Nam sinh đậu học bổng Chính phủ Mỹ bằng cách… kể chuyện

Lê Tấn Điền, sinh viên năm 4 khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, đã trúng tuyển chương trình học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), học bổng do cựu Tổng thống Barack Obama thành lập nhờ vào việc kể lại quá trình chống lại định kiến xã hội.

Thể hiện bản thân qua câu chuyện

- Cơ duyên nào để bạn lựa chọn đăng ký học bổng của chương trình YSEALI, một chương trình ngoại giao tập trung vào phát triển kỹ năng lãnh đạo?

Mình bắt đầu tham gia các chương trình tình nguyện ở trường, sau đó là ở các tổ chức xã hội. Qua đó mình có cơ hội gặp những người có cùng sở thích tham gia trao đổi và giao lưu quốc tế. Chúng mình chia sẻ thông tin về các chương trình và cơ hội, nhờ đó mình biết đến YSEALI. Bên cạnh đó, mình đăng ký học bổng YSEALI còn vì giá trị cốt lõi mà học bổng này mang lại. Ngoài những kỹ năng về lãnh đạo, giá trị cốt lõi mà YSEALI hướng đến là “Pay it forward”, tức khi bạn nhận được lợi ích từ chương trình thì bạn sẽ tiếp tục mang lợi ích đó đến những người tiếp theo. Vì khá ấn tượng về tính nhân văn này của chương trình nên mình đã quyết định đăng ký.

Hiện tại mình và vài người bạn đang điều hành một dự án cộng đồng về bình đẳng giới (Savour - Dự án phi lợi nhuận thúc đẩy SDG 5, hành động vì Bình đẳng giới và Đa dạng Giới tại Việt Nam) , tuy nhiên tụi mình cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính và quản lý tổ chức. Vì lý do này, mình quyết định đăng ký học bổng YSEALI. Nếu được trúng tuyển, việc rèn luyện kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp mình hỗ trợ dự án của mình hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

Nam sinh đậu học bổng Chính phủ Mỹ bằng cách… kể chuyện

Kinh nghiệm tích lũy từ chương trình YSEALI là bước đệm để Tấn Điền phát triển dự án cộng đồng Savour - Ảnh: NVCC

- Bạn cảm thấy như thế nào khi biết tin mình đậu học bổng Chính phủ Mỹ?

Mình rất bất ngờ và hạnh phúc. Mình không nghĩ bản thân sẽ đạt được học bổng YSEALI vì tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Học bổng YSEALI được mở 2 kỳ mỗi năm, đa số những ai có ý định ứng tuyển đều bắt đầu chuẩn bị từ khoảng 18 tuổi. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm sẽ tăng cơ hội trúng tuyển trong những năm tiếp theo. Mình đã xây dựng hồ sơ cá nhân ngay từ năm nhất thông qua các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện và chương trình giao lưu quốc tế. Khi cảm thấy hồ sơ của mình đã “đủ mạnh”, mình quyết định đăng ký. Dù vậy, mình vẫn coi đây là một “thử nghiệm” để đánh giá xem mình còn thiếu sót điểm nào và sẽ hoàn thiện vào năm sau. Có thể nói việc nhận được email báo đậu phỏng vấn và trúng tuyển học bổng YSEALI là nằm ngoài dự đoán của mình. 

- Trên trang cá nhân của mình, bạn có chia sẻ rằng bản thân đậu học bổng YSEALI bằng cách kể chuyện, bạn có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?

Phía hội đồng tuyển chọn yêu cầu thí sinh viết một bài luận 500 chữ khi nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng YSEALI. Bài luận này đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì ngoài thông tin cá nhân, kết quả học tập và thư giới thiệu của giáo viên, đây là cách để ứng viên thể hiện bản thân. Theo mình, việc khiến người đọc đồng cảm với câu chuyện của mình quan trọng hơn là họ chỉ hiểu vấn đề. Mình luôn cố gắng truyền tải thông tin qua một trình tự và có cốt truyện rõ ràng mỗi khi có cơ hội, dù là các bài thuyết trình trên lớp hay phát biểu trước đám đông.

Đối với bài luận YSEALI, mình đã kể câu chuyện từ khi còn nhỏ, mình đã sớm nhận ra xung quanh mình tồn tại những sự kỳ thị, bắt nạt và phân biệt đối xử dựa trên giới tính và xu hướng tính dục. Khi lớn lên, mình hiểu được các khái niệm về bản dạng giới, xu hướng tính dục và bình đẳng giới, nhưng mình nhận thấy những kiến thức này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, dẫn đến nhiều sự kỳ thị và đối xử bất công lan rộng trong xã hội. Mình đã đăng ký một khóa học tại Bangkok (Thái Lan) để hiểu sâu hơn về những vấn đề này. Sau khi về nước, mình quyết định xây dựng một dự án về bình đẳng giới và cộng đồng LGBTQ+. Trong bài luận, mình đã kể về quá trình thành lập và điều hành dự án, cũng như tiếp xúc với những đối tượng thụ hưởng của dự án. Mình tin rằng việc kể câu chuyện cá nhân và cho hội đồng thấy rõ mình là ai; mình đã, đang và sẽ làm gì sẽ tăng khả năng trúng tuyển.

- Bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình làm hồ sơ và bài luận để đăng ký học bổng Chính phủ Mỹ?

Khó khăn lớn nhất là mình phải hiểu rõ bản thân và giá trị cốt lõi của chương trình học bổng. Điều này đòi hỏi mình phải dành nhiều thời gian để trau chuốt hồ sơ cá nhân, nghiên cứu mô tả chương trình, tìm điểm chung giữa bản thân và giá trị cốt lõi của chương trình học bổng YSEALI và khai thác tối đa những điểm chung đó. Mình đã tích lũy kinh nghiệm bằng cách tham khảo vlog, bài chia sẻ của những người đã trúng tuyển học bổng YSEALI và theo dõi các buổi phát trực tiếp của Đại sứ quán Mỹ. Việc này tốn khá nhiều thời gian.

Tích cực hội nhập 

- Ngoài chương trình YSEALI bạn còn tham gia nhiều chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế. Bạn có thể chia sẻ “bí quyết” để làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển học bổng quốc tế? 

Ngoài YSEALI, mình cũng đã có cơ hội tham gia một vài chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế như chương trình đào tạo văn hóa (Youth Craft For Asean) tại Malaysia, Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc về An toàn mạng (Debate 2 Regulate Future Online Safety Leaders) ở Thái Lan, Hội nghị chuyên gia trẻ (Young Professional Fellowship) tại Indonesia. Sau khi tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế, theo mình, việc xác định được sự phù hợp giữa bản thân với chương trình là rất quan trọng. Để tìm ra được sự phù hợp giữa bản thân và tính chất của chương trình học bổng, các ứng viên cần phải trả lời được ba câu hỏi: “Bạn là ai?”, “Bạn có thể đóng góp gì cho chương trình?” và “Chương trình có thể giúp gì được cho bạn?”. Đây là chìa khóa quan trọng mà các ứng viên cần phải bám sát để làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển. 

"Một từ khóa quan trọng mà mọi người thường bắt gặp khi nghiên cứu cách đăng ký học bổng là “sự phù hợp với chương trình” - Lê Tấn Điền

- Theo bạn, đâu là trải nghiệm đáng nhớ nhất khi bạn tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế? 

Điều mình nhớ và trân quý nhất khi tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế là sự kết nối với những người cùng tham gia. Họ là những cá nhân tài năng, luôn cống hiến cho những dự án mang lại giá trị tích cực cho xã hội. Mình đã xây dựng nhiều tình bạn quý giá với những người bạn ngoại quốc thân thiện và tử tế. Chính những người bạn đa quốc tịch đã trở thành cầu nối và mở ra cho mình nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường quốc tế. Ngoài ra, nhờ tích cực tham gia các hoạt động trao đổi quốc tế, mình đã tích lũy nhiều kiến thức và trải nghiệm. Có thể nói tất cả các chương trình mà mình tham dự đều nhằm hướng đến phục vụ cộng đồng, về bình đẳng và đa dạng giới.

Nam sinh đậu học bổng Chính phủ Mỹ bằng cách… kể chuyện

Lê Tấn Điền cùng những người bạn ngoại quốc của mình - Ảnh: NVCC

- Việc học tại Trường ĐH KHXH&NV đã giúp bạn điều gì trong việc tham gia chương trình giao lưu quốc tế nói chung và chương trình YSEALI nói riêng? 

Môi trường học tập tại Trường ĐH KHXH&NV thực sự phù hợp với mình và mang đến cho mình nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Các bạn sinh viên xung quanh mình rất năng động và nhiệt tình, họ hỗ trợ mình rất nhiều trong quá trình học và giới thiệu cho mình những cơ hội mà họ biết. Ngành Ngôn ngữ Anh đã cung cấp cho mình nền tảng tiếng Anh vững chắc, mở ra cho mình nhiều cánh cửa đến với những nơi mới và cơ hội mới. Trường ĐH KHXH&NV theo hướng giáo dục mở và không theo khuôn mẫu, điều này cho phép mình có cơ hội tự do lựa chọn con đường mà mình mong muốn.

Nam sinh đậu học bổng Chính phủ Mỹ bằng cách… kể chuyện
Với Tấn Điền, học Ngôn ngữ Anh giúp anh có nền tảng tiếng Anh vững chắc cho việc tham gia các chương trình quốc tế - Ảnh: NVCC

- Sau khi tham dự chương trình “Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” YSEALI Academic Fellowship tại Mỹ vào cuối tháng 9 tới, mục tiêu sắp tới của bạn là gì?

Sau khi hoàn thành chương trình YSEALI, mở rộng dự án Savour là ưu tiên hàng đầu của mình. YSEALI mang đến cơ hội giúp mình trau dồi kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới mối quan hệ, đây là những yếu tố quan trọng để mình phát triển dự án và giúp đỡ nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Mình cũng sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp với tính chất của các dự án cộng đồng mà mình đang theo đuổi. Thông thường, các ứng viên sau khi trúng tuyển học bổng YSEALI sẽ trau dồi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và nguồn lực để tiếp tục phát triển các dự án của mình. Hiện tại mình cũng đang hợp tác cùng một số người bạn để tổ chức một chương trình đối thoại chia sẻ kinh nghiệm đăng ký ứng tuyển các chương trình học bổng, trao đổi và giao lưu quốc tế dành cho sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. 

- Bạn có lời khuyên gì gửi đến các bạn trẻ có mong muốn tham gia các chương trình học bổng, trao đổi và giao lưu quốc tế không? 

Với các bạn mong muốn tham gia các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế, hãy bắt đầu xây dựng hồ sơ cá nhân từ những điều nhỏ nhặt nhất, đừng ngại chia sẻ những khuyết điểm của bản thân. Từng bước chân nhỏ trên chặng đường các bạn đi đều là những yếu tố đắt giá để gây ấn tượng với hội đồng tuyển chọn. Việc thể hiện bản thân còn nhiều thiếu sót, bày tỏ mong muốn tiếp tục học hỏi cũng là một yếu tố quan trọng. Mình đã bắt đầu từ những chương trình thiện nguyện do Trường ĐH KHXH&NV tổ chức hằng năm. Sau đó, mình kết nối với các bạn cùng tham gia và tham gia nhiều chương trình khác để đúc kết kinh nghiệm quản lý và tổ chức các dự án xã hội. Tất cả những gì chúng ta đã và đang làm đều có thể trở thành câu chuyện ấn tượng trong bài luận. Ngoài ra, với các bạn sinh viên mong muốn tìm kiếm cơ hội ứng tuyển học bổng, trao đổi và giao lưu quốc tế từ những năm đầu đại học, hãy mạnh dạn hỏi thăm thông tin về các chương trình từ những người xung quanh, kể cả người không thân thiết. Đôi khi, họ sẽ là nguồn cung cấp thông tin hữu ích cho bạn. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của Lê Tấn Điền!

Những bước tiến quốc tế 

Với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới lan rộng trong cộng đồng, vào tháng 8.2023, Tấn Điền cùng các bạn của mình đã đồng sáng lập dự án phi lợi nhuận Savour về bình đẳng giới. 

Trong tháng 5.2024, Lê Tấn Điền đã trở thành Đại biểu Xuất sắc nhất tại Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc về An toàn mạng (Debate 2 Regulate Future Online Safety Leaders). Đây là một hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model UN). Tại đây, Tấn Điền cùng các đại biểu đã tranh luận để đưa ra sự đồng thuận quốc tế về An toàn mạng dựa trên nền tảng Nhân Quyền.

Vào tháng 6.2024, Lê Tấn Điền là 1 trong 15 đại biểu được tài trợ toàn phần cho Hội nghị chuyên gia trẻ (Young Professional Fellowship) tại Bali, Indonesia. Đây là chương trình trao đổi ngắn hạn với 150 đại biểu đến từ hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, thảo luận về các vấn đề toàn cầu, các hội thảo từ các chuyên gia về kinh tế, chính trị, xã hội và các buổi đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Đầu tháng 7.2024, Tấn Điền đã trúng tuyển chương trình học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Chính phủ Mỹ. Dự kiến, cuối tháng 9.2024, Tấn Điền sẽ đến Mỹ tham dự chương trình học bổng học thuật YSEALI, với chủ đề Thúc đẩy tinh thần công dân tích cực (Civic Engagement).

Phạm Trí - Minh Thư/HCMUSSH

Tin cùng chuyên mục

Là thí sinh duy nhất của Việt Nam giành huy chương đồng kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 vừa bế mạc tại Pháp mới đây, Phạm Thành Đạt vừa hạnh phúc vừa tiếc nuối vì chưa thể mang vàng về cho đất nước.
Năm nay, trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên có đến 51 em từng đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia hoặc kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia.
Cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới lần thứ 23” được tổ chức từ ngày 15/8/2024 đến ngày 04/9/2024 tại Phúc Kiến, Trung Quốc.
Nguyễn Trần Lê Tâm đạt 1.109 điểm thi Đánh giá năng lực, Vũ Nguyễn Anh Dũng có điểm tổ hợp A00 là 29,2 (Toán 9,2 điểm; Lý 10 điểm; Hóa 10 điểm) và Trần Nam Khánh có điểm tổ hợp D07 là 29,2 (Toán 9,2 điểm; Hóa 10 điểm; Tiếng Anh 10 điểm) là 3 thủ khoa đầu vào có thành tích xuất sắc nhất của trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM), khóa 2024.
Chào đón các tân sinh viên vào năm học mới, trường ĐH Bách khoa - ĐHQGHCM đã vinh danh những gương mặt nổi bật ở các phương thức xét tuyển đầu vào của trường năm nay
Bùi Thu Trang vừa tốt nghiệp loại xuất sắc ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương với điểm trung bình (GPA) đạt 3.83/4.0. Trước đó, nữ sinh này cũng đã nhận được thông báo trúng tuyển bậc thạc sĩ tại ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.