Trường CĐ sẽ tham gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng việc đào tạo của các trường ĐH tại Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chính vì vậy rất cần sự tham gia của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là các trường CĐ.

Rất nhiều thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường CĐ" được tổ chức tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng chiều 16.8, với sự tham gia của 25 trường CĐ, hơn 10 doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn.

Trường CĐ tham gia đào tạo cho công đoạn nào?

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TUMIKI, chia sẻ việc đào tạo vi mạch bán dẫn tại Việt Nam hiện mới chỉ cấp ứng được khoảng 3% nhu cầu nhân lực. Trong khi đến năm 2030, Việt Nam cần thêm khoảng 50.000 lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Điều đó đặt ra một vấn đề cấp thiết, là không chỉ trường ĐH tham gia vào việc đào tạo nhân lực cho nền công nghiệp bán dẫn, mà trường CĐ cũng không thể nằm ngoài "cuộc đua" này.

Trường CĐ sẽ tham gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và các chuyên gia trao đổi tại hội thảo. MỸ QUYÊN

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), công việc trong ngành bán dẫn có 3 khâu: thiết kế (Design), sản xuất (Manufacturing) và đóng gói kiểm thử (ATP).

"Trước năm 2023, một số trường ĐH có giảng dạy một vài nội dung cho khâu thiết kế trong một số chuyên ngành, nhưng gần như chưa đào tạo trong khâu sản xuất hay đóng gói kiểm thử. Đến năm 2024, khoảng 15 trường ĐH có ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế, chỉ một số bắt đầu đào tạo ATP", tiến sĩ Sơn thông tin.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng nếu trường CĐ tham gia vào việc đào tạo thì nên tập trung cho khâu sản xuất và đóng gói kiểm thử, đặc biệt là đóng gói kiểm thử vì doanh nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang có nhu cầu nhân lực lớn ở khâu này.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng nhận định: "Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường, chúng ta phải trả lời được câu hỏi doanh nghiệp nào đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào, thực hiện công đoạn nào trong quy trình công nghệ bán dẫn?".

Theo tiến sĩ Kha, đội ngũ kỹ thuật viên làm việc trực tiếp tại nhà máy về bán dẫn không đòi hỏi có kiến thức hàn lâm như bậc ĐH, sau ĐH mà cần có kỹ năng làm việc, nắm vững phương pháp xử lý, quy trình công nghệ. Vì thế, việc đào tạo đội ngũ này hoàn toàn phù hợp đối với các trường CĐ.

Sẽ thí điểm ở một số trường

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết tổng cục đang xây dựng kế hoạch về đào tạo nhân lực bán dẫn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và kế hoạch này sẽ theo chủ trương chung của Chính phủ.

"Tổng cục đã tham mưu với Bộ LĐ-TB-XH chủ động gửi văn bản cho các trường để đề xuất nhu cầu đào tạo thực tiễn. Trước mắt, tổng cục sẽ điều chỉnh danh mục ngành nghề đào tạo, bổ sung các tên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn sau khi phân tích công việc, vị trí việc làm... Các trường căn cứ vào đó để chuẩn bị điều kiện tổ chức đào tạo", ông Dũng thông tin.

Trường CĐ sẽ tham gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng kế hoạch về đào tạo nhân lực bán dẫn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. NGỌC DƯƠNG

Theo ông Dũng, thiết kế chương trình sẽ là công việc khó khăn, không loại trừ khả năng sẽ phải mua hoặc chuyển giao. Tiếp đến là vấn đề đào tạo lực lượng giáo viên, các điều kiện về cơ sở vật chất...

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất giải pháp rằng Bộ LĐ-TB-XH nên đầu tư xây dựng mỗi vùng một trung tâm thực hành để hỗ trợ các trường CĐ, thay vì việc để các trường tự đầu tư nhỏ lẻ vừa tốn kém lại khó có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong lĩnh vực bán dẫn.

Trao đổi thêm về những đề xuất này, ông Trương Anh Dũng thông tin: "Việc đào tạo sẽ được thí điểm tại một số trường có đủ điều kiện, nguồn lực chứ không phải là tất cả. Sau đó, từ thực tế thí điểm và từ kinh nghiệm của các nước, tổng cục sẽ tham mưu bộ thiết kế một nhóm chính sách thúc đẩy, chẳng hạn nhà nước sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất, đội ngũ... Hiện nay tổng cục cũng đang xây dựng dự thảo, đề án thành lập các trung tâm thực hành vùng để đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, ngành trọng điểm, ngành mới như bán dẫn, dự kiến cuối năm sẽ trình Chính phủ", ông Dũng cho hay.

Một số trường CĐ đang xúc tiến đào tạo

Năm học 2024-2025, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM tuyển sinh 180 chỉ tiêu chuyên ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch thuộc ngành công nghệ điện tử viễn thông. Năm 2025 sẽ phát triển chuyên ngành này thành ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch, với chỉ tiêu 160.

Trường CĐ FPT Polytechnic (TP.HCM) năm nay cũng đã thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn từ Vương quốc Anh về Việt Nam, với 500 chỉ tiêu. Trường CĐ Quốc tế TP.HCM hiện cũng đang tuyển 100 chỉ tiêu các ngành đào tạo liên quan tới công nghệ bán dẫn nằm trong chương trình hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: "Để chuẩn bị cho việc mở ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch, trường đã thành lập Ban cố vấn công nghiệp (IAB) gồm đại diện đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn để xây dựng chương trình, chuẩn đầu ra...".

Theo tiến sĩ Kha, trường cũng thực hiện đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn tại các khóa học về lĩnh vực này trên hệ thống học liệu của Coursera (công ty công nghệ giáo dục do 2 giáo sư khoa học máy tính của ĐH Standford sáng lập, chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến), dưới sự tài trợ của dự án STIC. Đồng thời đầu tư trang thiết bị thực hành hàng chục tỉ đổng.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Các trường nghề tại TP HCM mở thêm những ngành học "hot" để bắt kịp xu hướng với hy vọng thu hút thí sinh học nghề
Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm tỷ lệ phân luồng học sinh học nghề sau bậc THCS vì điều này gây sức ép rất lớn cho học sinh lớp 9. Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, học sinh không muốn học nghề sẽ có các lựa chọn khác. Điều cần thiết là thành phố lớn xây thêm trường công lập ở bậc THPT để giảm áp lực chi phí học tập của người dân.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó không còn quy định
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng (năm 2023) có việc làm sau khi ra trường đạt 90,16%; trung cấp là 84,26%.
Sở GD-ĐT TPHCM triển khai thí điểm để trường cao đẳng và Trung tâm GDNN - GDTX hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh trường THPT.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề