Để không phải đóng cửa các ngành khoa học cơ bản

Các ngành khoa học cơ bản như toán học, vật lý, địa chất học, hải dương học, triết học... trong những năm qua tại một số trường ĐH hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu, có ngành phải 'đóng cửa'...

PGS-TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay: "Trong mấy năm gần đây, các ngành địa chất rất khó tuyển. Năm 2021, chỉ tiêu là hơn 100 nhưng nhập học chỉ 30 em. Năm 2022 cũng chỉ tuyển được 40 - 50% chỉ tiêu".

Sinh viên ngành địa chất, một trong những ngành khoa học cơ bản của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện nay ít thí sinh vào học. T.H

Theo PGS-TS Phạm Trung Hiếu, địa chất là một trong những ngành thuộc lĩnh vực khoa học trái đất, cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng một quốc gia nào. "Tài nguyên thiên nhiên gồm các mỏ khoáng sản, các nguồn nước, dầu, khí... bị con người khai thác ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy phải có các kỹ sư, cử nhân địa chất nghiên cứu, thăm dò và tìm ra các nguồn tài nguyên mới để thay thế. Chưa kể hậu quả của việc khai thác cạn kiệt còn là quá trình tai biến địa chất, biến đổi khí hậu... diễn ra ngày càng phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải quan tâm và có chiến lược lâu dài để phát triển bền vững. Nguồn nhân lực của nước ta đang thiếu hụt khi tỷ lệ người học về địa chất khoáng sản, môi trường, tài nguyên khoáng sản... quá ít trong vài năm gần đây", PGS-TS Trung Hiếu chia sẻ.

Không chỉ địa chất, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các ngành như hải dương học, khí tượng và khí hậu học... do ít thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn tương đối thấp, năm 2021 chỉ 17,5 - 18 điểm là đậu. Năm 2022 điểm chuẩn đã tăng thành 20 nhưng vẫn thuộc những ngành có điểm mức thấp nhất.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng, cho hay các ngành khoa học cơ bản như tôn giáo học, triết học, lịch sử, địa lý, lưu trữ học, thông tin thư viện thường rất ít thí sinh đăng ký.

"Bất kỳ ngành nào được đào tạo trong trường ĐH thì xã hội cũng đều có nhu cầu, tuy nhiên, do nền kinh tế thị trường các em thường chọn ngành theo xu hướng. Nhiều em vì lý do kinh tế cũng đã chọn những ngành dễ có thu nhập mặc dù các em có đam mê với những ngành khoa học nói trên", tiến sĩ Hạ nhìn nhận.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) từng phải ngừng một số ngành thật sự khó tuyển như toán ứng dụng, vật lý học. Ngành hóa học đang duy trì nhưng vẫn có thể gọi là khó. Các ngành khoa học cơ bản khác của trường tuyển sinh được một lớp mỗi năm, với điểm đầu vào không quá cao.

Theo tiến sĩ Bùi Bích Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nguyên nhân khó tuyển do nhiều yếu tố như xu thế lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh, cơ hội việc làm...

Hỗ trợ học phí, cấp học bổng và sinh hoạt phí

PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: "Khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ ở mỗi quốc gia. Việc duy trì, đầu tư và phát triển các ngành đào tạo khoa học cơ bản là rất cần thiết".

Theo PGS-TS Tứ, ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai và thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ kinh phí, giảm học phí cho ngành khoa học cơ bản khó tuyển cho các trường thành viên. Năm học 2022 - 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM đã hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM như triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin thư viện, lưu trữ học...

Ý KIẾN

Nhà nước cần chính sách hỗ trợ

Trong phạm vi của mình, các trường ĐH sẽ có chính sách hỗ trợ để thu hút thí sinh. Tuy nhiên, về lâu dài, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn chế độ lương tốt, tạo điều kiện và môi trường làm việc để các em yên tâm lựa chọn các ngành khoa học cơ bản để học tập và mong muốn cống hiến.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ

(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Cần có dự báo xu thế phát triển

Đa số thí sinh lựa chọn ngành nghề theo tiêu chí ngành nào lương cao dễ xin việc thì tập trung vào. Nếu nhà nước đặt hàng, có học bổng, vay vốn học tập không lãi suất, bố trí việc làm, chế độ lương bổng và điều kiện làm việc tốt thì chắc chắn các ngành khoa học cơ bản sẽ thu hút hơn. Bên cạnh đó, nhà nước nên có dự báo xu thế phát triển của quốc gia liên quan đến khu vực và thế giới, có chiến lược ngắn hạn và dài hạn từ đó quyết định tập trung phát triển ngành khoa học cơ bản nào để có chính sách đầu tư mạnh mẽ.

PGS-TS Lê Thành Bắc

(Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng)

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2022 cũng đã dành 2 tỉ đồng học bổng để cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển gồm vật lý, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật địa chất, địa chất học, khoa học môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường.

Bên cạnh đó, PGS-TS Tứ thông tin ĐH Quốc gia TP.HCM cũng triển khai các chương trình học bổng cho sinh viên, giảng viên tham gia học tập và giảng dạy các ngành khoa học cơ bản theo các đề án trọng điểm phát triển các lĩnh vực của quốc gia.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội và nhân văn gồm miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác. Chưa kể còn hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Để hấp dẫn hơn, chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản đã được nhiều trường cập nhật, đổi mới. PGS-TS Nguyễn Đình Tứ cho biết: "Chúng tôi đa dạng hóa các hướng đào tạo đối với các ngành đào tạo khoa học cơ bản nhằm tăng cơ hội việc làm cho người học và gắn kết các ngành đào tạo khoa học cơ bản với các ngành khoa học ứng dụng khác. Triển khai các chương trình đào tạo liên ngành giữa các ngành đào tạo khoa học cơ bản với các ngành đào tạo có nhu cầu cao từ thị trường lao động như toán tin, toán ứng dụng, vật lý y khoa, vật lý kỹ thuật…".

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng đã mở ngành mới như vật lý kỹ thuật. "Đồng thời, chương trình đào tạo của các ngành khoa học cơ bản đã được cập nhật, cải tiến trên tinh thần "làm mới" và thay thế, tăng tính thực hành, khởi nghiệp, tính vận dụng, sáng tạo…", tiến sĩ Bùi Bích Hạnh chia sẻ.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh 2024, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên có hai năm liên tiếp nằm trong top 10 tỷ lệ vào ĐH trên tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn lựa chọn. Theo các chuyên gia, dù chọn thi ngoại ngữ hay không thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học cũng không nên bỏ bê, sao nhãng môn này.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM công khai kết quả tốt nghiệp của sinh viên được xét tuyển từ học bạ khiến nhiều người bất ngờ.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề