Làm sao để chọn được ngành mình yêu thích?

Làm thế nào để chọn được ngành mình yêu thích? Câu hỏi nghe có vẻ vô lý nhưng vẫn đang là “thực trạng” của nhiều học sinh khi phải lựa chọn ngành/ trường để đăng ký xét tuyển vào mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm.

Những vấn đề xoay quanh việc chọn ngành, chọn trường đến hẹn lại lên luôn trở thành những chủ đề nóng được nhiều cư dân mạng trải lòng trên mạng xã hội, trong các nhóm học tập đến các bài đăng của người nổi tiếng.

Với mỗi bạn học sinh hay cả người đã ra trường đi làm, một ngành học tuyệt vời sẽ là một ngành học mà bạn có hứng thú, có đam mê và đặc biệt là phù hợp với khả năng của bản thân sẽ “như cá gặp nước”. Thật tuyệt vời cho những ai biết được mình muốn gì và cần gì, và theo đuổi đúng cái mình mong muốn. Vậy còn những bạn vẫn không biết mình muốn gì, thích gì thì sẽ làm sao?

Làm sao để chọn được ngành mình yêu thích?

Làm sao để chọn được ngành mình yêu thích?

Ths Phạm Doãn Nguyên trong 1 buổi tư vấn về tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

Xác định 4 “định vị”

Ths Phạm Doãn Nguyên, chuyên gia tư vấn kỹ năng cho biết: Để không sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề, các em cần làm 4 việc sau:  

Thứ nhất là định vị bản thân: Hiểu biết rõ bản thân mình yêu thích, đam mê gì, có năng lực, sở trường nào, tính cách ra sao và các điều đó phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào mình muốn chọn. Muốn làm được điều này các em cần phải thông qua 1 số công cụ trắc nghiệm như MBTI, Holland, hoặc có thể tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, thầy cô, chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh, đồng thời thông qua trải nghiệm bằng cách quan sát, tìm tòi, phân tích để có thể tiếp cận được công việc mình muốn. Nếu có điều kiện tham gia vào công việc đó để hiểu rõ nội dung, tính chất công việc đó như thế nào, nó có “hào quang” gì và “khoảng lặng” nào thì càng tốt. Nếu các em trải nghiệm được càng nhiều thì thành công về sau sẽ càng cao.

Thứ hai là định vị ngành nghề: Theo xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành hiện nay của các trường ĐH, các em học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Với sự đổi mới trong đào tạo và sự liên kết giữa công nghệ thông tin với những ngành khác sẽ tạo ra những ngành học mới mà hiện nay các trường đang tuyển như: Digital marketing, công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục…  

Tuy nhiên, dù theo xu hướng nào, để làm tốt được ngành nghề mình đã chọn thì yêu cầu các em phải tìm hiểu rất kỹ về ngành nghề đó với những yêu cầu, đòi hỏi riêng của từng lĩnh vực ngành nghề. Ví dụ như với ngành quản trị kinh doanh, các em phải là những người năng động nhạy bén, khả năng giao tiếp tốt, tư duy quyết đoán, khả năng ra quyết định, khả năng đàm phán thương lượng, phân tích đánh giá, nhanh nhạy trong hoạt động kinh tế kinh doanh. Nếu chọn ngành Luật thì yêu cầu tố chất cốt lõi là như tuy duy logic, có khả năng phản biện, trình bày, diễn đạt, phân tích, đánh giá, có bản lĩnh chính trị cao và đặc biệt đối với nhóm ngành luật các em phải bảo vệ chính nghĩa. Hay như những ngành liên quan đến sức khỏe, đây là lĩnh vực nhiều em rất quan tâm nhưng lại ít chịu tìm hiểu sâu về ngành nghề, đến khi ra làm việc mới thấy nhiều áp lực. Khối ngành này thường phù hợp với các bạn có tấm lòng bác ái bao dung, yêu thương con người, tính cẩn trọng, tỉ mỉ chính xác tuyệt đối, chịu được áp lực công việc cao, có khả năng kiểm soát cảm xúc, không sợ máu, không sợ vất vả. Hoặc nhiều em “mê” về du lịch nhưng lại không tìm hiểu tố chất của những người làm việc trong lĩnh vực này như thích di chuyển đây đó, thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội, con người, đồng thời phải có sức khỏe tốt, khả năng chia sẻ, hòa đồng thân thiện, có khả năng xử lý tình huống… Đặc biệt các em phải nhớ, đi du lịch là hưởng thụ nhưng làm du lịch là phục vụ, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nên khi lựa chọn ngành nghề phải hiểu rõ tố chất và yêu cầu của từng ngành nghề thì cơ hội thăng tiến nghề nghiệp về sau mới cao.

Thứ ba là định vị thị trường lao động: Có rất nhiều em hiện nay lựa chọn ngành học nhưng không hình dung được sau khi học xong ra trường mình sẽ làm công việc gì và làm việc đó ở thị trường lao động nào. Ví dụ như ở TP.HCM, Hà Nội, ở nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Nhật, Anh, Mỹ…  Làm ở đâu? Và  làm khoảng bao lâu?... Các em cần xác định rõ không chỉ ở tương lai gần 5, 10, 15 năm mà còn lâu hơn và làm công việc ấy ở môi trường nào để phát triển. Ví dụ học về thủy hải sản thì phải làm việc ở nơi nào, vùng nào phát triển mạnh lĩnh vực này thì cơ hội nghề nghiệp của mình mới tốt và dễ thăng tiến.

Thứ tư là định vị về trường học: Hiện có nhiều bạn lựa chọn ngành học bằng cách dựa vào điểm số thi tốt nghiệp hay điểm học bạ theo kiểu điểm cao chọn trường “top”, ngành “hot” vì dễ trúng tuyển vào bất cứ trường nào nhưng sau khi học 1 – 2 năm, thấy không phù hợp là các bạn sẽ nghỉ vì tâm lý chán nản do không theo được hành trình học tập. Điều này sẽ mất rất nhiều cơ hội, thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình.

Môn học ở phổ thông là nền tảng để lựa chọn ngành nghề nhưng nó không quyết định giá trị nghề. Từ việc học giỏi những môn học nào đó thì các em hãy dựa vào đó lựa chọn ngành mà các em có năng lực sở trường, phẩm chất tính cách vượt trội nhất để theo đuổi thì sẽ dễ dàng thành công hơn.

Hiện nay có những trường đại học rất mạnh về nghiên cứu khoa học và học thuật, có những trường mạnh về hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lại có trường mạnh về hoạt động quốc tế, có trường mạnh về hoạt dộng kết nối doanh nghiệp… Mỗi em khi lựa chọn trường học phải nhớ là không có trường đại học nào phù hợp cho tất cả học sinh ở Việt Nam mà phải lựa chọn trường nào phù hợp với chính mình để mình có thể phát triển một cách tốt nhất. Đó là cách lựa chọn trường học tốt nhất.

Theo Ths Phạm Doãn Nguyên, chuyên gia tư vấn kỹ năng: những năm trước số lượng thí sinh đã trúng tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT không làm thủ tục nhập học rất cao. Cụ thể như năm 2023, 2024, trung bình khoảng 120.000 thí sinh đã trúng tuyển chính thức trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng không làm thủ tục nhập học trên hệ thống. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do ngay từ đầu các em đã chọn sai ngành học. Ngoài ra, hàng năm ở các trường đại học, tỷ lệ sinh viên bỏ học khá cao sau khi học xong năm thứ nhất, với khoảng từ 5 – 10% ở trường công và khoảng từ 15 – 20% ở những trường ngoài công lập. Đây là một con số khá lớn. Do đó việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, phẩm chất, tính cách của các em học sinh là rất quan trọng.

Ngành và trường: nên chọn cái nào trước?

Quen với cách chọn trường học để thi vào như ở phổ thông, nhiều em lựa chọn ngành học để xét tuyển đại học cũng chỉ “chăm chăm” chọn trường vì danh tiếng của trường đó mà không quan tâm tới trường đó đào tạo những ngành học nào và ngành học đó có thích hợp với mình hay không. Vì thế câu hỏi nên chọn trường trước hay ngành trước cũng là thắc mắc của nhiều em học sinh hiện nay.

Trường đại học là nền tảng đầu tiên giúp bạn vững bước trên con đường sự nghiệp tương lai. Chọn trường là một trong những việc làm quan trọng trước khi đăng ký dự thi đại học, chọn trường đại học phù hợp là điều không hề dễ dàng với các em học sinh vừa kết thúc chương trình phổ thông. Nếu các em thực sự yêu thích một ngôi trường đại học nào đó nhưng lại không có ngành học các em muốn, thì nên xem xét lại bởi nếu không phải là ngành học mà các em yêu thích, các em sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng. Vì thế câu trả lời đương nhiên sẽ là chọn ngành trước khi chọn trường.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Thụy – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khuyên: “Trước khi đặt bút chọn ngành nghề nào hãy lên mạng tìm hiểu xem các doanh nghiệp họ thường tuyển dụng những vị trí công việc gì và từ vị trí công việc đó đòi hỏi bạn phải tốt nghiệp ngành nào, yêu cầu ra sao. Từ đó các em sẽ định hướng được sau này vị trí công việc của mình là gì và mình quan tâm tới các ngành đào tạo nào. Khi đã có ngành mình mong muốn thì hãy tìm hiểu một loạt chương trình đào tạo ở các trường ĐH về ngành đó, phân tích xem chương trình đào tạo của các trường có sự khác biệt gì về môn học ở ngành đó hay không để thấu hiểu ngành học và xem trường nào đáp ứng đúng yêu cầu và nhu cầu của các em nhất, lúc đó các em sẽ lựa chọn được trường phù hợp với mình. Sau cùng các em hãy quay ngược lại để xem xét những thông tin về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, môi trường học tập của ngôi trường có ngành các em chọn ra sao, ngân sách chi trả học phí như nào thay vì quan tâm đến thương hiệu của 1 ngôi trường nào đó”.

Chọn ngành hay chọn trường đều nhằm mục đích là tìm kiếm một cơ hội làm việc và thăng tiến cho tương lai. Vì vậy, khi chọn trường đại học, các em cũng nên tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu của xã hội. Các em có thể có được việc làm dễ dàng ngay sau khi tốt nghiệp chỉ khi nào xã hội đang cần nhân lực ở lĩnh vực đó. Tìm hiểu nhu cầu xã hội chỉ mang tính chất tham khảo, cái chính khi chọn ngành, chọn trường vẫn là ưu tiên cho năng lực và đam mê của bản thân.

Thanh Xuân

Tin cùng chuyên mục

Trước mùa tuyển sinh 2025, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng việc ngành nghề mong muốn theo học liệu có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong tương lai...
Trường Cao đẳng Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, tọa lạc tại 145 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đã trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.
Các chuyên gia kiến nghị nhà nước cấp học bổng để thu hút sinh viên theo học chuyên ngành đường sắt. Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu chỉ cấp học bổng hay miễn học phí thôi là chưa đủ...
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tái khởi động lại, đồng nghĩa với việc các trường đại học (ĐH) chính thức “đánh thức” nhiệm vụ đào tạo nhân lực phục vụ dự án đã để “ngủ” một thời gian...
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học...
Năm 2024, Trường ĐH Trà Vinh xếp thứ 133/1447 trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Thí sinh lo nguy cơ thất nghiệp vì AI, trăn trở đăng ký ngành nào cho trúng
Trước mùa tuyển sinh 2025, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng việc ngành nghề mong muốn theo học liệu có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong tương...