Đào tạo ngành nghề để doanh nghiệp cần là có ngay

Những ngành nghề đang là xu hướng của thế giới đang được các trường nghề dần đưa vào đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Không thể cứ mãi thuê nhân công nước ngoài

Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới được tổ chức tại Nga cách đây 2 năm đã đưa vào trình diễn 24 nghề hoàn toàn mới như trí tuệ nhân tạo, các giải pháp dựa trên blockchain, nhà máy kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và máy học, phát triển ứng dụng di động, tích hợp hệ thống robot, thực tế ảo... Kỳ thi kỹ năng nghề vừa diễn ra tại Việt Nam cũng lần đầu tiên đưa vào dự thi các nghề điện toán đám mây, công nghiệp 4.0... Đây đều là những nghề nóng, xu hướng của thế giới. Một số nghề đã được ứng dụng ở Việt Nam nhưng lại chưa được đưa vào chương trình đào tạo nên khi doanh nghiệp cần đều phải tuyển dụng nhân lực từ nước ngoài”.

Đào tạo ngành nghề để doanh nghiệp cần là có ngay

Sinh viên thi nghề công nghiệp 4.0 tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia tháng 12.2021. TRỌNG TÍN

Ông Trường lấy ví dụ nhà máy của Tập đoàn Vingroup có nhân lực đến từ 122 quốc gia, với nhiều vị trí không thể tuyển dụng người Việt, đặc biệt đa phần nhân lực cấp cao phải tuyển từ nước ngoài.

“Đào tạo nhân lực của chúng ta hiện vẫn đang chậm một bước so với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều ngành nghề chưa được xây dựng thành chương trình học. Muốn phát triển và hội nhập, doanh nghiệp không thể cứ mãi thuê nhân công nước ngoài”, tiến sĩ Trường nhìn nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia tư vấn chuyển đổi Công ty Dataservices, cũng cho rằng những ngành nghề trên có thể được xem là “xương sống” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu, cho đến năm 2030 Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp với 4 loại hình công nghệ số, bao gồm các công ty phát triển công nghệ cốt lõi, các công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số, các công ty phát triển các giải pháp công nghệ kỹ thuật số và khởi nghiệp công nghệ số. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức để các trường ĐH, CĐ tìm cách bắt nhịp, song hành, thậm chí đi trước để sẵn sàng cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp cần.

Sẽ sớm thiết kế chương trình để đưa vào đào tạo

Sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” vào tháng 8.2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Những chương trình này nhằm giúp người học có thể làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Dự kiến sẽ có 20 ngành nghề như giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D, công nghiệp 4.0... được hoàn thiện để năm 2022 bắt đầu tuyển sinh. Trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp tuyển sinh và đào tạo theo hình thức đặt hàng. Học sinh, sinh viên học xong sẽ về doanh nghiệp làm việc ngay”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng các trường muốn đào tạo tốt những ngành học để cung cấp nhân lực số cho thị trường lao động thì trước tiên phải nhanh chóng “số hóa” chính mình.

“Các trường cần có giảng viên và chương trình đào tạo được chuẩn hóa và số hóa. Phát triển ĐH, CĐ số, đáp ứng nhu cầu học tập có định hướng và học tập suốt đời của người học bằng cách đào tạo đa kênh. Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu. Bên cạnh đó, liên kết giữa các trường, tận dụng các chương trình đào tạo hay, sẵn có của nhau, bổ sung những điểm hạn chế, mở rộng biên giới học tập”, ông Ngọc Tú nêu quan điểm.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

AVITA công bố về dự án tuyển dụng các chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến từ Việt Nam
Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà cả doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hiện cũng khó tìm được nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng hiện đại. Liên kết, đặt hàng cơ sở giáo dục - đào tạo được xem là phương án hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.
Trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên dành cho sinh viên nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Ngày 04/10/2023, Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) – Chi nhánh Sài Gòn.
Nhiều trường đại học cho phép sinh viên năm ba trở lên được chủ động chọn thời gian, địa điểm thực tập.
Giảng viên đến doanh nghiệp cập nhật kỹ năng nghề, người ở doanh nghiệp vào trường giảng dạy cho sinh viên...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề