Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Hạn chế ghi điểm do “ăn may”

Tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11/3, đại diện Bộ GD&ĐT đã chia sẻ về những vấn đề cốt lõi xung quanh đề thi và công tác tổ chức thi.

Giảm xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên 

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Toàn cảnh hội nghị chiều 11/3

Về cấu trúc định dạng, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính kế thừa khi các môn vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đề thi cũng phát triển thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh.

Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai; phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Theo Bộ GD&ĐT, với cấu trúc định dạng trên, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm (với môn Toán) và còn 2,35 điểm (với các môn thi trắc nghiệm còn lại).

Với dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai sẽ kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao.

Còn với dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận. Cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng giảm số tờ giấy thi so với các đề hiện nay.

Về thư viện đề thi, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có "tính mở". Thư viện câu hỏi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các sở GD&ĐT, các trường THPT. Từng đơn vị sẽ gửi câu hỏi hay kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ phân tích, từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Đây là điểm mới so với quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi hiện nay. 

4 nguyên tắc cốt lõi

Chia sẻ về nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương thông tin về 4 nguyên tắc cốt lõi khi tổ chức kỳ thi.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghệp THPT 2023

4 nguyên tắc cụ thể là: bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của Nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi, bảo đảm tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành; bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 – 2023, chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Về phương thức, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ tiếp tục tổ chức chung một đợt thi trên phạm vi cả nước, thi chung đề, chung đợt, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Về xét công nhận tốt nghiệp sẽ phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Về phân cấp và phân nhiệm: tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT đồng bộ với phân cấp trong tổ chức thi đã tạo cơ chế thuận lợi cho các địa phương nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thi, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học.

Việc ứng dụng hiệu quả, mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu tổ chức thi của những năm qua góp phần quan trọng bảo đảm công bằng và chính xác, thuận lợi cho thí sinh.

Cùng với đó, công tác tổ chức Kỳ thi đã được đổi mới theo hình thức gọn nhẹ hơn, thí sinh được thi tại địa phương; không phải dự thi nhiều đợt thi như trước đây nên đã giảm áp lực, tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.

Theo Nam Du/ Kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục

Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 toàn TP Hồ Chí Minh có 84.046 thí sinh dự thi, trong đó có 74.581 thí sinh THPT, 9.465 thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều đặc biệt là có đến 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C khi (cùng tổng điểm), trong đó, 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Cả nước có gần 11.000 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất. So với năm 2023, số điểm 10 năm nay giảm nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mức điểm cao nhất theo khối thi truyền thống khối C cao nhất với 29,75 điểm, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7. Mời bạn đọc vào đây để xem kết quả
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề