Sáng nay (13.8), Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 với chủ đề: "Các giải pháp phát triển mạng lưới giáo dục ĐH trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế". Hội nghị do Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ thông tin tại hội nghị. HÀ ÁNH
Các trường ĐH nằm trong nội thành hiện không phù hợp
Đáng chú ý, tại hội nghị, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM chia sẻ về công tác thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồ án nhằm triển khai công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH trên địa bàn thành phố và thực hiện Đề án di dời một số trường ĐH từ nội thành thành phố đến các khu quy hoạch theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 giúp các trường xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng theo yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, cho biết theo thống kê, các trường ĐH, CĐ ở trong TP.HCM chiếm hơn 60% số trường toàn vùng. Bên cạnh hệ thống trường công lập đóng vai trò chủ chốt, hệ thống trường ngoài công lập phát triển nhanh, tham gia đào tạo nhân lực ở trình độ cao kể cả đào tạo sau ĐH và liên kết đào tạo quốc tế. Theo thống kê, thành phố hiện có 1 ĐH Quốc gia, 51 cơ sở giáo dục ĐH và 356 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp tập trung chủ yếu ở quận 10, quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú và TP.Thủ Đức…
Chiến lược phát triển giáo dục sau phổ thông của TP.HCM. NGUỒN: SỞ QUY HOẠCH-KIẾN TRÚC TP.HCM
Các cơ sở giáo dục ĐH nằm trong khu vực nội thành thành phố hiện không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, chưa được di dời ra khỏi vùng trung tâm, gây áp lực và mất cân đối về hạ tầng xã hội-kỹ thuật. Đặc biệt là ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, an sinh, phúc lợi xã hội cuộc sống của người dân, tác động tới các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện tại chưa gắn liền với mạng lưới phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ của thành phố. Vì vậy cần phải được nghiên cứu, tái phân bổ để tăng kết nối với khu vực tập trung lao động trẻ đã qua đào tạo với các khu công nghiệp, công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp.
Rà soát đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010 của Thủ tướng Chính phủ và các đồ án quy hoạch phân khu, hệ thống trung tâm giáo dục ĐH được định hướng bố trí ở vùng ven nhằm di dời các cơ sở giáo dục bên trong nội đô ra vùng ngoại biên giảm bớt áp lực cho hạ tầng giao thông. Triển khai mô hình trên, TP có Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đã được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại.
Nhưng theo đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, trên địa bàn TP còn nhiều dự án diện tích lớn còn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa được thực hiện: Khu đô thị ĐH Hưng Long tại Bình Chánh (511 ha); khu ĐH Long Phước tại TP.Thủ Đức (172,92 ha); khu đô thị ĐH quốc tế VIUT (thuộc Khu đô thị Tây Bắc) huyện Hóc Môn (306 ha); khu giáo dục tập trung xã Long Thới huyện Nhà Bè (151,158 ha)... làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục theo các quy hoạch của TP. Việc xây dựng mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học chưa khả thi do quỹ đất còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng.
Hội nghị đã công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM. Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM; ông Nguyễn Bắc Nam, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM làm thành viên Hội đồng hiệu trưởng và bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM làm Tổ phó Tổ giúp việc Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM.
TP.HCM định hướng hình thành nhiều cụm trung tâm giáo dục đào tạo
Trong tham luận của mình, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM chia sẻ định hướng quy hoạch phát triển không gian tổng thể và xây dựng cấu trúc thành phố đa trung tâm bao gồm các tầng bậc. Trong đó, có định hướng phát triển hạ tầng giáo dục ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời gian tới.
Theo đó, mạng lưới này cần tập trung thành từng cụm ở khu vực ngoại thành và ưu tiên phát triển theo 3 hướng: đông, nam, tây bắc. Định hướng này nhằm phát triển mạng lưới một cách cân bằng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ tương tác với khu công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ được hình thành trong tương lai. Mạng lưới giáo dục ĐH và đào tạo nghề nghiệp tiếp tục tuân thủ 3 cụm trung tâm giáo dục theo quy hoạch trước đó.
Một là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía đông - TP.Thủ Đức bao gồm ĐH Quốc gia TP.HCM và một số cơ sở trong TP.Thủ Đức. Cụm trung tâm giáo dục này sẽ góp phần trở thành động lực phát triển cho khu vực phía đông, hỗ trợ, tương tác, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghệ cao.
Hai là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía nam bao gồm khu đô thị ĐH An Phú Tây - Hưng Long, làng ĐH Hùng Vương, làng ĐH Phong Phú, khu ĐH tập trung Long Thới Nhà Bè, các cơ sở giáo dục đào tạo khác tập trung tại vành đai 3. Các điểm giáo dục và đào tạo chủ yếu được bố trí giáp đường giao thông lớn, tiếp cận với mạng lưới cây xanh mặt nước cũng như định hướng phát triển tích hợp với các khu chức năng về thương mại dịch vụ và đô thị đa năng. Hướng tới việc không chỉ tập trung về giáo dục mà còn định hướng hình thành các trung tâm đa chức năng để đẩy mạnh động lực khu vực phía nam thành phố, đồng thời hỗ trợ cho các khu chức năng khác như khu công nghiệp ở huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
Quy hoạch phân khu xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM. NGUỒN: SỞ QUY HOẠCH-KIẾN TRÚC TP.HCM
Ba là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía tây bắc gồm: khu đô thị ĐH quốc tế Việt Nam thuộc huyện Hóc Môn (bao gồm chức năng giáo dục đào tạo và các chức năng phụ trợ khác) cùng một số các cơ sở giáo dục đào tạo khác. Việc hình thành khu trung tâm giáo dục đào tạo ở đây là chiến lược hợp lý, phù hợp với định hướng xen cài các trường ĐH vào các khu đô thị, đồng thời đây là khu trung tâm giáo dục có quỹ đất lớn, phù hợp để di dời một số cơ sở đào tạo bên trong nội đô ra ngoài ngoại thành. Khu đô thị ĐH quốc tế không chỉ là nơi tập trung các cơ sở trường ĐH, khu đào tạo nghiên cứu mà còn phát triển đô thị tích hợp, sẽ cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho sinh viên và chuyên gia giảng dạy. Việc hình thành một trung tâm giáo dục tại cửa ngõ phía tây bắc sẽ hỗ trợ cho các cụm công nghiệp huyện Củ Chi và các cụm công nghiệp, công nghệ cao dọc vành đai 3 huyện Bình Chánh.
Bên cạnh 3 cụm trung tâm đào tạo lớn trên, TP.HCM định hướng bổ sung thêm khu nghiên cứu đào tạo, trường CĐ ở Củ Chi - Hóc Môn nằm gần các cụm phát triển nông nghiệp công nghệ cao để cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghệ cao. Nâng cấp cải tạo Trường CĐ kỹ thuật công nghệ TP.HCM (nằm tại TP.Thủ Đức) để trở thành một trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, bổ trợ cho các khu nghiên cứu đổi mới sáng tạo và các khu công nghệ cao đồng thời trong tương lai lâu dài. Đây sẽ là trung tâm đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao cho TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 với tầm nhìn là thành phố toàn cầu, cần có cách tiếp cận quy hoạch và thực thi quốc tế.
Do đó, một trong các công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM là triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch khu ĐH theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sau khi Thủ tướng phê duyệt.
Theo Hà Ánh/ Thanh niên