Đào tạo sau đại học "chật vật" tuyển sinh

Nhiều cơ sở giáo dục đại học “chật vật” trong tuyển sinh học viên cao học.

Học viên, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương học tập, nghiên cứu tại thư viện thông minh. Ảnh: Website trường

Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay nên cần “bắt mạch” nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Sụt giảm số lượng

Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) là hơn 100 học viên. Tuy nhiên, TS Hoàng Công Kiên - Hiệu trưởng cho hay, dù tuyển sinh thành 2 đợt nhưng nhà trường chỉ tuyển được hơn 50%; trong đó ngành liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp không có hồ sơ ứng tuyển.

Một trong những nguyên nhân khiến người học thạc sĩ giảm do tiếng Anh đầu vào khắt khe hơn. Theo đó, từ năm 2021, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam mới đủ điều kiện học thạc sĩ và đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 mới được tốt nghiệp trong khi quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2014 không có quy định bắt buộc này.

“Tuyển sinh sau đại học nói chung và trình độ thạc sĩ nói riêng ngày càng khó khăn và sụt giảm về số lượng. Để tuyển đủ chỉ tiêu là bài toán khó với cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay”, TS Hoàng Công Kiên trăn trở và cho biết, kết quả tuyển sinh giảm khoảng 50% so với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước.

Dù đã “mở toang” cánh cửa nhưng vài năm gần đây, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) vẫn “chật vật” trong công tác tuyển sinh cao học, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng phân trần và cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 của nhà trường là hơn 600 học viên. “Chắt chiu” từng hồ sơ nhưng nhà trường chỉ tuyển được hơn 300 học viên.

“Tình trạng sụt giảm người ứng tuyển, người học cao học diễn ra trong 2 - 3 năm gần đây. Chúng tôi đang tìm mọi giải pháp, chiến lược để cải thiện tình hình, hy vọng năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc”, TS Võ Thanh Hải bày tỏ. Đó cũng là tâm tư của lãnh đạo Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh. TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng cho hay, năm 2023, nhà trường được tuyển 350 học viên cao học. Tuy nhiên, hết năm 2023, nhà trường tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu.

Theo TS Thái Doãn Thanh, tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu học viên cao học diễn ra 2 - 3 năm nay. Yêu cầu trình độ ngoại ngữ (đầu vào, đầu ra) là một trong những trở ngại chính khiến nhiều thí sinh “chùn bước”. Điều này dẫn đến các trường bị thiếu hụt chỉ tiêu khi tuyển sinh cao học, dù nhu cầu và nguồn tuyển dồi dào.

Lễ tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp đợt 2năm 2023 của Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website trường

Tháo “nút thắt”

TS Thái Doãn Thanh viện dẫn, theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định về Quy chế tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, điều kiện để dự tuyển thạc sĩ là phải thi tiếng Anh đầu vào hoặc có năng lực ngoại ngữ đạt chứng chỉ từ B1 (tương đương bậc 3 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam) trở lên. Ngoài ra, để được tham gia bảo vệ luận văn thạc sĩ, học viên cần có chứng chỉ tiếng Anh B2 (tương đương với bậc 4 trong 6 bậc năng lực ngoại ngữ tiếng Anh của Việt Nam).

“Giải pháp trước mắt của Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh là tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm; đồng thời đào tạo liên thông lên thạc sĩ với những ứng viên đủ điều kiện. Chẳng hạn những sinh viên khá giỏi sẽ được học thử một số môn của cao học và khi học thạc sĩ chính thức sẽ được miễn môn này”, TS Thái Doãn Thanh thông tin.

Ở góc nhìn khác, theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), có nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Theo đó, nhiều quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong đào tạo sau đại học được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT.

Gợi ý các giải pháp đối với cơ sở đào tạo sau đại học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi, các cơ sở giáo dục đại học phải tự chủ cao, có trách nhiệm giải trình với xã hội để chủ động trong điều hành hoạt động, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo sau đại học và nghiên cứu, các đơn vị đào tạo với cơ sở sử dụng sản phẩm đào tạo thạc sĩ.

Ngoài ra, có thể thực hiện phương thức hỗ trợ với học viên cao học thông qua việc giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể và cấp kinh phí nghiên cứu tương ứng. Tăng cường phối hợp giữa bộ phận quản lý sau đại học với các bộ môn trong giảng dạy, thi và kiểm tra, định hướng đề tài nghiên cứu, đánh giá luận văn ở bộ môn, quản lý giám sát học viên cao học trong quá trình đào tạo và sinh hoạt khoa học.

Tại Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, GS.TS Philip Hallinger đến từ Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan) trao đổi, các trường phải thay đổi tư duy đào tạo.

Nhiều trường, chương trình còn thiết kế theo kiểu làm nghiên cứu nhưng học rất nhiều; thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu ít. Điều này khiến người học dễ chán. “Vì thế, các trường cần trả lời các câu hỏi: Làm gì để sinh viên yêu thích đến trường? Có hoạt động gì để hỗ trợ dạy - học và làm thế nào giúp cho sinh viên học tập tốt nhất”, GS.TS Philip Hallinger gợi mở.

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ, trong đó quy định việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.

Phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định bao gồm thi, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển nhưng bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như tuyển sinh trực tiếp.

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Nếu trước đây, phần lớn các trường đào tạo toán ở Việt Nam là ngành sư phạm toán, mục tiêu đào tạo để trở thành giáo viên thì nay, các trường đào tạo toán đã mở rộng quy mô và hướng đến nhiều ngành nghề hiện đại, phù hợp xu thế.
Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất…
Ngày 18/10, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT), tiếp tục lấy ý kiến về việc thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình mới với 3 bài thi, trong đó môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm.
Bộ GD - ĐT đang trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật...
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vừa công bố thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.