Học sinh vùng khó: Cửa vào đại học tốp trên hẹp dần?

Đa dạng phương thức xét tuyển đang tạo lợi thế cho thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học (ĐH). Tuy nhiên, các phương thức xét tuyển không dựa vào kết quả học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường ĐH top trên đang nghiêng về những thí sinh có điều kiện. Cánh cửa vào những trường này đang hẹp dần với thí sinh vùng khó.
Xét tuyển ĐH đang có dấu hiệu bất lợi cho học sinh yếu thế. Ảnh: Mạnh Thắng

Bà Hoàng Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, Đồng Hới, Quảng Bình, cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có học sinh lớp 12 nào của trường tham gia thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội vì các điểm thi quá xa, học sinh không có điều kiện tham gia. “Năm nay nhiều em chưa thi IELTS, năm 2022, học sinh đạt kết quả IELTS cao nhất là 7.0. Nhiều em đạt 5.5 - 6.5. Với mức điểm này, học sinh của trường cũng chỉ xét tuyển vào những trường ĐH tốp giữa”, bà Hà nói.

Năm học này, cả trường Trung học phổ thông Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) chỉ có một học sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Dù ĐH Quốc gia Hà Nội mở 2 đợt thi tại ĐH Thái Nguyên nhưng khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế vẫn khiến cho hầu hết học sinh của trường không thể tiếp cận các kỳ thi riêng.

Năm nay, các trường ĐH bắt đầu giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT hay học bạ, nhất là các trường tốp đầu. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 73% để xét tuyển phương thức kết hợp còn lại là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các yêu cầu của phương thức kết hợp này là kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT)… ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dành phần lớn chỉ tiêu để xét kết quả thi đánh giá tư duy. Một số ngành “hot” nhất của ĐH này không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT như Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính… Trường ĐH Y Hà Nội năm nay cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lên đến 30% và mở rộng ra một số ngành điểm cao của trường ngoài ngành Y khoa.

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, để tổ chức một điểm thi phải đảm bảo có 300 máy tính trở lên, Sở GD&ĐT rất khó đáp ứng.

Trong khi đó, địa điểm tổ chức kỳ thi riêng khá hạn chế. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức ở hai địa điểm là Hà Nội và Quy Nhơn. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội hầu hết tập trung cho các tỉnh ở đồng bằng. Các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ có duy nhất một điểm thi tại ĐH Thái Nguyên. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đợt 1 cũng chỉ tập trung ở các tỉnh đồng bằng thuận tiện đi lại. Khu vực Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Xét tuyển ĐH đang có dấu hiệu bất lợi cho học sinh yếu thế. Ảnh: Mạnh Thắng

Bất công với học sinh vùng khó

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khẳng định việc các trường ĐH đang chạy theo xu hướng xét tuyển các phương thức có lợi cho học sinh ở các thành phố lớn đang tạo ra bất bình đẳng, bất công trong tiếp cận các kỳ thi đánh giá năng lực. Muốn trúng tuyển, thí sinh vùng khó chỉ có thể phải thi đạt điểm thật cao vì cơ hội còn quá ít. Do vậy, ông Dũng đề xuất các trường cần nghiên cứu chính sách cân bằng trong tuyển sinh, tìm các nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục ĐH chất lượng. “Phải chăng các trường sử dụng phương thức xét tuyển nghiêng về phía học sinh có điều kiện cũng là một giải pháp để giảm các gói hỗ trợ sinh viên diện chính sách”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, 70% thí sinh ở TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Tiền Giang trúng tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ THPT.

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, để tổ chức một điểm thi phải đảm bảo có 300 máy tính trở lên, Sở GD&ĐT rất khó đáp ứng. Số lượng thí sinh dự thi quá ít cũng không đủ để hệ thống vận hành, chi phí. Ông Thảo nói rằng, 2 đợt thi tại ĐH Thái Nguyên có số thí sinh đăng ký dự thi thấp, đơn vị tổ chức thi phải bù lỗ. Các trung tâm khảo thí tổ chức thi ngoài việc phục vụ mục tiêu tuyển sinh, đều phải tính toán chuyện lỗ lãi để đảm bảo vận hành bộ máy, vì không được Nhà nước hỗ trợ, phải tự chủ thu chi.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề