Bất thường giữa điểm thi THPT với điểm học bạ lớp 12

Ở tất cả các môn, dù mức độ khác nhau nhưng điểm thi đều thấp hơn so với điểm học bạ. Ở một số môn, địa phương dẫn đầu về điểm học bạ lại gần đội sổ ở điểm thi hoặc ngược lại.

Đó là kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương do Bộ GD-ĐT tiến hành. Mục đích của việc làm này, theo Bộ là để các địa phương nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng.

Môn nào điểm học bạ cũng cao hơn điểm thi

Môn toán: Điểm trung bình học bạ của cả nước là 7,51, mốc điểm trung bình có nhiều học sinh (HS) đạt được nhất là 8,0. Tuy nhiên, kết quả phân tích phổ điểm thi môn toán thì điểm trung bình chỉ là 6,47, điểm số có nhiều thí sinh (TS) đạt nhất là 7,8.

Vị trí xếp hạng ở điểm thi cũng không giống với xếp hạng điểm học bạ. Cụ thể, Nam Định đang từ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng về kết quả học bạ môn toán đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong kết quả thi môn này với điểm trung bình là 7,402; Hải Phòng từ vị trí dẫn đầu về điểm học bạ tụt xuống thứ 8 với mức điểm trung bình là 6,92, như vậy chênh so với điểm học bạ là 1,22 điểm. Đồng Tháp đứng thứ 2 về kết quả học lực với mức 8,019 nhưng kết quả thi “lao dốc” xuống vị trí thứ 26 với mức điểm 6,485, chênh giữa điểm học bạ và điểm thi là 1,534 điểm.

Bất thường giữa điểm thi THPT với điểm học bạ lớp 12

Phổ điểm môn tiếng Anh theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022

Môn ngữ văn: Kết quả thống kê cho thấy, điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,21, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt được nhất là 7,3. Ở điểm thi, 2 mức này lần lượt là 6,5 và 7,0 điểm. Kết quả thống kê điểm trung bình học bạ môn ngữ văn cho thấy Tiền Giang có điểm trung bình học bạ cao nhất cả nước (7,677), Bắc Kạn thấp nhất cả nước (6,538). Tuy nhiên, ở kết quả thi thì Hải Phòng lại là địa phương dẫn đầu về kết quả môn ngữ văn với 7,688 điểm, Tiền Giang tụt xuống vị trí số 11 với kết quả thi là 7,026 điểm. Lai Châu là tỉnh có kết quả thi môn văn thấp nhất cả nước với 5,04 điểm, trong khi đó Bắc Kạn có điểm học lực thấp nhất cả nước khi xếp thứ 63 thì đã vươn lên vị trí số 35 ở kết quả thi (6,271).

Hóa, sinh: Hà Nội số 1 điểm học bạ lại “tụt dốc” ở điểm thi

Môn hóa: Điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,63, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt được nhất là 8,0. Ở điểm thi, điểm trung bình môn hóa của cả nước là 6,7, điểm số có nhiều TS đạt được nhất cũng tương đồng với điểm học bạ là 8,0.

Ở môn này, Hà Nội là địa phương có điểm trung bình học bạ cao nhất cả nước với 8,254 điểm, Bắc Kạn tiếp tục là địa phương có điểm trung bình học bạ thấp nhất cả nước 6,59 điểm. Đáng chú ý, trong kết quả xếp hạng giữa các địa phương thì vị trí số 1 trong điểm thi môn hóa lại thuộc về Tuyên Quang với 7,397 điểm trong khi điểm học bạ môn này thì Tuyên Quang xếp vị trí gần cuối bảng 62/63. Ở chiều ngược lại, Hà Nội dẫn đầu về kết quả học bạ nhưng ở kết quả thi lại tụt xuống vị trí 58 với mức điểm trung bình là 6,311, thấp hơn điểm thi tới gần 2 điểm, cụ thể là 1,943 điểm.

Môn sinh học, Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm trung bình học bạ cao nhất cả nước với 8,388 điểm; Bắc Kạn lại có điểm trung bình học bạ thấp nhất cả nước với 6,81 điểm. Tuy nhiên, ở điểm thi thì Tuyên Quang lại tiếp tục là địa phương có mức điểm thi môn sinh trung bình cao nhất cả nước với 5,98 điểm. Hà Nội đang ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng học bạ thì “lao dốc không phanh” xuống vị trí số 58 với mức điểm trung bình là 4,641. Như vậy, so với mức điểm học bạ là 8,388 thì mức điểm thi môn hóa của Hà Nội thấp hơn gần một nửa, mức chênh lên tới 3,747 điểm.

Bất thường giữa điểm thi THPT với điểm học bạ lớp 12

Phổ điểm môn ngoại ngữ (tiếng Anh) theo học bạ lớp 12 của cả nước

Ngược lại, Tuyên Quang có mức điểm học bạ gần “đội sổ” ở môn sinh khi xếp vị trí 61/63 với mức điểm là 7,052 thì ở điểm thi đã vươn lên vị trí số 1 cả nước.

Tương tự ở môn vật lý, điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,59, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt được nhất là 8,0. Tuy nhiên, ở kết quả thi, điểm trung bình môn vật lý là 6,72, điểm có nhiều TS đạt nhất là 7,25, thấp hơn 0,75 điểm so với điểm học bạ.

Hà Nội tiếp tục là địa phương có kết quả học bạ cao nhất cả nước với 8,233 điểm. Bắc Kạn lại là địa phương có điểm trung bình học bạ thấp nhất cả nước với 6,608 điểm. Thế nhưng, vị trí dẫn đầu trong kết quả thi thuộc về tỉnh Bắc Ninh với 7,504 điểm. Hà Nội từ vị trí dẫn đầu môn vật lý trong điểm học bạ đã tụt xuống thứ 28 với mức điểm là 6,84, chênh giữa điểm học bạ và điểm thi là 1,393. Cà Mau có điểm trung bình môn thi này thấp nhất cả nước với 6,034 điểm, trong khi đó, xếp hạng ở kết quả học lực chiếm vị trí thứ 26/63 với mức điểm lên tới 7,583, mức điểm thi thấp hơn điểm học bạ tới 1,549.

Bắc Kạn xếp cuối bảng về học lực môn vật lý với 6,608 điểm thì kết quả thi đã vươn lên vị trí số 41 với 6,536 điểm dù mức điểm chênh lệch không nhiều.

Lịch sử, địa lý: Bắc Kạn “bứt phá ngoạn mục” về điểm thi

Điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,79, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt nhất là 8,0. Tuy nhiên, ở kết quả phân tích phổ điểm thi thì điểm trung bình môn học này là 6,34, điểm nhiều TS đạt nhất là 7,0.

Bến Tre có điểm trung bình học bạ cao nhất cả nước (8,426), tiếp theo đó là Hà Nội (8,368); Bắc Kạn tiếp tục có điểm trung bình học bạ thấp nhất cả nước ở môn lịch sử (6,898). Tuy nhiên, kết quả thống kê điểm trung bình môn lịch sử thì Vĩnh Phúc mới là địa phương có điểm thi cao nhất với 7,172 điểm; Hà Giang có điểm thi thấp nhất (5,577). Địa phương dẫn đầu về kết quả học bạ là Bến Tre thì ở bảng xếp hạng điểm thi tụt xuống hạng thứ 29 với mức điểm 6,335; Hà Nội xếp thứ hai về điểm học bạ thì điểm thi xếp thứ 18 với 6,477 điểm.

Môn ít lệch nhất

Giáo dục công dân là môn hiếm hoi mà điểm học bạ và điểm thi khá tương đồng, không có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, điểm trung bình học bạ môn giáo dục công dân là 8,34, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt được nhiều nhất là 8,6. Kết quả phân tích phổ điểm thi ở môn thi này thì điểm trung bình cũng lên tới 8,03; điểm có nhiều TS đạt nhất là 8,5, chỉ chênh 0,1 điểm so với điểm học bạ.

Tương tự, ở chiều ngược lại, Bắc Kạn dù “đội sổ” ở mức điểm học bạ nhưng ở bảng xếp hạng điểm thi lại vươn lên vị trí thứ 14 với mức điểm là 6,561. Hà Giang về cuối bảng ở điểm thi (5,577) trong khi điểm học bạ xếp vị trí 54 (7,22).

Môn địa lý: Điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,98, mốc điểm trung bình nhiều HS đạt được nhất là 8,0. Tuy nhiên, ở điểm thi, điểm trung bình môn địa thấp hơn điểm học bạ, với mức điểm là 6,68; điểm số có nhiều TS đạt nhất là 7,0.

Ở bảng xếp hạng học bạ lớp 12 môn địa lý thì Long An có điểm trung bình cao nhất cả nước (8,587), Bắc Kạn lại là địa phương thấp nhất cả nước với 7,147 điểm. Ở bảng xếp hạng điểm trung bình thi môn địa thì Nam Định mới là địa phương có điểm cao nhất cả nước (7,362), Hà Giang thấp nhất (6,071). Long An từ vị trí dẫn đầu về điểm học bạ đã tụt xuống vị trí 21 trong bảng điểm thi; trong khi đó Bắc Kạn từ vị trí 63/63 ở điểm học bạ đã “bứt phá ngoạn mục” lên vị trí 16 ở điểm thi với mức điểm trung bình là 6,847.

Ngoại ngữ điểm học bạ quá cao, điểm thi quá… thấp

Môn ngoại ngữ gây “ấn tượng” trong kỳ thi năm nay không chỉ là môn có số điểm liệt nhiều nhất, điểm trung bình thấp nhất mà còn là sự chênh lệch quá lớn giữa điểm thi và điểm học bạ. Cụ thể, điểm trung bình học bạ môn ngoại ngữ lớp 12 của cả nước là 7,27, mốc điểm trung bình có nhiều HS đạt được nhất là 8,0 điểm. Tuy nhiên, kết quả thi môn này thì lại thấp hơn nhiều so với điểm học bạ, trong đó điểm trung bình là 5,15, thấp hơn 2,12; điểm thi nhiều TS đạt nhất chỉ 3,8, trong khi điểm học bạ mốc điểm nhiều HS đạt nhất lên tới 8,0 điểm, chênh hơn điểm thi tới 4,2, một mức chênh quá lớn và khó có thể lý giải được.

Hải Phòng có điểm trung bình học bạ cao nhất cả nước với mức 8,04; Sơn La có điểm thấp nhất (6,341). Tuy nhiên, ở bảng xếp hạng điểm thi thì TP.HCM mới là địa phương có kết quả môn ngoại ngữ cao nhất với 6,396 điểm, Hải Phòng tụt xuống vị trí số 5 với 5,775, điểm thi so với điểm học bạ của địa phương này ở môn ngoại ngữ thấp hơn 2,265 điểm.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh 2024, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên có hai năm liên tiếp nằm trong top 10 tỷ lệ vào ĐH trên tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn lựa chọn. Theo các chuyên gia, dù chọn thi ngoại ngữ hay không thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học cũng không nên bỏ bê, sao nhãng môn này.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM công khai kết quả tốt nghiệp của sinh viên được xét tuyển từ học bạ khiến nhiều người bất ngờ.
Hai năm trước, 3 trường ĐH bách khoa và 10 trường ĐH về kinh tế đã có những ký kết hợp tác về việc trao đổi sinh viên trong nước, nhưng đến nay số lượng tham gia còn rất ít, thậm chí có nơi chưa tổ chức được khóa học do chưa có sinh viên nào đăng ký.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề