Xu hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ cao

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với những đòi hỏi ngày càng cao về sự sáng tạo và linh hoạt trong công việc đã và đang tác động mạnh đến thị trường lao động, khiến sự cạnh tranh trên thị trường việc làm ngày càng gay gắt hơn.

Chính sự bùng nổ của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đã định hình lại các ngành nghề và cả cách chúng ta làm việc so với trước đây. Khó khăn, thách thức sẽ đi liền với cơ hội. Người biết nắm bắt cơ hội sẽ dễ dàng đạt đến thành công. Tuy nhiên, trước khi có được cơ hội tiếp cận việc làm tốt, các bạn cần trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nhận biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Xu hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ cao

Các học sinh lớp 12 đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh và tham vấn ngành nghề tại một Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh năm 2025. Ảnh TSHN

Thị trường tuyển dụng

Theo dự báo năm 2025 của Công ty nhân sự TopCV, thị trường lao động vẫn cần nhiều nhân lực đã qua đào tạo đáp ứng trình độ sản xuất ngày càng tăng cao nhưng doanh nghiệp ngày càng "khó tính" hơn khi tuyển dụng, do đó mức độ cạnh tranh để có vị trí việc làm tốt của người lao động vẫn khốc liệt trong thời gian tới.

Trong bối cảnh công nghệ thâm nhập ngày càng sâu vào quy trình sản xuất, lao động hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi đánh giá nhân sự là kỹ năng số. Theo TopCV, các doanh nghiệp hiện vẫn ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…

Những ngành nghề như lập trình viên, kỹ sư an ninh mạng… từng được đánh giá giảm nhu cầu nhân sự nhưng thực tế hiện vẫn là những ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Những doanh nghiệp sản xuất, kho vận, phân phối… vẫn cần nhiều vị trí kỹ sư ngành tự động hóa, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng… am hiểu công nghệ. Ngành năng lượng tái tạo, kinh tế xanh đang phát triển mạnh cũng cần lượng lớn nhân sự cao cấp giỏi kỹ năng số. Đặc biệt, ngành tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ khách hàng… đang phát triển mạnh mẽ cũng là nhóm ngành cần rất nhiều lao động hiện đại, giỏi chuyên môn và rành công nghệ.

Một nghiên cứu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy hơn 50% nhân viên sẽ cần phải nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại để thích ứng với những thay đổi trong công việc do sự phát triển của AI và tự động hóa. Và theo báo cáo của ManpowerGroup, 75% công ty trên toàn cầu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có kỹ năng do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Điều này cho thấy công nghệ đang đóng vai trò trung tâm trong sự chuyển đổi của thị trường lao động và khả năng học hỏi, thích ứng sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của người lao động trong tương lai.

Trang bị kiến thức, trau dồi kỹ năng

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) từng đưa ra khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là phải đổi mới chương trình đào tạo để giúp sinh viên có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường lao động hiện nay.

Theo đó, Falmi đề nghị các trường phát triển chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế, kỹ thuật với môi trường, y tế và công nghệ… Có như vậy thì mới đào tạo được những nhân lực có khả năng thích ứng cao với nghề nghiệp trên thị trường lao động hiện nay.

Đặc biệt, các trường phải quan tâm đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng số, lồng ghép vào các môn học, chú trọng đào tạo các ngành nghề theo xu hướng phát triển mới của nền kinh tế hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế bền vững, công nghệ sáng tạo… Đó là những kỹ năng mà người lao động cần, những nghề nghiệp mà doanh nghiệp đang và sẽ cần.

Mặt khác, trong kỷ nguyên AI, sự sáng tạo của con người cũng là yếu tố quan trọng trong việc định hình tương lai của công việc. Mặc dù AI có khả năng xử lý dữ liệu và tự động hóa nhiều nhiệm vụ, nhưng khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và tương tác xã hội vẫn là những lĩnh vực mà con người giữ vai trò chủ chốt. Đặc biệt trong những lĩnh vực như nghệ thuật, khoa học và đổi mới công nghệ, AI chỉ có thể hỗ trợ chứ chưa thể thay thế sự sáng tạo của con người.

Xu hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ cao

Chọn ngành nghề gì trong kỷ nguyên số là điều trăn trở của nhiều bạn trẻ. Ảnh: TSHN

Những nhóm ngành nghề “hot” trong 5 – 10 năm tới

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thị trường lao động đang trải qua nhiều thay đổi, tất nhiên sẽ có hàng triệu việc làm dần bị thay thế, song cũng sẽ có hàng triệu triệu công việc mới mở ra, tạo cơ hội lớn cho những ai sẵn sàng thích ứng.

Theo báo cáo của ManpowerGroup, lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Trí tuệ Nhân tạo (AI) vẫn sẽ dẫn đầu xu hướng trong vài năm tới. Ngoài ra sẽ có những nhóm ngành nghề được dự đoán có triển vọng nhất trong tương lai, dựa trên xu hướng phát triển, sự đầu tư và nhu cầu con người trong xã hội ngày nay. Cụ thể là những nhóm lĩnh vực sau:  

Lĩnh vực Công nghệ thông tin – Trí tuệ nhân tạo (AI)

Thay vì lo lắng về việc robot sẽ thay thế công việc của bạn trong tương lai, tại sao bạn không trở thành người tạo ra chúng? AI hiện đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất trong ngành công nghiệp và sẽ là tâm điểm của xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Theo báo cáo từ ManpowerGroup, nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ tăng mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang rất cần những kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Từ lập trình viên, kỹ sư phần mềm, chuyên viên phân tích dữ liệu đến chuyên gia an ninh mạng.. mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn mở ra cánh cửa cho những ai muốn tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ.

Lĩnh vực Chip và Chất bán dẫn

Ngành công nghiệp chip bán dẫn đã phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ đô la cho nhiều quốc gia, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao lại đang thiếu trầm trọng. Thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn trong lĩnh vực này khi nhiều tập đoàn sản xuất chip lớn trên thế giới bắt đầu chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho sinh viên xác định và đón đầu xu hướng việc làm trong tương lai gần. 

Các ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực này gồm kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Lĩnh vực Marketing

Ngành marketing, đặc biệt là digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), đang chứng kiến một cuộc bùng nổ mạnh mẽ. Sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và các kênh truyền thông mới đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.Trong bối cảnh này, nhu cầu về các chuyên gia marketing có khả năng phân tích dữ liệu và tối ưu hóa chiến lược truyền thông ngày càng tăng cao. Các doanh nghiệp cần những người có thể hiểu rõ thị trường và khai thác dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác.

Đây là một cơ hội việc làm hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên theo học khối ngành Marketing – Truyền thông – Quảng cáo.

Lĩnh vực Tâm lý

Với những áp lực của cuộc sống hiện đại, xã hội dần có cái nhìn thoáng hơn và khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tâm lý khi cần, đặc biệt là cuộc sống trở nên ảm đạm sau đại dịch. Vì thế, dịch vụ sức khỏe tâm lý đang dần trở nên cần thiết hơn, nhất là khi đây không phải là ngành nghề có thể tự động hóa.

Lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe từ xa

Y học là một ngành học đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội về chăm sóc sức khỏe. Đời sống của con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cũng được quan tâm nhiều hơn. Đây là một ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Y luôn cần và yêu cầu cao.

Hiện tại ngành chăm sóc sức khỏe cũng đang trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật số. Dẫn đầu xu hướng là telemedicine - dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin.

Lĩnh vực Năng lượng xanh

Năng lượng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu, khi con người đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhu cầu thay thế bằng năng lượng sạch và xanh trên thế giới sẽ ngày càng gia tăng.

Ứng dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay phát triển ô tô điện mới, năng lượng thay thế và tái tạo,.. là những lĩnh vực rộng lớn với tiềm năng hầu như vô hạn chưa được khai thác hết. Vậy nên đây được cho là ngành của tương lai. Một trong những điều thú vị nhất là các công việc năng lượng thay thế là rất đa dạng trong lĩnh vực này: từ xây dựng đến kỹ thuật, lắp đặt hay nghiên cứu năng lượng thay thế. 

Lĩnh vực Công nghệ tài chính

Với sự kết hợp độc đáo giữa kiến thức về tài chính và sự sáng tạo trong công nghệ, đã mở ra những cánh cửa mới cho những ai đam mê khám phá và áp dụng sự tiến bộ của công nghệ trong lĩnh vực tài chính.

Các chuyên gia về blockchain và nhà phát triển ứng dụng fintech sẽ làm việc để phát triển và triển khai các giải pháp tài chính tiên tiến, từ việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đến tăng cường an ninh và minh bạch trong các giao dịch tài chính như: thanh toán trực tuyến, tài chính cá nhân, vay vốn trực tuyến, quản lý tài sản thông qua ứng dụng di động và nhiều hơn nữa

Tư vấn tài chính và đầu tư cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Các nhà tư vấn tài chính và chuyên gia phân tích đầu tư sẽ làm việc để giúp khách hàng quản lý tài sản và đầu tư một cách hiệu quả, từ việc lập kế hoạch tài chính cá nhân đến phân tích và đánh giá các cơ hội đầu tư.

Lĩnh vực Logistic

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành Logistics, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh chóng, hiệu quả trên toàn cầu đang tạo ra một lượng lớn cơ hội việc làm trong ngành logistics. Các chuyên gia logistics chịu trách nhiệm quản lý luồng hàng hóa, tối ưu hóa quá trình vận chuyển, lưu trữ và phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, đồng thời ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. 

Lĩnh vực Kiến trúc – Thiết kế - Xây dựng đô thị thông minh

Với thời đại ngày nay, việc phát triển các thành phố thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường và tiện ích cho người dân là điều tất yếu.

Ngành xây dựng và thiết kế đô thị thông minh không chỉ bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn tích hợp công nghệ tiên tiến để quản lý và vận hành các hệ thống giao thông, năng lượng, nước và thông tin liên lạc một cách hiệu quả. Điều này sẽ tạo ra môi trường sống tốt hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Muốn theo đuổi lĩnh vực này, sinh viên cần có kiến thức về kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, công nghệ thông tin và quản lý dự án. Các ngành đào tạo phù hợp bao gồm kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị.

T.Xuân

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành Y dược có tính đặc thù cao bởi đối tượng hướng đến chính là chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhiều năm liên tiếp, khối ngành kinh doanh, quản lý tuyển sinh áp đảo khối ngành kỹ thuật công nghệ. Phải chăng vì có quá nhiều trường đại học chuyên đào tạo kinh tế?
Các ngành khoa học cơ bản là nền tảng của mọi ứng dụng trong cuộc sống. Thế nhưng theo các chuyên gia, hiện nay nếu để các ngành này đứng độc lập, không thay đổi và không có chính sách thu hút thì thí sinh sẽ vẫn thờ ơ để chạy theo các ngành có tính thời thượng.
Nếu như những ngành học xu hướng thuộc khối kinh tế, truyền thông, công nghệ... thu hút đông đảo thí sinh nộp hồ sơ, thì những ngành khoa học cơ bản tại nhiều trường lại rất ít hồ sơ, có ngành không đủ chỉ tiêu...
Trước mùa tuyển sinh 2025, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng việc ngành nghề mong muốn theo học liệu có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong tương lai...
Trường Cao đẳng Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, tọa lạc tại 145 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đã trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề