Chào đón các tân sinh viên vào năm học mới, trường ĐH Bách khoa - ĐHQGHCM đã vinh danh những gương mặt nổi bật ở các phương thức xét tuyển đầu vào của trường năm nay
Nam thủ khoa Phương thức Xét tuyển tổng hợp - Phạm Minh Tiến: luôn sẵn sàng tiếp nhận áp lực học tập
Dù đạt được 1053 điểm trong kỳ thi ĐGNL đợt 1, Minh Tiến có dự định tiếp tục dự thi đợt 2 để cải thiện điểm theo mong muốn. Song, nam sinh được thầy giáo khuyên nên tập trung ôn thi THPT vì nếu thi tiếp ĐGNL thì cũng sẽ không có nhiều đột phá do mức điểm hiện tại đã cao.
Ba mẹ và thầy cô không đặt quá nhiều kỳ vọng vì sợ gây áp lực tâm lý cho nam sinh, nhưng Tiến lại có phần lo lắng hơn vì cái “sợ” đó. Còn áp lực từ bài kiểm tra hay học tập, Tiến nghĩ là cần thiết nên luôn sẵn sàng tiếp nhận. Về bí quyết học tập, nam sinh cho rằng phải biết cách hệ thống những gì mình tiếp thu từ thầy cô nhưng cũng phải sáng tạo khi ứng dụng.
Tiến không đặt mục tiêu cao hơn khả năng bản thân, tuy nhiên phải xứng đáng với công sức học tập. Chàng thủ khoa thấy mình có thể làm tốt hơn nhưng vì trước thi chỉ ôn nhẹ nhàng với kết quả cũng khá đẹp nên tương đối hài lòng.
Nói về lựa chọn Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nam sinh đã tìm hiểu kỹ lưỡng từ trước và nhận thấy môi trường Bách khoa phù hợp với ngành nghề yêu thích và có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp. “Môi trường học tập như vậy, em nghĩ là cần thiết để chuẩn bị cho tương lai”, Tiến chia sẻ.
Hiện tại, Tiến không có kế hoạch gì chi tiết mà sẽ vừa học vừa định hướng để tạo sự linh hoạt cho cả việc học và các hoạt động khác, nhưng tinh thần chung là sẽ cố gắng học tập tốt.
Thành tích: Nhất điểm TB khối lớp 10,11. Nhất khối 12; Ielts 7.5; Giải nhất Giải toán trên Máy tính cầm tay môn Toán TP.HCM; Giải nhì HSG môn Toán cấp Thành phố
Nữ sinh có kết quả đầu vào xuất sắc nhất - Phạm Như Hà Linh: muốn đi tiếp con đường này dù có như thế nào
Hà Linh là nữ sinh có điểm đầu vào cao nhất theo phương thức xét tuyển tổng hợp của Trường Đại học Bách khoa. Khác con đường so với 03 thủ khoa còn lại năm nay, Hà Linh chọn học nhóm ngành Điện - Điện tử.
“Gia đình em cũng có rất nhiều người đi theo con đường Điện- Điện tử nên em nhận được nhiều gợi ý từ các bậc tiền bối về quá trình đào tạo và tương lai sau này. Bản thân em cũng thích các môn KHTN và có hứng thú với ngành điện cũng như ứng dụng của chúng vào đời sống. Em nhận được nhiều lời khuyên rằng con gái không nên theo học ngành kỹ thuật vì khá nặng nhưng bản thân em muốn đi tiếp con đường này dù có như thế nào”, Linh chia sẻ.
Nữ sinh cho biết thực sự không đặt mục tiêu điểm cao nhưng vẫn phải chắc chắn điểm đậu ngành mình thích. “Em chỉ làm theo những gì mình biết thôi nên cũng hơi bất ngờ khi nhận được kết quả thi cao hơn kỳ vọng”, Linh nói. Bí quyết học tập hiệu quả nhất đối với Linh là làm bài tập sau khi học xong ở trên trường trong thời gian sớm nhất có thể để nắm được ngay kiến thức và vận dụng vào bài.
Như các bạn cùng khóa, Linh dự định sẽ hoàn thành các chương trình trên trường một cách nghiêm túc. Hiện giờ, bạn đang xem xét các chứng chỉ cần thiết trong quá trình học tập và các hoạt động Đoàn-Hội, hoạt động thể dục thể thao để tham gia.
Thành tích: Giải ba HSG Quốc Gia và giải nhất HSG Tỉnh môn Toán; Tham gia cuộc thi Olympic Tiếng Anh của tỉnh và đạt giải nhất về môn viết.
Trường Đại học Bách khoa khen thưởng 04 tân thủ khoa.
Thủ khoa phương thức xét điểm thi ĐGNL - Đinh Quốc Thịnh: đam mê lớn với trí tuệ nhân tạo
Năm lớp 11, may mắn được gặp một giáo viên Tin học hướng dẫn về lập trình trên Python, Quốc Thịnh bắt đầu tận hưởng việc dành nhiều giờ liền để phân tích một vấn đề, viết các đoạn mã, tối ưu đoạn mã và nhìn thành phẩm của mình chạy một cách chính xác lên màn hình. Sau này, nam sinh tìm hiểu thêm về trí tuệ nhân tạo và thấy hứng thú với A.I. Trường Đại học Bách Khoa vốn nổi tiếng về chất lượng giáo dục và giảng dạy ở các ngành Công nghệ và Kỹ thuật, nên khi đã định hướng nghề nghiệp cho bản thân, Thịnh không ngần ngại đặt nguyện vọng 1 của mình vào ngành Khoa học máy tính của trường.
Xác định điểm ĐGNL cao đóng vai trò rất quan trọng để đậu vào Trường Đại học Bách khoa, nam sinh đặt mục tiêu rất cao vào điểm ĐGNL đợt 1. Giai đoạn đó nam sinh bị căng thẳng khá nặng, mặc dù điểm khá ổn so với mặt bằng chung vẫn chưa chắc chắn suất đậu ngành Khoa học máy tính, nam sinh tiếp tục ôn tập để thi đợt 2 và đạt được điểm số rất cao (1080 điểm).
Thịnh cho biết bí quyết ôn thi ĐGNL cả 2 đợt đều như nhau là chú ý nghe giảng, đặc biệt ở các môn xã hội do các câu hỏi mở rộng trong đề ĐGNL hầu như rất khó tìm trên mạng cũng như trong SGK nên nghe giáo viên và ghi chép lại là cách hiệu quả nhất. “Xác định ĐGNL chủ yếu rộng chứ không quá khó nên em đọc kĩ SGK, giải các đề ĐGNL mẫu và tìm thêm một số câu hỏi mở rộng ở trên mạng. Em nghĩ điểm thi có sự chênh lệch giữa hai đợt nhiều như vậy phần lớn là do đợt 2 em không bị tâm lý như đợt 1 cũng như có chiến thuật làm bài tốt hơn. Đợt 1 thì em làm theo đúng thứ tự từ trên xuống nên dẫn đến lúc còn 20 câu cuối thì hơi thiếu giờ, đọc không kỹ càng lắm, đợt 2 thì em làm theo từng phần, phần nào khó quá tạm bỏ qua và quay lại sau”, Thịnh bật mí.
Mục tiêu ngắn hạn của Thịnh khi học Bách khoa là không để rớt môn, còn dài hạn là cố gắng đạt GPA top cao để được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành yêu thích (Trí tuệ nhân tạo ứng dụng).
Thành tích: 01 giải khuyến khích và 01 giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh, IELTS Overall 8.0.
Thủ khoa phương thức xét điểm thi THPT -Nguyễn Hạo Thiên: ước mơ Trường Đại học Bách khoa từ lâu
Trường Đại học Bách khoa là ngôi trường mơ ước từ lâu của thủ khoa toàn quốc khối A1 Nguyễn Hạo Thiên (điểm 10 môn Lý và điểm 9.8 ở hai môn Toán, tiếng Anh).
Đam mê lập trình được nuôi dưỡng từ khi Thiên học lớp 8, lên lớp 11 thì bạn đã làm được một con game cơ bản. Có bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên nhưng Hạo Thiên không nối nghiệp gia đình vì sợ máu và bản tính hướng nội. Cùng với niềm yêu thích lập trình, nam sinh quyết định rẽ hướng chọn ngành Khoa học máy tính.
“Nghe danh Bách khoa rất nổi tiếng về ngành Khoa học máy tính mà lại lấy điểm rất cao nên điều đó khiến em phải cố gắng không ngừng nghỉ”, nam sinh chia sẻ, quyết tâm cao độ khi có thời điểm Thiên học từ 6h sáng đến khuya để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Nam sinh cho biết thêm để có thể linh hoạt về cách giải và tốc độ giải đề, ở cùng một bài tập khó, Thiên sẽ mày mò nhiều phương án giải khác nhau. Học ở trường nội trú, nam sinh không được sử dụng điện thoại, nội dung học chủ yếu là trong sách vở, tài liệu từ thầy cô, bạn bè.
Hạo Thiên có một sở thích rất thú vị, đó là hay chế tạo đề Toán và Tiếng Anh để các bạn xung quanh tìm lời giải. “Năm lớp 10 em tạo đề theo định dạng của cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, sang lớp 11 thì theo chương trình Ai là triệu phú và đến năm lớp 12 thì mô phỏng theo đề thi Trung học Phổ thông”, Thiên chia sẻ, cho biết rất thích “gài” các nội dung hóc búa vào câu hỏi để tăng độ khó.
Thành tích: Đạt giải nhất kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay và giải nhì môn Toán thi học sinh giỏi cấp thành phố. Năm lớp 11, Thiên đã đạt 8.0 IELTS.
Nguồn: HCMUT