Giữ nguyên hay thay tên gọi Chương trình chất lượng cao?

Nhiều trường đại học đã có kế hoạch về chương trình mới thay thế Chương trình chất lượng cao...

Sinh viên chương trình chất lượng cao trong một lớp học tăng cường tiếng Anh của Trường ĐH Ngân hàng. Ảnh: HUB

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Dù đến cuối năm 2023, quy định tại Thông tư 11 mới có hiệu lực nhưng nhiều trường đại học đã có kế hoạch về chương trình mới thay thế.

Thay thế bằng chương trình khác

Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tuyển chương trình cử nhân chất lượng cao ở các ngành, chuyên ngành gồm Kinh tế đầu tư, Thẩm định giá và Quản trị tài sản, Kinh doanh thương mại, Marketing, Kiểm toán, Luật kinh doanh, Quản trị, Kinh doanh quốc tế, Ngoại thương, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán doanh nghiệp. Mùa tuyển sinh năm nay, trường tuyển sinh chương trình tiếng Anh bán phần, tiếng Anh toàn phần, thay vì chương trình chất lượng cao như năm trước đây.

Tại Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, từ cuối năm 2022, trường cũng đã dùng tên gọi chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thay cho chương trình chất lượng cao. Việc này nhằm thể hiện đúng tinh thần quốc tế hóa trong công tác đào tạo.

Hiện, nhà trường có khoảng 20 ngành được phê duyệt dạy bằng tiếng Anh để tuyển sinh trong năm 2023. Với ngành này, chuẩn tiếng Anh dự tuyển cần đạt là IELTS từ 4.5, DET từ 65 hoặc tương đương trở lên; chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS từ 6.0, TOEFL iBT từ 79, TOEIC nghe - đọc từ 700 (nói - viết từ 245) trở lên. Nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn.

Tương tự, tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, chương trình chuẩn và chương trình chất lượng cao được chuyển thành chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Trong số 14 ngành đào tạo đại học chính quy trường tuyển sinh, hiện có 7 ngành song song hai chương trình tiếng Việt và tiếng Anh.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM trong một giờ nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: TG

Nâng cao chất lượng

Theo ghi nhận, nhiều trường vẫn giữ các ngành đào tạo chất lượng cao trong thông báo tuyển sinh đại học năm 2023. Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, Thông tư 11 bãi bỏ Thông tư số 23 không có nghĩa là bãi bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao tại cơ sở giáo dục đại học.

Việc này cũng không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và đào tạo tại nhà trường năm 2023 và những năm tới, trong đó có công tác tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh và triển khai các chương trình chất lượng cao (tiếng Anh bán phần) trong năm 2023 và nhiều năm tới, đồng thời đầu tư mạnh mẽ hơn để tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, chương trình đào tạo chất lượng cao có điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra vượt trội so với chương trình chuẩn, đồng thời bảo đảm tỷ trọng các học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh theo lộ trình năm 2023: 35%, năm 2024: 40%, năm 2025: 45%, từ năm 2026 đạt trên 50%. Nhà trường đang có 3 chương trình chất lượng cao (tiếng Anh bán phần), gồm: Chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh; ngành Tài chính Ngân hàng; ngành Kế toán.

Trường ĐH Ngân hàng cam kết sẽ áp dụng các tiêu chuẩn tốt nhất cho chương trình đào tạo chất lượng cao. Cụ thể, điều kiện đào tạo áp dụng cho chương trình chất lượng cao sẽ cao hơn so với quy định theo Thông tư 23, như: Chương trình đào tạo được quốc tế hóa, tiếp cận chương trình của trường đại học quốc tế; nhiều học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh; nhiều môn học khác cũng sử dụng các giáo trình tài liệu, tiếng Anh.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, trường tiếp tục xây dựng, triển khai chương trình đào tạo với chất lượng thực sự cao, giúp sinh viên có thể thành thạo 4 loại ngôn ngữ trong kỷ nguyên mới, gồm: Ngôn ngữ chuyên môn, nghiệp vụ bằng tiếng Anh chuyên ngành; ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp quốc tế bằng tiếng Anh; ngôn ngữ lập trình, giao tiếp với máy tính và trí tuệ nhân tạo; ngôn ngữ dữ liệu.

Tương tự, Trường ĐH Luật TPHCM khẳng định tiếp tục tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao trình độ đại học, để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trường ĐH Luật TPHCM cũng có lý giải tương tự, khi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018), giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo khác nhau, đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học.

Trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Luật TPHCM đạt được nhiều thành công. Chương trình này là sự nâng cao về chất của chương trình đào tạo chuẩn của nhà trường. Trong đó, các môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật) chiếm tỷ trọng 20 - 90% khối lượng học tập của chương trình đào tạo.

Sinh viên được phát triển kỹ năng ngoại ngữ, pháp lý chuyên sâu, tin học văn phòng, thực hành nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Toàn bộ sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao có việc làm sau khi tốt nghiệp và nhận được phản hồi tích cực với các nhà tuyển dụng.

Theo đại diện các trường đại học, chương trình chất lượng cao vẫn duy trì việc phát triển dựa trên chương trình đào tạo chuẩn, đại trà, trong đó chú trọng ngoại ngữ và kỹ năng thực hành. Chẳng hạn, đơn vị sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác ở các nước có nền giáo dục tiên tiến để sinh viên có cơ hội chuyển tiếp học tập theo mô hình 1+3, 2+2, 3+1; tham gia chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên. Nội dung chương trình đào tạo hiện đại định hướng chuyển đổi số. Sĩ số lớp giới hạn từ 30 - 40 người, phương pháp giảng dạy hiện đại mang tính tương tác cao.

Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học sinh học chương trình mới và năm đầu tiên thi tốt nghiệp đối mặt với không ít thách thức, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT có phương án điều chỉnh phù hợp.
Dù học phí đào tạo bác sĩ ở Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong các khối ngành, lương ban đầu được xem khá thấp nhưng ngành y vẫn luôn thu hút người học.
Bộ Y tế từng thống kê, sau dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế ghi nhận gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng lớn nhân viên y tế nghỉ việc là thu nhập quá thấp so với mức sống.
Vài năm gần đây, hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc để chuyển qua bệnh viện tư.
Hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản như ngành sư phạm.
Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.Tin liên quan
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.