Chọn đúng ngành quan trọng hơn chọn trường top

Việc chọn đúng ngành học quan trọng hơn thí sinh chọn trường top, vì đây mới là yếu tố định hướng phát triển bản thân.

Ảnh minh họa/internet.

Chọn ngành học cần dựa vào thế mạnh của mình

Đó là tư vấn của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Ngoài những yếu tố cá nhân, khi chọn ngành, thí sinh cũng phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả tốt nhất.

Thực ra một lĩnh vực hẹp, ít người để ý lại chính là cơ hội để chúng ta phát triển, trở thành chuyên gia cao nhất trong lĩnh vực đó. Nên tôi luôn khuyến khích các em, nỗ lực tự thân vô cùng quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Đặt vấn đề, chọn học trường top mới thành công? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây mới là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân.

Nếu chúng ta vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt. Nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.

“Vậy nên, tôi muốn nhắn nhủ tới các em rằng, sự thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân rất nhiều. Nếu đủ nỗ lực, kiên trì, kiên định, không mệt mỏi để phát triển toàn diện cá nhân thì ở môi trường nào, chúng ta cũng thành công” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phân tích, một cá nhân xuất sắc nhưng khi vào môi trường toàn người xuất sắc hơn sẽ có nguy cơ rơi vào stress, mất tự tin… Khi không còn là người đứng đầu sẽ mất đi rất nhiều lợi thế.

Ngược lại, các cá nhân nỗ lực, vượt lên trở thành người xuất sắc nhất ở các trường top sau lại dành được nhiều cơ hội cho mình, khẳng định bản thân, trở thành chuyên gia ở những lĩnh vực cụ thể.

Từng giải quyết nhiều trường hợp rất giỏi, thi đỗ những trường Y hàng đầu của Việt Nam theo đúng ý nguyện của bố mẹ; tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, sau 2 năm học, em này nhất định xin chuyển trường sang lĩnh vực khác, vì đó mới là lĩnh vực em yêu thích.

Như vậy, bạn ấy đã mất 2 năm học, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để trăn trở. Cuối cùng không không thể nào cố gắng theo hướng đi do người khác định ra cho mình. Việc hỗ trợ chuyển trường, chuyển ngành cho những sinh viên này cũng rất khó, bởi còn liên quan đến trường chuyển đến và trường chuyển đi, cùng nhiều vấn đề khác về mặt thủ tục, quy trình.

“Đây là ví dụ để thấy rằng, lựa chọn ngành đào tạo đúng ngay từ đầu rất quan trọng đối với thí sinh, tránh những đáng tiếc, hối hận sau này” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Lựa chọn đúng ngay từ đầu rất quan trọng

Sinh viên Trường ĐH Đông Đô.

Cần nhấn mạnh công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, 3 - 5 năm qua, một số lĩnh vực hiện thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất là: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin. Tiếp theo là các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục.

Đây đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung. Tuy nhiên, có những nhóm ngành đang thiếu sức hút với thí sinh.

Điều này thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Chúng tôi thấy khá lo ngại về vấn đề này.

4 nhóm ngành trên có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, tuy nhiên nhiều khi các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn. Một số em chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả nên đã không lựa chọn để đăng ký xét tuyển.

Trong khi đó, đây cũng là những lĩnh vực vô cùng cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chờ đợi sẵn để tuyển dụng. Nhưng chúng ta lại không biết điều đó ngay từ đầu và nghĩ rằng ngành này khó xin việc.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, việc tuyển sinh tốt hay chưa tốt, còn phụ thuộc vào cơ sở đào tạo, không chỉ ở ngành nghề. Có những cơ sở đào tạo tuyển sinh yếu hơn so với cơ sở khác do một số nguyên nhân như: chưa khẳng định được chất lượng đào tạo với xã hội nên chưa hấp dẫn thí sinh; do vị trí địa lý (các trường ở địa phương, ở những vùng địa lý khó khăn sẽ gặp khó hơn trong tuyển sinh).

Bên cạnh đó, hiện có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo với nhau để thu hút được những thí sinh giỏi nhất bằng các chính sách cụ thể trong tuyển sinh, đào tạo như: cơ chế học bổng. Một số trường mở ra ngành mới, có thể đang ở dạng thí điểm hay là những ngành quá hẹp, tất nhiên cũng khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, một số ngành thiếu sự hấp dẫn về cơ hội việc làm cũng sẽ tuyển sinh kém. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của rất nhiều bộ, ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Những năm gần đây, các ngành kỹ thuật ít được người học ưu tiên lựa chọn, dễ dẫn đến mất cân bằng trong thị trường lao động, tạo ra khủng hoảng thừa nhân lực khoa học xã hội trong tương lai.
Chiều qua (3.7), Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 của các trường THPT công lập. So sánh với kỳ tuyển sinh năm học trước, năm nay điểm chuẩn của nhiều trường có sự biến động.
Việc đã từng có thí sinh bị xử lý hình sự vì làm lộ, lọt đề thi năm trước và những thiết bị công nghệ hỗ trợ gian lận thi cử ngày càng tinh vi đòi hỏi công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay phải kỹ hơn.
Lần đầu tiên sau 7 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay để xảy ra 2 lỗi liên tiếp liên quan đến đề thi và công bố kết quả.
Nếu thí sinh học thuộc lòng, học theo dạng đề sẽ khó có thể làm tốt đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Đề thi đã trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì?”.
Đề tuyển sinh, thi tốt nghiệp những năm gần đây sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, từ đời thật, khiến học sinh và giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, học, tiếp cận vấn đề.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề