viên. TS Dương Thành Huân, Phó Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, mỗi năm Học viện dành gần 30 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện đạt từ khá trở lên. Ngoài ra, Học viện còn hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, cấp học bổng gần 2 tỷ đồng/năm để tài trợ cho sinh viên tài năng, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

PGS.TS Lê Đình Tùng cho hay, Trường ĐH Y Hà Nội luôn thúc đẩy tìm kiếm nguồn học bổng, tài trợ từ các doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể theo đuổi ước mơ học tập.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cơ sở giáo dục thông báo tăng học phí từ năm học 2023 - 2024 là điều tất yếu. Tuy nhiên, tăng như thế nào là vấn đề cần đặt ra. Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Với trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ nguồn: Ngân sách Nhà nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo.

Để không là gánh nặng cho người học, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân. Các trường không thể lấy cớ là tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo để “vẽ ra” chi phí rồi thu học phí. Nếu không, con em hộ nghèo, những người có thu nhập thấp khó có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

“Do đó, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, cần đến sự đầu tư phù hợp từ Nhà nước”, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương khuyến nghị, một trong những nguyên tắc để chọn ngành, chọn trường đại học là, thí sinh cần căn cứ vào năng lực tài chính của gia đình. Theo đó, nếu ngành học có học phí quá cao, các em nên cân nhắc việc đăng ký xét tuyển. Hiện cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính để giúp thí sinh thực hiện ước mơ. Các em nên tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn, sau khi chọn ngành, các em hãy lựa chọn đến trường. Lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Uy tín, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Ngoài ra, thí sinh cần cân nhắc đến điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp để theo học hay không.

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Những năm gần đây, các ngành kỹ thuật ít được người học ưu tiên lựa chọn, dễ dẫn đến mất cân bằng trong thị trường lao động, tạo ra khủng hoảng thừa nhân lực khoa học xã hội trong tương lai.
Chiều qua (3.7), Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 của các trường THPT công lập. So sánh với kỳ tuyển sinh năm học trước, năm nay điểm chuẩn của nhiều trường có sự biến động.
Việc đã từng có thí sinh bị xử lý hình sự vì làm lộ, lọt đề thi năm trước và những thiết bị công nghệ hỗ trợ gian lận thi cử ngày càng tinh vi đòi hỏi công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay phải kỹ hơn.
Lần đầu tiên sau 7 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay để xảy ra 2 lỗi liên tiếp liên quan đến đề thi và công bố kết quả.
Nếu thí sinh học thuộc lòng, học theo dạng đề sẽ khó có thể làm tốt đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Đề thi đã trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì?”.
Đề tuyển sinh, thi tốt nghiệp những năm gần đây sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, từ đời thật, khiến học sinh và giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, học, tiếp cận vấn đề.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề