2 trường đại học lớn kiến nghị Chính phủ quan tâm đến ngành khoa học cơ bản

Hai trường đại học lớn tại TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đến ngành khoa học cơ bản.

Sáng 6-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, TP.HCM cho biết hiện đang xảy ra sự bất cập trong cơ cấu ngành học, đặc biệt liên quan đến các ngành khoa học công nghệ.

Hiện nay người học đang chạy theo những ngành xu thế, ngành hot trong khi đó những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm của người học.

"Do đó, tôi mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những ngành học rất quan trọng nhưng ít được xã hội quan tâm" - ông Phong nhấn mạnh.

Một vấn đề được ông Phong đề cập là đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Hiện việc đầu tư cho khoa học công nghệ đang được thực hiện theo kế hoạch đầu tư của Bộ Khoa học Công nghệ.

"Chúng ta thường đầu tư trước và các chương trình đi sau nên không song song với nhau. Đơn cử có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia nhưng không có kinh phí duy trì. Về vấn đề này, Bộ Khoa học Công nghệ cũng có tổng kết, sơ kết và nên coi đó là bài học để xem xét lại cách thức đầu tư cho khoa học công nghệ cả phần cứng, phần mềm và con người" - ông Phong nói.

Liên quan đến kinh phí cho giáo dục đại học, ông Phong cho biết làm sao có cơ chế để phát huy những gì các trường đang có nhằm mang lại nguồn thu cho đại học, ngoài kinh phí từ nhà nước và học phí của người học. Ví dụ như khai thác tài sản công, gồm bất động sản là nhà cửa, đất đai và tài sản trí tuệ, hiện nay, có rất nhiều quy định ràng buộc. Nên chăng trong lĩnh vực giáo dục, y tế cần có những cơ chế đặc thù hơn để các cơ sở có thể phát triển.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đồng quan điểm PGS.TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tự chủ đại học.

Để có thể giải quyết những khó khăn này, kiến nghị của 2 Đại học Quốc gia đã thể hiện rất rõ. Nếu Đại học Quốc gia thể hiện được đúng sứ mệnh như khi nó sinh ra thì phải có cơ chế để 2 Đại học Quốc gia vượt qua những khó khăn, thách thức ở giai đoạn này.

Theo bà Lan, hiện nay tự chủ, học phí dồn lên các trường đại học. Các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang rất khó khăn.

Cụ thể, cơ chế chính sách chưa theo kịp với nhu cầu chính sách về tự chủ. Ví dụ, các ngành khoa học cơ bản theo nghị định 81 đối với giáo dục đại học quy định sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí. Những ngành như Triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh,…được hưởng chính sách này nhưng các ngành khác như Lịch Sử, Địa lý, Dân tộc học, Hải dương học, Địa chất,… thì không được.

"Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay" - bà Lan nhấn mạnh và kiến nghị trong Nghị định 81 sắp tới, nếu có sửa chữa thì cần bổ sung quy định giảm học phí cho một số ngành khoa học cơ bản.

Bà Lan chia sẻ thêm, hiện nay Đại học Quốc gia trong bối cảnh đó cũng đã có đề án hỗ trợ cho một số ngành khoa học “khó tuyển”.

"Tôi gọi là khó tuyển chứ thực chất các trường không muốn được gọi như vậy, nghe rất tổn thương. Hiện Đại học Quốc gia đã hỗ trợ cho các ngành khoa học cơ bản 35% học phí, các trường đại học tạm thời hỗ trợ 20%. Do đó, rất mong sự quan tâm của chính phủ trong việc sửa chữa nghị định 81 sắp tới"- bà Lan nói và đề xuất cần giảm học phí và có cơ chế đặt hàng cho các ngành khoa học cơ bản.

Theo Nguyễn Quyên/ PLO

Tin cùng chuyên mục

Cử tri đề nghị đưa ngành nghề: Giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng trong các cơ sở y tế và bổ sung vào “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...”.
Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề