Điểm chuẩn đại học tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều!

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 ghi nhận mức tăng mạnh về điểm chuẩn trúng tuyển vào nhiều ngành, trong đó không ít ngành có mức điểm chuẩn trên 29 điểm.

Điểm chuẩn đại học tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều!

Thí sinh dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất

Sẽ không quá lo ngại nếu việc này không kéo theo tình huống tréo ngoe là có nhiều thí sinh đạt 9,0 điểm/môn vẫn trượt. Bức tranh điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy nhiều trăn trở.

Ngày 21/8, các trường đại học đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn năm 2024. Dễ nhận thấy, so với năm 2023, năm nay nhiều ngành có mức điểm chuẩn tăng mạnh. Các ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm, báo chí, ngôn ngữ, luật... với mức điểm từ 29,0 trở lên. Tính trung bình, thí sinh phải đạt 9,4-9,5 điểm/môn mới trúng tuyển.

Các ngành có điểm chuẩn cao chủ yếu ở khối C00. Ví dụ, điểm chuẩn của ngành Sư phạm ngữ văn, Sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có mức điểm chuẩn 29,3 điểm ở tổ hợp C00. Cùng xét tổ hợp C00, ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,2; ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn 29,1; ngành Sư phạm địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Truyền thông quốc tế của Học viện ngoại giao cùng có mức điểm chuẩn 29,05...

Điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp C00, trong đó có nhóm ngành sư phạm cao đã được các chuyên gia dự báo ngay khi kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được công bố. Nguyên nhân do số lượng đăng ký nguyện vọng ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng 85%; chỉ tiêu giảm do nhu cầu thực tế đặt hàng của địa phương. Bên cạnh đó, phổ điểm môn ngữ văn năm nay cũng tăng đột biến nên việc các tổ hợp có sử dụng môn ngữ văn để xét tuyển có điểm chuẩn cao là điều có thể dự đoán.

Lý giải vì sao điểm chuẩn trúng tuyển đại học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của nhiều trường tăng cao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao được nhiều thí sinh quan tâm.

Về điểm chuẩn khối C00 cao, có thí sinh đạt 9,5 điểm nhưng không đỗ vào nhiều ngành, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung nên có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. Để xác định về việc tổ chức tuyển sinh giữa các phương thức đã công bằng hay chưa cho mọi thí sinh thì cần phân tích kỹ thêm.

Những điều trăn trở

Dù lý do nào, thì với mức điểm chuẩn cao chót vót, lại có hiện tượng thí sinh đạt tới 9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học là điều nhiều người còn trăn trở, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, có đánh giá toàn diện để điều chỉnh ngay trong quy chế tuyển sinh áp dụng từ năm 2025.

Điểm chuẩn đại học tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều!

Nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn phương thức xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh: Thống Nhất

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Con tôi sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm 2025. Từ thực tế theo dõi kỳ tuyển sinh vài năm qua, tôi thấy việc trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm (sử dụng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ...) dễ hơn nhiều so với việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi dự định sẽ cho con tham gia xét tuyển sớm ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán để chắc suất vào đại học”.

Đặt quyết tâm thi tốt nghiệp thật tốt để sử dụng điểm thi xét tuyển vào đại học, Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) bày tỏ lo lắng: “Nhìn từ kỳ tuyển sinh năm nay thấy mức điểm chuẩn của không ít ngành quá “ảo”; lại thấy rõ sự thiếu công bằng giữa các thí sinh. Cùng đăng ký xét tuyển vào một ngành, nhưng cơ hội trúng tuyển của thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp rất khó khăn, trong khi các bạn xét học bạ lại thuận lợi hơn nhiều. Vì thế, em rất băn khoăn chưa quyết định được nên đăng ký tham gia xét tuyển đại học bằng phương thức nào để bản thân không thiệt thòi, nhưng được trúng tuyển vào trường có chất lượng đào tạo thực sự tốt”.

Theo các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại việc tổ chức xét tuyển sớm để có phương án phù hợp cho kỳ tuyển sinh năm sau nhằm tránh thiệt thòi cho thí sinh và bảo đảm tính thực chất về chất lượng tuyển sinh. Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học luôn muốn tuyển được nhiều thí sinh từ trước kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí có thông tin cho rằng, để yên tâm với nguồn tuyển, có trường đã “cấu” chỉ tiêu ở phương thức sử dụng điểm thi chuyển sang phương thức xét học bạ, cho dù đã công bố công khai trong đề án tuyển sinh về số lượng, tỷ lệ chỉ tiêu của từng phương thức. Vì thế nên mới ngày càng nhiều thí sinh tham gia xét tuyển sớm, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp lại càng bị đẩy lên cao.

Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố, nếu phát hiện vi phạm cần nghiêm khắc xử lý. Phía gia đình người học và cộng đồng xã hội cũng có thể góp sức tham gia giám sát, kịp thời phát hiện những vi phạm trong tuyển sinh cũng như trong hoạt động đào tạo của các nhà trường. Theo quy định, các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh tham gia xét tuyển. Nếu vi phạm quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Theo Thống Nhất/ Hà nội mới

Tin cùng chuyên mục

Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau.
PGS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - cho hay phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí.
Hàng loạt trường đại học sau các đợt xét tuyển bổ sung đến nay vẫn còn thiếu cả ngàn chỉ tiêu. Nhiều trường quyết định khép lại mùa tuyển sinh 2024 do cạn nguồn tuyển.
Năm 2025, hình thức tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đáng chú ý, các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi và cho phép thí sinh lựa chọn môn thi.
Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi khi thí sinh chỉ thi 4 môn bắt buộc thay vì 6 môn như hiện nay. Chính vì vậy, việc tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với thực tế.
ĐH Mở TP.HCM thông báo tuyển sinh đại học chính quy bổ sung năm 2024 cho 6 ngành học với 150 chỉ tiêu.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.